Bạn đọc Hứa Thị Ngọc Hạnh (TP Hồ Chí Minh): Ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, xuất hiện nhiều loại hình bảo hiểm đa dạng. Hàng chục doanh nghiệp, đơn vị đứng ra kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nhiều hãng bảo hiểm có uy tín xây dựng được mạng lưới đại lý chân rết ở hầu hết các địa bàn; tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ bài bản; giáo dục phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên. Nhờ sự nở rộ của các loại hình bảo hiểm mà người dân có nhiều sự lựa chọn tham gia một số dịch vụ bảo hiểm nhất định và được hưởng lợi từ dịch vụ đó. Khách hàng có thể cùng lúc tham gia nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau. Phổ biến là các loại bảo hiểm về thân thể, sức khỏe, tài sản, công việc,… Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo hiểm còn những vướng mắc. Không ít nhân viên bảo hiểm chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà đeo bám dai dẳng, ép buộc khách mua bảo hiểm, gây phiền toái cho khách hàng. Một thực tế đáng lo ngại nữa là, trong khi thủ tục mua bảo hiểm thường đơn giản, thuận tiện, nhưng đến lúc khách hàng làm thủ tục thanh toán, thanh lý hợp đồng bảo hiểm, lại gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Bạn đọc Nguyễn Lâm Oanh (Vĩnh Long):Tham gia bảo hiểm là một cách để mỗi cá nhân có thể bảo đảm cuộc sống của mình tốt hơn, ổn định hơn, đối phó với mọi hoàn cảnh rủi ro, không may mắn, nhất là đối với những người nghèo, người tàn tật hoặc có hoàn cảnh éo le. Với những người nông dân chân lấm, tay bùn, nếu được các địa phương, đơn vị trợ giúp để họ có thể tham gia loại hình bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp (bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, tài sản, nông cụ) thì sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân khi gặp thiên tai, bão lũ, mùa màng thất bát. Đối với người lao động nghèo lại rất mong được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đó là một số loại hình bảo hiểm nên được chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức nhân đạo, từ thiện quan tâm trợ giúp kinh phí để người dân tham gia mua bảo hiểm.
Bạn đọc Đỗ Thanh Xuân (Quảng Ninh):Trên thị trường kinh doanh bảo hiểm, xuất hiện biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, có hãng bảo hiểm quảng cáo khuếch trương hoặc dùng mánh khóe bịp bợm lôi kéo khách hàng. Trong lĩnh vực bảo hiểm phương tiện giao thông, nhiều chủ xe ô-tô, xe máy phàn nàn về quy trình giải quyết thủ tục thanh toán bảo hiểm khi xảy ra tai nạn, một số hãng bảo hiểm giải quyết chậm trễ, qua quýt, không bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Đó đây, xuất hiện các vụ lừa đảo trắng trợn trong hoạt động bảo hiểm. Có nhân viên bảo hiểm lập hồ sơ giả, hồ sơ khống lĩnh tiền bảo hiểm trái quy định hay đội lốt nhân viên bảo hiểm để lừa đảo. Như vụ đối tượng Bùi Thị Thu Hằng, ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), dụ dỗ nhiều người tham gia các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, rồi chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Ý kiến ()