Chấn chỉnh giáo dục nghề nghiệp
Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” tồn tại nhiều năm nay sẽ vẫn tiếp diễn nếu như các trường nghề không thay đổi mục tiêu và phương thức đào tạo của mình. TS Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục- Đào tạo) trao đổi với NDĐT
PV: Trong hệ thống giáo dục quốc dân, vai trò của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cụ thể hơn là việc đào tạo nghề và trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở nước ta đứng ở vị trí nào, thưa ông?
TS Hoàng Ngọc Vinh: GDNN gồm dạy nghề và giáo dục TCCN có vai trò cung cấp khoảng 80% nhân lực cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy ở mọi quốc gia GDNN được đặt ở vị trí hàng đầu bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Tại sao vậy? Trước hết là vì vai trò đào tạo lao động có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cho một số rất lớn lực lượng lao động, tạo cơ hội để người lao động có việc làm, thu nhập và phát triển đất nước, giúp xóa đói giảm nghèo, giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành nông thôn mới. Không những thế, GDNN còn có ý nghĩa lớn đóng góp cho việc bảo vệ môi trường, tài nguyên do con người được đào tạo sẽ sử dụng tài nguyên một cách thông minh, hiệu quả hơn… hạn chế việc phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi. Nếu được đào tạo, người lao động sẽ sử dụng kỹ năng nghề nghiệp, tri thức nghề nghiệp để canh tác, sản xuất theo quy trình kỹ thuật, không sử dụng bừa bãi hóa chất hoặc chất độc hại trong sản xuất… Bên cạnh đó, ý nghĩa xã hội của GDNN cũng rất lớn, nó giúp cho việc giảm các tệ nạn xã hội, nghiện hút, bệnh tật, trộm cướp…
PV: Đào tạo nghề quan trọng thế, vì sao vẫn mãi tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”?
TS Hoàng Ngọc Vinh: Hệ thống GDNN đang đứng trước những thách thức rất lớn từ nhận thức của các cấp các ngành đối với tầm quan trọng của GDNN đến việc thiếu các tiêu chuẩn trong GDNN; từ việc nguồn lực hạn chế lại đầu tư giàn trải, quản lý kém hiệu quả; sự phát triển GDNN không gắn với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (hay giáo dục sau trung học).
Đặc biệt hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay khá phức tạp do không chuẩn hóa, thống nhất trình độ đào tạo và các tiêu chuẩn đào tạo. Tại một địa phương, các cơ sở dạy nghề, TCCN, cao đẳng phát triển thiếu quy hoạch nên việc đầu tư cũng thiếu tập trung. Hệ thống giáo dục vừa có trung cấp nghề lại vừa có TCCN, vừa có cao đẳng nghề lại vừa có cao đẳng. Hiếm thấy một quốc gia nào trong thời buổi hội nhập lại có sự lộn xộn về trình độ như ở nước ta.
PV: Theo ông, vấn đề bất cập nhất của hệ thống các trường TCCN và đào tạo bậc học này là gì?
TS Hoàng Ngọc Vinh:Bất cập lớn nhất của hệ thống các trường TCCN hiện nay có thể nói là tên gọi và nguồn lực đầu tư. Bình thường, người học đã tốt nghiệp THPT 12 năm và học tiếp chuyên nghiệp hai năm nữa thì không còn gọi là “trung cấp” nữa mà nó cần được gọi là cao đẳng như ở hầu hết các quốc gia khác. Nhiều trường TCCN không được đầu tư bằng các chương trình mục tiêu nên chất lượng chưa được như mong muốn. Nhiều trường TCCN rất khó khăn trong tuyển sinh TCCN, đặc biệt những trường TCCN ngoài công lập ở những thành phố lớn còn chưa có đất để xây trường…
Khi bàn về GDNN không thể tách khỏi các yếu tố về kinh tế, chính trị, văn hóa, truyền thống, giáo dục… Vì thế không thể nhập khẩu “mô hình” GDNN nào về Việt Nam mà không có sự suy xét, nghiên cứu thận trọng mang tính hệ thống toàn diện.
PV: Vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng GDNN, cần bắt đầu từ đâu và làm thế nào?
TS Hoàng Ngọc Vinh:Đất nước đang tái cơ cấu nền kinh tế, giáo dục nói chung và GDNN nói riêng không thể không “tái cơ cấu”. Sự bất cập và phức tạp của hệ thống GDNN đòi hỏi phải có sự thống nhất các trình độ (các quốc gia khác đưa vào khái niệm Khung các trình độ quốc gia) là bước khởi đầu của đổi mới cơ chế. Sau đó cần có sự thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về GDNN để tập trung sức mạnh hành chính, tập trung nguồn lực. Một khi hệ thống được tái cấu trúc mạch, luồng giáo dục rõ ràng, rành mạch thì sự phân luồng và liên thông sẽ diễn ra dễ dàng hơn với chất lượng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, để thực hiện xã hội hóa, cần loại bỏ tư duy bao cấp. Việc dạy nghề “quốc doanh” đã tỏ ra không hiệu quả do không gắn với việc làm, không gắn với những thay đổi nhanh chóng do tiến bộ của khoa học kỹ thuật… Một khi các cơ sở dạy nghề còn chăm chăm vào đồng tiền ngân sách còm cõi, một khi các nhà quản lý GDNN còn bám vào đó để có “đặc quyền phân phối” thì dạy nghề sẽ không thể phát triển mạnh mẽ.
PV: Kinh nghiệm của các nước phát triển có gợi mở những bài học gì, thưa ông?
TS Hoàng Ngọc Vinh:Nhiều chuyên gia thế giới đã khẳng định, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp, dạy nghề ngắn hạn đáp ứng nhu cầu tốt hơn của doanh nghiệp. Nên chăng, nhà nước chỉ đầu tư ở những vùng kinh tế khó khăn giúp cho người lao động có thêm kỹ năng nghề nghiệp hoặc chỉ đầu tư ở những ngành nghề mà tư nhân, doanh nghiệp không làm được hoặc những ngành nghề theo mục tiêu ưu tiên phát triển của Chính phủ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()