Chậm tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản
– Tính đến cuối tháng 8/2022, rất nhiều công trình xây dựng cơ bản kể cả các dự án trọng điểm có khối lượng thi công đạt thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân chính dẫn dến việc chậm tiến độ được các bên liên quan đưa ra là do điều kiện thời tiết không thuận lợi, giải phóng mặt bằng khó khăn và giá cả vật liệu tăng cao.
Trong năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh là 3.449 tỷ đồng (vốn đầu tư công giao đầu năm là 2.498 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư phát triển chương trình mục tiêu quốc gia 951 tỷ đồng) phân bổ cho hơn 300 công trình, dự án chuyển tiếp và khởi công mới. Về tiến độ xây lắp, trong 8 tháng đầu năm 2022 giá trị khối lượng xây lắp các công trình thực hiện ước đạt khoảng 300 tỷ đồng. Có tới 21/32 chủ đầu tư cấp tỉnh và 4/11 đơn vị huyện, thành phố có khối lượng thực hiện công trình xây dựng cơ bản đạt dưới 50% giá trị xây lắp theo kế hoạch.
Nhà thầu đẩy nhanh thi công công trình đường thị trấn Văn Quan-Pác Kéo, huyện Văn Quan
Đơn cử như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, năm 2022, đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư công hơn 1.023 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn bố trí cho các dự án trọng điểm chiếm 70% kế hoạch vốn nhưng giá trị khối lượng thực hiện đối với hạng mục xây lắp ước đạt khoảng 100 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án do ban quản lý đang bị vỡ kế hoạch thi công so đặt ra đầu năm.
Ông Bế Đức Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Giá trị khối lượng thực hiện đối với hạng mục xây lắp các công trình đạt thấp so với kế hoạch do yếu tố thời tiết không thuận lợi và công tác bàn giao mặt bằng “sạch” liền khoảnh gặp nhiều khó khăn. Ban đã có nhiều giải pháp tháo gỡ như thường xuyên kiểm tra đôn đốc tại hiện trường từng công trình; thành lập các tổ công tác để hỗ trợ các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án nhưng hiệu quả chưa cao.
Điển hình là công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 4 B đoạn km 3 700 đến km 18 theo kế hoạch trong năm 2022 phải hoàn thành 60% hạng mục nền đường và thi công xong 6/8 cầu trên tuyến. Tính đến cuối tháng 8/2022, hạng mục cầu đáp ứng được tiến độ nhưng hạng mục nền hiện mới đạt được 30% kế hoạch.
Ông Hoàng Văn Hữu, Chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần Xây dựng Trường An đơn vị thi công hơn 3 km trên tổng chiều dài toàn tuyến thuộc dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 cho biết: Năm 2022, công ty phấn đấu hoàn thành 100% khối lượng nền đoạn tuyến đơn vị được giao thi công với giá trị xây lắp khoảng 70 tỷ đồng, nhưng do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến cuối tháng 8/2022, giá trị thực hiện kế hoạch của công ty ước đạt 15 tỷ đồng.
Còn tại công trình cải tạo nâng cấp tuyến đường Cao Lộc – Ba Sơn với tổng chiều dài 25,5 km, công trình được khởi công tháng 12/2021, chủ đầu tư đã tạm ứng vốn cho các nhà thầu được 57,3/212 tỷ đồng đối với phần xây lắp. Nhưng đến cuối tháng 8/2022, giá trị khối lượng thực hiện tại dự án mới đạt 10 tỷ đồng.
Liên quan đến tình hình thực hiện dự án này, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Mỹ Sơn Lạng Sơn – đơn vị đảm nhiệm thi công các đoạn tuyến thuộc một phần của các xã Hải Yến, Cao Lâu, Xuất Lễ cho biết: Chiều dài tuyến đơn vị đảm nhận thi công là hơn 10 km nhưng đến nay, huyện Cao Lộc mới giải phóng mặt bằng sạch cho đơn vị được 1,5 km có thể thi công được; còn lại là mặt bằng không liền khoảnh không thể triển khai xây lắp các công việc đào đắp mở rộng nền đường theo thiết kế.
Không chỉ các công trình hạ tầng giao thông, các công trình thuỷ lợi, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế do các chủ đầu tư cấp huyện, thành phố quản lý việc triển khai xây lắp cũng rất chậm nhất là đối với các công trình trường học nằm trong kế hoạch đưa các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Tại huyện Đình Lập, năm 2022, huyện Đình Lập được tỉnh tạm ứng 8,1 tỷ đồng để thực hiện 9 công trình xây dựng nông thôn mới, gồm: 5 công trình trường học, 4 công trình thuộc lĩnh vực nhà văn hoá, trạm y tế, nước sinh hoạt và đường giao thông. Tính đến cuối tháng 8/2022, giá trị khối lượng thực hiện xây lắp ước đạt 40% giá trị hợp đồng, một số công trình như Điểm trường Khe Pặn Ngọn, xã Châu Sơn hiện mới thực hiện đạt 30% kế hoạch.
Ngoài ra, một số huyện khác tiến độ thực hiện các dự án theo nguồn vốn được giao cũng chậm như: Tràng Định, Hữu Lũng, Lộc Bình…
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình, các chủ đầu tư đang thực hiện đánh giá cụ thể về khả năng thực hiện dự án từ nay đến cuối năm để có giải pháp cụ thể, từ đó tăng cường năng lực thi công tại từng công trình, dự án.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và bảo trì các công trình hạ tầng giao thông Lạng Sơn cho biết: Để thúc đẩy thi công, đơn vị đã phân loại các công trình có khối lượng đạt thấp để tập trung đốc thúc các nhà thầu tăng cường năng lực, ngoài ra, khi có mặt bằng sạch đơn vị phát động thi đua cao điểm tại các công trình nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2022, các chủ đầu tư cần rà soát lại từng dự án, có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca thêm kíp, bổ sung nhiều mũi thi công tại từng công trình. Song song với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát tại hiện trường, bổ sung thêm nhà thầu phụ để đẩy nhanh các công trình trọng điểm. Có như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản mà tỉnh đã đề ra.
Ý kiến ()