Chấn chỉnh hoạt động công chứng ở Hà Nội
Giải quyết thủ tục công chứng cho người dân tại Văn phòng công chứng Nguyễn Tú. Mấy năm gần đây, hàng chục văn phòng công chứng ở Hà Nội ồ ạt ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc ký kết các hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các văn phòng công chứng và tình trạng hoạt động lộn xộn, dễ dãi của một bộ phận công chứng viên, cũng làm nảy sinh nhiều thiếu sót, bất cập, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn."Nở rộ" các văn phòng công chứngNhững ngày đầu tháng 5-2012, qua khảo sát và tìm hiểu ở một số quận, huyện của Thủ đô Hà Nội, điều dễ nhận thấy là sự phát triển nổi trội về số lượng các văn phòng công chứng. Nếu như dăm năm trước, số lượng phòng công chứng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì mấy năm qua, liên tiếp ra đời thêm hàng chục văn phòng công chứng được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (gọi là văn phòng công chứng tư).Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà...
Giải quyết thủ tục công chứng cho người dân tại Văn phòng công chứng Nguyễn Tú. |
“Nở rộ” các văn phòng công chứng
Những ngày đầu tháng 5-2012, qua khảo sát và tìm hiểu ở một số quận, huyện của Thủ đô Hà Nội, điều dễ nhận thấy là sự phát triển nổi trội về số lượng các văn phòng công chứng. Nếu như dăm năm trước, số lượng phòng công chứng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì mấy năm qua, liên tiếp ra đời thêm hàng chục văn phòng công chứng được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (gọi là văn phòng công chứng tư).
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Trương Thị Nga cho chúng tôi biết: Từ tháng 7-2008, Hà Nội bắt đầu thực hiện chủ trương “xã hội hóa” hoạt động công chứng, cho phép thành lập các văn phòng công chứng tư. Đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố có 68 tổ chức hành nghề công chứng, gồm mười phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp (được gọi là phòng công chứng công) và 58 văn phòng công chứng (công chứng tư) với 183 công chứng viên. Mạng lưới các phòng công chứng, văn phòng công chứng phủ hầu khắp các quận, huyện, thị xã của thành phố.
Tại Văn phòng công chứng Hoàng Mai, địa chỉ 1.253 đường Giải Phóng, chúng tôi gặp bác Trần Văn Được, 73 tuổi, nhà ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cùng con cháu đến làm thủ tục giấy tờ phân chia tài sản. Bác Được vui vẻ nói: Trước đây, mỗi lần có việc liên quan giấy tờ, tôi rất ngại vì phải lên tận trung tâm thành phố. Nay đỡ nhiều rồi, chúng tôi chỉ phải đi quãng đường không xa từ nhà đến phòng công chứng này, rồi được hướng dẫn, xử lý công việc mau lẹ…
Thời điểm hiện nay, khi các giao dịch về nhà đất, vay vốn, thế chấp tài sản trầm lắng thì năng suất xử lý công việc của các văn phòng công chứng đều giảm. Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (có trụ sở số 90A, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trước đây có ngày tiếp gần 100 khách hàng, nay duy trì ở mức 20-30 khách/ngày. Nhiều văn phòng khác, số lượng đầu việc giảm chỉ còn một phần mười. Theo số liệu thống kê, năm 2011, các tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội thực hiện công chứng gần 240 nghìn hợp đồng, giao dịch; thu phí gần 160 tỷ đồng; thu thù lao 15 tỷ đồng; nộp ngân sách, đóng thuế 38 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy số lượng văn phòng công chứng ở Hà Nội tăng lên không ngừng, nhưng việc phân bổ vị trí các văn phòng xem ra chưa thật sự hợp lý. Ở quận Cầu Giấy, một địa bàn không lớn, nhưng có tới mười tổ chức hành nghề công chứng. Trên trục đường Giải Phóng – Ngọc Hồi, chiều dài khoảng sáu, bảy km, cũng có tới năm văn phòng công chứng nằm cách nhau không xa. Trong khi đó, ở nhiều huyện ngoại thành, người dân phải vượt quãng đường dài, có khi vài chục km mới tới được văn phòng công chứng, khiến người dân đi lại vất vả.
Một điểm đáng lưu ý nữa là sự phát triển quá nhanh về số lượng các văn phòng công chứng, khiến chất lượng hoạt động không đồng đều. Không ít văn phòng ra đời khi chưa kịp chuẩn bị chu đáo về nhân sự, về cơ sở vật chất, làm ảnh hưởng chất lượng hoạt động. Văn phòng công chứng Hồng Vân, ở phố Kim Mã Thượng, lúc đầu trụ sở chỉ nằm trên khuôn viên có diện tích chật hẹp chưa đầy 20 m2. Một số văn phòng công chứng mà người đứng đầu nguyên là thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư chưa qua đào tạo về nghiệp vụ công chứng, do vậy, gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi xử lý vụ việc.
Trong buổi làm việc với chúng tôi sáng 8-5, đồng chí Lã Hoàng Hưng, Phó trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội, lo lắng đưa ra lời cảnh báo: “Qua theo dõi hoạt động thực tiễn của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội gần đây, thấy nổi lên vấn đề nhức nhối là việc sử dụng giấy tờ giả (nhiều nhất là giấy tờ liên quan nhà đất). Nhiều loại giấy tờ giả tinh vi đến mức, công chứng viên có kinh nghiệm cũng khó xác định đâu là thật, đâu là giả. Sau hơn một năm thực hiện Chương trình “Quản lý thông tin ngăn chặn và thông tin về hợp đồng giao dịch đã công chứng” liên thông giữa các văn phòng công chứng, đến nay bộ phận chức năng đã tích hợp được hơn tám nghìn thông tin ngăn chặn (tài sản bị phong tỏa, có tranh chấp, không hợp pháp) và hơn 800 nghìn thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng”. Chung quanh tình trạng sử dụng giấy tờ giả nhức nhối như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú, nêu thêm ý kiến: Việc phát hiện đối tượng nghi sử dụng giấy tờ, hồ sơ giả thì ở văn phòng công chứng nào cũng gặp phải. Song, để có thể kết luận giấy tờ đó có phải là giả hay không lại phải chờ kết quả giám định của cơ quan chuyên môn. Mà việc giám định không hề đơn giản và thời gian chờ đợi lại khá lâu.
Vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý một số vụ sử dụng giấy tờ nhà đất giả, như vụ Nguyễn Thị Bằng An (ở huyện Từ Liêm) cùng đồng bọn sử dụng hàng chục sổ đỏ giả, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng; vụ Lê Bá Quỳ (ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) dùng phôi sổ đỏ thật điền thông tin ảo, lừa hơn mười cá nhân, công ty, ngân hàng; vụ mất cắp 483 phôi sổ đỏ ở thị xã Sơn Tây… Trong các vụ việc này, ít nhiều các đối tượng đều lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót của các văn phòng công chứng để hỗ trợ cho mục đích mờ ám. Có trường hợp đã đưa ra xét xử hình sự, như vụ Hoàng Văn Sự, nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 5, bị xử 42 tháng tù giam, do thiếu trách nhiệm dẫn đến tiếp tay cho đối tượng Nguyễn Thu Hợp sử dụng văn bản công chứng sai, lừa đảo chiếm đoạt hơn ba tỷ đồng của các bị hại,…
Chúng tôi được nghe lời phàn nàn của người dân và công chứng viên ở nhiều văn phòng trước biểu hiện “độc quyền” thông tin của các cơ quan chuyên môn về nhà đất. Rất nhiều hồ sơ công chứng của người dân cần sự phối hợp cung cấp thông tin từ phía các văn phòng nhà đất các quận, huyện; các cơ quan thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội. Tuy nhiên, để biết được các thông tin này, người dân và công chứng viên phải chờ đợi ít nhất chín, mười ngày hoặc đi lại nhiều lần vất vả, tốn kém.
Một số bất cập nữa chung quanh hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội, như việc xuất hiện các đối tượng “cò mồi” hoạt động nhốn nháo tại cửa phòng công chứng (nhiều nhất là tại Phòng Công chứng số 1, phố Bà Triệu); một số công chứng viên có biểu hiện vòi vĩnh, thu lệ phí vượt mức quy định; tỏ thái độ hách dịch, cửa quyền, chưa tận tình hướng dẫn, thiếu nhã nhặn với khách, thêm vào đó là sự non kém về kỹ năng nghề nghiệp.
Cần coi trọng chất lượng hoạt động công chứng
Theo chúng tôi, việc mở rộng mạng lưới các văn phòng công chứng trên địa bàn Hà Nội là cần thiết. Nhưng, đi đôi với phát triển về số lượng, cơ quan quản lý cần coi trọng hơn nữa chất lượng. Việc bố trí địa điểm các văn phòng công chứng cần bảo đảm hợp lý, đồng đều hơn, tránh “dồn cục” ở một khu vực. Đội ngũ công chứng viên, nhân viên làm việc tại các văn phòng công chứng cần được chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng bài bản và quy củ hơn, nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức, tác phong cho họ.
Cơ quan có thẩm quyền cần ngăn chặn hiện tượng cạnh tranh “không lành mạnh” giữa các văn phòng công chứng. Bởi lẽ, để thu hút khách hàng đến với mình, nhiều khi các văn phòng công chứng “đơn giản hóa” các loại giấy tờ, cố tình lược bỏ những thủ tục xác minh cần thiết, tùy tiện thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở trái pháp luật. Xuất hiện tình trạng công chứng viên lỉnh kỉnh mang theo đầy đủ “đồ nghề”, con dấu đi tới bất cứ địa chỉ nào mà khách hàng yêu cầu, để thực hiện công việc, bất chấp quy định của pháp luật. Thậm chí, có trường hợp giải quyết thủ tục công chứng tại nơi quán xá, nhà hàng xô bồ, nhốn nháo, khó tránh khỏi những việc làm tiêu cực, sai trái.
Công tác phối hợp đấu tranh ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy tờ giả còn nhiều thiếu sót. Khi nghi ngờ giấy tờ bị giả mạo, các công chứng viên thường chỉ từ chối công chứng mà không báo cơ quan công an, bởi họ sợ mất thời gian, lại làm khách hàng phật lòng. Điều này dẫn đến một thực tế là đối tượng sử dụng giấy tờ giả nhờn luật, khi không công chứng được nơi này thì họ liền mang hồ sơ sang văn phòng công chứng khác, hy vọng sẽ “qua mặt” được công chứng viên. Qua đây cho thấy công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống nạn sử dụng giấy tờ giả giữa các tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan pháp luật vẫn chưa chặt chẽ, thiếu kiên quyết.
Mặt khác, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các văn phòng công chứng với các cơ quan quản lý nhà đất; các cơ quan, tổ chức quản lý tài sản, vay vốn trong việc xác định các thông tin chuẩn xác về nhà đất, tài sản để khi thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch bảo đảm kịp thời, không gây khó khăn cho người dân; đồng thời, hạn chế xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Đối với việc cung cấp thông tin liên quan nhà đất, tài sản, nên có cơ chế công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục, thời gian trả kết quả, lệ phí cung cấp thông tin.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý của TP Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sắp xếp, điều tiết, kiện toàn bộ máy các văn phòng công chứng, xây dựng đội ngũ công chứng viên vững mạnh, ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để kịp thời khắc phục những thiếu sót, bất cập, bảo đảm hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố đúng định hướng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhằm phục vụ người dân tốt hơn và góp phần giữ gìn ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Thêm vào đó, Nhà nước nên sớm điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan hoạt động công chứng sao cho đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn hiện nay để hoạt động của lĩnh vực này dần ổn định, đi vào nền nếp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()