Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong cộng đồng
– Kế thừa “Hội Phụ lão Cứu quốc”, “Hội Bảo thọ”, “Hội vui tuổi già”… đã hình thành và phát triển ở cơ sở trong cả nước, ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam được thành lập, đã trở thành mốc son trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức hội. Trải qua 26 năm được các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Hội NCT các cấp từng bước phát triển, luôn làm nòng cốt cho việc chăm sóc, phát huy vai trò NCT, góp sức cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Trọng lão” là truyền thống của dân tộc ta, ghi nhận công lao đóng góp của NCT với gia đình và xã hội. Thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “trọng nhân nghĩa” của Nhân dân ta. Sự kiện lịch sử “Hội nghị Diên Hồng” được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trân trọng, đã chỉ rõ vị trí, vai trò của lớp NCT đối với nhiệm vụ cách mạng. Ngay từ những ngày đầu về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, tháng 6/1941, trong thư gửi các cụ phu lão cả nước, Người khẳng định: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do các phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu nước suy sụp, phù trì, nước nhà hưng, suy, tồn vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề. Nước nhà lo, các cụ cũng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”*. Người cho rằng, đoàn kết NCT trong một tổ chức là yêu cầu cần thiết. Do đó, ngày 21/9/1945, trong bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng với cương vị là Chủ tịch nước, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu gọi: “Chúng ta là bậc phụ lão cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong rằng các vị phụ lão ở Hà thành ta xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”*. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội phụ lão Cứu quốc đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và thực hiện nhiệm vụ kiến quốc.
Tiết mục dự thi tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng nguời cao tuổi tỉnh Lạng Sơn lần thứ IX năm 2020. Ảnh: HOÀNG HUẤN
Sau ngày đất nước thống nhất, NCT cả nước hăng hái tham gia thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội phụ lão ở các địa phương đã chuyển sang các hình thức hoạt động mới như tổ chức “Hội thọ”, “Quỹ thọ”… để có điều kiện thực hiện các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò NCT hoạt động tình nghĩa, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau, khi hoạn nạn, tổ chức mừng thọ, lo toan lễ tang chu đáo cho NCT khi qua đời, đem lại hiệu quả thiết thực, đoàn kết, gắn bó các tầng lớp NCT trong từng địa phương, cơ sở, góp phần tạo nên cuộc sống mới.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Hội NCT phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức sơ kết phong trào. Kết quả đánh giá: “Hội NCT thực sự làm nòng cốt chủ động tham gia triển khai sáng tạo các mặt hoạt động chăm sóc và phát huy NCT. Công tác chăm sóc, phát huy phù NCT phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc, đáp ứng sự nghiệp đổi mới của đất nước”*. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị như: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động NCT và Hội NCT. Công tác chăm sóc và phát huy NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nghĩa vụ từng gia đình, từng cộng đồng và toàn xã hội. Công tác chăm sóc và phát huy NCT được thực hiện bằng hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước kết hợp với giải pháp xã hội hóa, sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Đề nghị công nhận Hội NCT là tổ chức chính trị – xã hội”*…
Công tác chăm sóc phát huy NCT năm qua của tỉnh Lạng Sơn đạt được kết quả đáng ghi nhận trên các mặt: công tác lãnh đạo, chỉ đạo được các sở, ban, ngành và UBND tỉnh, các huyện, thành phố chú ý triển khai, thực hiện. Luật NCT đã thực sự đi vào cuộc sống, 100% NCT đủ điều kiện hưởng trợ cấp đã được trợ cấp đầy đủ, đúng thời gian quy định. Nhiều địa phương thực hiện tốt các mô hình: thể dục dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, nhóm đi bộ, đạp xe; mô hình chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Mô hình “CLB liên thế hệ tự giúp nhau”. Hội đã quan tâm công tác chúc thọ, mừng thọ NCT, 100% NCT thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, NCT thuộc diện nghèo… đều được cấp thẻ BHYT và hỗ trợ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Năm 2020, tỷ lệ NCT có thẻ BHYT đạt 96,24% so với tổng số NCT. Số NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại xã, phường, thị trấn nơi cư trú đến hết năm 2020 là 51.291 người. Năm 2020, Hội NCT đã chủ động tham mưu cho chính quyền, các ngành tổ chức chúc thọ 9.271 NCT trên địa bàn.
Hội NCT các cấp luôn chủ động nắm bắt tình hình đời sống của NCT, đặc biệt là NCT nghèo, già yếu để quan tâm, hỗ trợ. Nhân dịp ngày truyền thống NCT (6/6 hằng năm), “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, lãnh đạo Đảng, chính quyền và hội NCT các cấp tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà cho NCT với số tiền hàng trăm triệu đồng, đã góp phần động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất cho NCT.
Thông qua các phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, tại mỗi khu dân cư, nhiều NCT đã thể hiện là “gương sáng” trong các phong trào để thế hệ trẻ noi theo *“Hồ Chí Minh” toàn tập, NXB QG, năm 2020
MAI TÙNG
Ý kiến ()