Chấn chỉnh hoạt động dịch vụ tại Khu LHTTQG Mỹ Ðình
Khu chợ lụp xụp, mất vệ sinh ngay cạnh Bệnh viện Thể thao tại Khu LHTTQG Mỹ Đình. Trước hiện trạng hoạt động thiếu hiệu quả của Khu Liên hợp Thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị quản lý khu liên hợp đã tiến hành liên doanh, liên kết khai thác kinh doanh, cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, tạo kinh phí "lấy thu bù chi".Tuy nhiên, những hoạt động này đang diễn ra vô tổ chức cùng sự buông lỏng quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, khiến một phần không gian tổ hợp thể thao quốc gia hiện đại đang trở nên lộn xộn, thiếu mỹ quan và văn minh đô thị, không phù hợp chức năng công trình.Trách nhiệm chính quyền và đơn vị quản lý ?Dạo thử một vòng phía ngoài Khu LHTTQG Mỹ Đình, có thể dễ dàng nhận thấy những bất cập mà dư luận vừa qua đã lên tiếng. Một số khoảnh đất rộng, thoáng đãng trong khuôn viên các công trình của khu liên hợp hiện nay đã trở thành nơi bày bán cây...
Khu chợ lụp xụp, mất vệ sinh ngay cạnh Bệnh viện Thể thao tại Khu LHTTQG Mỹ Đình. |
Tuy nhiên, những hoạt động này đang diễn ra vô tổ chức cùng sự buông lỏng quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, khiến một phần không gian tổ hợp thể thao quốc gia hiện đại đang trở nên lộn xộn, thiếu mỹ quan và văn minh đô thị, không phù hợp chức năng công trình.
Trách nhiệm chính quyền và đơn vị quản lý ?
Dạo thử một vòng phía ngoài Khu LHTTQG Mỹ Đình, có thể dễ dàng nhận thấy những bất cập mà dư luận vừa qua đã lên tiếng. Một số khoảnh đất rộng, thoáng đãng trong khuôn viên các công trình của khu liên hợp hiện nay đã trở thành nơi bày bán cây cảnh, đá cảnh, bãi đỗ xe ô-tô, thậm chí là nhà kho. Có những khu vòi phun nước tịt ngóm được “rào chắn” lại chung quanh bằng các xe hàng di động trà đá, cá mực… chỉ chờ trực sẩm tối là sẵn sàng giăng ra các vỉa hè, bãi cỏ để “tác chiến”. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã tiến hành nhiều đợt giải tỏa, nhưng rồi “đâu lại vào đó”. Ngay trên đường Đỗ Xuân Hợp, một phố mới có hàng cây xanh và kênh thoát nước khá đẹp, sát bên cạnh Bệnh viện Thể thao hiện đại mới xây dựng năm 2007, hiện mọc lên một khu chợ cóc lụp xụp, lầy lội bùn đất, mất vệ sinh. Khu chợ tồn tại trong một thời gian dài giữa một trung tâm thể thao mang tầm vóc quốc gia là điều không thể chấp nhận. Từ xa nhìn lại, khu chợ nhếch nhác này gần như che khuất bệnh viện và đang có nguy cơ tràn cả sang phần không gian cổng bệnh viện. Dọc hai bên hè phố phía hàng rào sân Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao ngay cạnh sân vận động Mỹ Đình, rải rác một số hàng quán nước mía, giải khát với những tấm vải bạt chăng ngang móc vào hàng rào.
Hiện trạng nêu trên là trách nhiệm của đơn vị quản lý Khu LHTTQG Mỹ Đình và cơ quan chức năng địa phương. Lẽ ra phải phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương tìm biện pháp giải quyết tình trạng nêu trên, thì đơn vị quản lý khu liên hợp lại có vẻ như “hùa vào” tiếp tay cho sự lộn xộn bằng những hoạt động liên kết, sử dụng và cho thuê mặt bằng mở dịch vụ với các tụ điểm khai thác, kinh doanh các dịch vụ… phi thể thao. Điều này trái ngược với chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi cho phép đơn vị liên doanh, liên kết nhằm huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác để phát triển thể thao và các loại hình dịch vụ liên quan thể thao. Vào các buổi chiều khi sẩm tối, cả một khu quảng trường rộng mênh mông trước sân vận động Mỹ Đình lại trở thành nơi thư giãn của những nhóm nhậu, quán cóc bán nước. Sự lộn xộn này được cộng hưởng với hệ thống dịch vụ “Khu ẩm thực phố cổ” âm nhạc xập xình nằm bên phải cổng sân vận động Mỹ Đình, phía góc cuối quảng trường được ban quản lý Khu LHTTQG cho phép xây dựng và hoạt động. Cũng ngay cạnh đó là một rạp xiếc bằng bạt cỡ lớn nằm chình ình, lằng nhằng dây chằng, bừa bãi rác, giấy vụn, tờ rơi với những tấm quảng cáo chương trình cỡ lớn được trương lên, thò ra, thụt vào, xanh đỏ, kiểu như một đám hát “Sơn Đông mãi võ” tạm bợ vừa “cập bến”.
Ngay cạnh rạp xiếc và “Khu ẩm thực phố cổ” là một loạt trung tâm dịch vụ sửa chữa ô-tô trên khu đất nằm trong khuôn viên của sân vận động như: Viet, ANT… với các nhà để xe ô-tô cũ và cả “xác” ô-tô hay các loại xe khác đang chờ sửa hoặc thanh lý làm sắt vụn. “Liên hiệp công xưởng” này ồn ào, rầm rập tiếng máy chạy, xộc lên mùi xăng, mùi dầu mỡ, ngổn ngang phôi sắt, máy móc. Đi sâu vào phía trong, còn có cả một cơ sở ra dáng một công ty đúc bê-tông nhộn nhịp người làm việc. Ngay cả những khoảng không gian chung quanh Cung thể thao dưới nước cũng được trưng dụng để mở cửa hàng chữa ô-tô, chứa ga, nhà hàng… Tính đến nay, theo thông tin chúng tôi được biết, đã có khoảng 30 đơn vị đang liên kết, liên doanh, thuê mặt bằng làm dịch vụ trong toàn khu liên hợp.
Liên kết kinh doanh dịch vụ phải phù hợp
Được xây dựng từ năm 2001, sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước là hai công trình trọng điểm thuộc Khu LHTTQG được hoàn thành trong giai đoạn một của dự án. Tuy nhiên, với 53 triệu USD vốn đầu tư ban đầu, trung bình mỗi năm, sân Mỹ Đình chỉ phục vụ khoảng mười trận đấu quốc tế và thu về 80 triệu đồng/trận. Cung thể thao dưới nước, hạng mục công trình chiếm 240 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu, mỗi năm cũng chỉ tổ chức được một giải bơi, lặn, nhảy cầu vô địch quốc gia. Dù cũng đã mở cửa liên kết với các trường dạy bơi cho trẻ và thu hút người dân vào bơi nhưng chỉ được vài tháng hè, thời gian còn lại đều bỏ không. Trong khi chưa tính đến hỏng hóc, thay mới, chỉ riêng việc tu bổ, bảo dưỡng cho hai công trình này cũng đã “ngốn” tới hàng tỷ đồng. Chính vì thế, việc tập trung khai thác các hình thức kinh doanh dịch vụ trên cơ sở xã hội hóa là giải pháp cần thiết nhằm tăng ngân sách bảo trì, duy tu và nguồn thu cho hoạt động của đơn vị quản lý. Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn phê duyệt chủ trương thí điểm kêu gọi đầu tư vào Khu LHTTQG. Theo đó, đơn vị quản lý được phép sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất của mình thực hiện liên doanh, liên kết nhằm huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác để phát triển thể thao cùng các loại hình dịch vụ liên quan, nhưng các hoạt động này cần phù hợp chức năng và quy hoạch trước mắt cũng như lâu dài của khu liên hợp.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh đơn vị quản lý Khu LHTTQG đã được quyền tự chủ tài chính, khi mà Đảng và Nhà nước có chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực thể thao nói riêng và giáo dục, văn hóa nói chung, việc liên kết kinh doanh để thu hút đầu tư, tạo dựng nguồn kinh phí hoạt động là điều quan trọng, song khai thác và liên kết như thế nào để vừa giải quyết vấn đề về kinh tế, vừa bảo đảm yếu tố văn hóa và mỹ quan, nếp sống văn minh đô thị, không xa rời mục đích hoạt động của một công trình mang tính cộng đồng, nhất là của một công trình thể thao của quốc gia là cả một vấn đề đáng bàn. Khu Liên hợp Thể thao không chỉ là hạng mục công trình phục vụ thi đấu thể thao mà còn là một điểm nhấn văn hóa của Thủ đô hiện đại đang trên con đường hội nhập, phát triển, đồng thời cũng phản ánh sự quan tâm đầu tư, chăm lo cho thể thao của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của thể thao nước nhà. Vì thế không nên và không đáng có những hoạt động khai thác kinh doanh dịch vụ làm xấu đi hình ảnh, diện mạo văn hóa, tạo nên sự bừa bộn, nhếch nhác như thực trạng hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, bố trí lại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh nêu trên một cách hợp lý. Nguyên Tổng cục trưởng Thể dục – Thể thao Lê Bửu, một người đã có nhiều năm đóng góp cho sự phát triển của thể thao nước nhà nhận xét: Khu LHTTQG Mỹ Đình và các trung tâm thể dục thể thao khác được xây dựng để phục vụ thể thao, vì thế kinh doanh gì, khai thác gì cũng không thể tách rời vai trò và trách nhiệm của một trung tâm hoạt động thể thao quốc gia. Qua thông tin trên báo chí, ông Bửu cho biết, không đồng tình với chuyện ban quản lý Khu LHTTQG sử dụng một phần đất và mặt bằng vào việc liên kết, cho thuê và sử dụng kinh doanh các hoạt động không liên quan và không phục vụ cho thể thao. Trong khi đó những dự án, công trình mục tiêu khác của ngành thể thao dường như bị bỏ quên hoặc thay đổi mục đích sử dụng trong quá trình điều chỉnh quy hoạch khu liên hợp.
Trước sự lộn xộn trên và bức xúc của xã hội, Ban quản lý Khu LHTTQG cần nhất quán và có sự quy hoạch, lựa chọn trong liên kết kinh doanh, khai thác, đưa vào hoạt động các dịch vụ chứ không thể liên kết một cách tùy tiện, buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng như hiện nay, trong đó phải tính đến khả năng đáp ứng, mức độ phù hợp giữa dịch vụ liên kết với chức năng, nhiệm vụ của Khu LHTTQG, sử dụng công trình, mặt bằng và không gian trong khu vực đúng mục đích, bảo đảm mỹ quan của một công trình thể thao văn hóa quốc gia.
Theo Nhandan
Ý kiến ()