Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân: Giúp giới trẻ tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân
– Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc kiểm tra, đánh giá tổng quát sức khỏe của bản thân là điều cần thiết, không chỉ giúp người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin mà còn giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm những căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy không đáng có sau này… qua đó, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.
Tiền hôn nhân là thời kỳ từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến trước khi kết hôn. Trong giai đoạn này, các cặp nam nữ chưa có kinh nghiệm sâu về đời sống vợ chồng cũng như chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS). Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn trẻ trang bị được kiến thức sinh hoạt vợ chồng; tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản để kịp thời can thiệp; phát hiện các bệnh di truyền, có thể truyền sang em bé; tạo tiền đề để sinh ra những đứa con khỏe mạnh sau này…
Cộng tác viên dân số Khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tuyên truyền về CSSK sinh sản cho người dân
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, thời gian qua, cơ quan dân số đã tích cực thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động; linh hoạt thay đổi các hình thức tuyên truyền để sát với thực tế, đạt hiệu quả cao. Cùng đó, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối ngân sách địa phương cho hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các xã, phường, thị trấn…
Trong công tác tuyên tuyền, từ năm 2017 đến nay, ngành DS-KHHGĐ của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS/KHHGĐ được 80 buổi với gần 10.000 lượt thanh niên, học sinh. Hằng năm, các cơ quan DS-KHHGĐ còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gần 4.000 buổi tuyên truyền cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ thu hút trên 70.000 người nghe… qua đây, góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên trước khi kết hôn.
Chị Hoàng Thị Thúy, người dân xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước khi quyết định đi đến hôn nhân, tôi và bạn trai đã được cán bộ Trạm Y tế, Đoàn Thanh niên xã, cán bộ dân số tuyên truyền một số thông tin, kiến thức liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh truyền nhiễm. Vì thế trước khi cưới, chúng tôi đã đến bệnh viện khám sức khỏe tổng thể. Sau khi khám, chúng tôi biết không mắc bệnh truyền nhiễm và còn được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản nên tự tin, yên tâm kết hôn.
Cùng với tuyên truyền, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được cơ quan dân số và các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện. Việc này đã được thực hiện hiệu quả thông qua hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân phân bố rộng khắp trong tỉnh. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, trên 100 CLB tiền hôn nhân với gần 3.000 thành viên đã duy trì sinh hoạt đều đặn ít nhất 1 quý 1 lần. Trong các cuộc sinh hoạt này, các CLB đã tổ chức được gần 150 đợt tư vấn, khám sức khỏe cho trên 3.000 lượt vị thành niên, thanh niên, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn. Theo đó, ngoài việc các bạn trẻ được tư vấn về kiến thức để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn và những kiến thức cần thiết trước khi mang thai thì còn được khám tổng thể như: đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, kiểm tra chức năng gan, thận, xét nghiệm máu, nước tiểu, sàng lọc di truyền… Những năm qua, một số huyện có nhiều CLB tiền hôn nhân hoạt động sôi nổi như Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc.
Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB “Tiền hôn nhân và gia đình trẻ” xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2018, Trạm Y tế phối hợp với Đoàn Thanh niên xã thành lập CLB này. CLB có 22 thành viên là các cộng tác viên dân số, đoàn viên thanh niên… Từ đó đến nay, CLB duy trì sinh hoạt 1 quý 1 lần để triển khai các chiến dịch truyền thông về Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn”, chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, sức khỏe vị thành niên, thanh niên… Cùng với đó là tổ chức các hoạt động tư vấn, khám bệnh cho thanh niên, vị thành niên trên địa bàn xã.
Được biết trong thời gian tới, ngành DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai một số hoạt động thiết thực, phù hợp hướng đến các đối tượng tiền hôn nhân, qua đó, ngày càng giúp được nhiều bạn trẻ, các cặp vợ chồng sắp kết hôn được trang bị kiến thức cần thiết để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Ý kiến ()