Chặn “bước trượt dài” về mục tiêu khí hậu
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu vừa diễn ra tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo về hậu quả thảm khốc mà thế giới có thể phải gánh chịu do biến đổi khí hậu. Ðể bảo vệ hành tinh xanh, Liên hợp quốc kêu gọi các nước chung tay hành động khẩn cấp, từ giảm khí thải, dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo, đến bổ sung tài chính cho hành động vì khí hậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo tổng kết nỗ lực của các quốc gia trong thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Báo cáo khẳng định, thế giới chưa đi đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu dài hạn được đề ra trong Thỏa thuận. Theo đó, các cam kết hiện nay về cắt giảm khí thải không đủ để giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5oC.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo, nếu các nước không nhanh chóng hành động, nhiệt độ có thể tăng thêm 2,8oC, đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm khi mực nước biển dâng cao khiến nhiều thành phố ngập lụt, các rạn san hô biến mất và thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn.
Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences, năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử và nhiệt độ có thể tiếp tục tăng cao trong năm tới. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trái đất ấm lên nhanh chóng làm tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ðể chiến thắng trong cuộc chiến mang tính sống còn này, các nước cần tập trung vào các mặt trận chính, gồm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, bổ sung nguồn lực tài chính. |
Thực tế đáng lo ngại về sức khỏe Trái đất cho thấy tính khẩn cấp của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ðể chiến thắng trong cuộc chiến mang tính sống còn này, giới chuyên gia cho rằng, các nước cần tập trung vào các mặt trận chính, gồm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, bổ sung nguồn lực tài chính.
Tuy nhiên, thế giới đang có dấu hiệu “hụt hơi” trong triển khai các giải pháp bảo vệ hành tinh xanh. Sau khi giảm nhẹ vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, tình trạng phát thải đã tăng trở lại. Năm 2022, mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính chạm mốc kỷ lục, cao hơn 50% so mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, các nước cần đưa ra cam kết tham vọng cao hơn về cắt giảm khí thải, trong đó các nước phát triển và nền kinh tế mới nổi cần đạt phát thải ròng bằng 0 muộn nhất lần lượt vào năm 2040 và năm 2050.
Nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đối mặt thách thức. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Climate Action Tracker (CAT), nhóm giám sát khoa học đánh giá tiến bộ trong tiến trình thực hiện mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris, nhiều chính phủ trì hoãn nỗ lực dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và bỏ qua cơ hội phát triển năng lượng tái tạo. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, trợ cấp toàn cầu cho nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên mức kỷ lục 7.000 tỷ USD trong năm 2022. Trợ cấp cho dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên chiếm tới 7,1% GDP toàn cầu.
Trong khi đó, tài chính khí hậu vẫn là vấn đề nan giải. Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) diễn ra ở Copenhagen (Ðan Mạch) năm 2009, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển thực hiện mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên đến nay, cam kết vẫn chưa được hiện thực hóa. Những lần lỡ hẹn khiến lòng tin giữa các nước giảm sút nghiêm trọng.
Ðể bảo đảm nguồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc thúc giục các nước giàu tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Ðây được coi là chìa khóa quan trọng để thế giới tăng tốc nỗ lực chặn đà nóng lên nhanh chóng của Trái đất. Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad cho biết, các nước đang phát triển cần nguồn tài chính khí hậu từ 140 tỷ đến 300 tỷ USD vào năm 2030 và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, kỷ nguyên “sôi sục toàn cầu” đã thay thế kỷ nguyên “nóng lên toàn cầu”. Các chính phủ cần tăng tốc giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhằm đảo ngược những bước trượt dài trong thực hiện các mục tiêu khí hậu.
Nguồn:https://nhandan.vn/chan-buoc-truot-dai-ve-muc-tieu-khi-hau-post773968.html
Ý kiến ()