Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Cần sự cởi mở từ gia đình, xã hội
(LSO) – Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên nạo phá thai, mang thai ngoài ý muốn trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Mặc dù các ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, song cần nhất là sự cởi mở, chung tay, tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, xã hội.
Em Nguyễn Bích Phượng, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Có lần em mang những thắc mắc về sức khỏe sinh sản ra hỏi mẹ, lần nào mẹ cũng lảng đi, khiến em phải tự tìm hiểu qua mạng Internet. Tuy nhiên, 1 câu hỏi có rất nhiều câu trả lời nên cuối cùng không những không được giải đáp mà còn thêm hoang mang.
Đó không chỉ là khó khăn của Phượng mà là tình cảnh chung của nhiều thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh. Kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản trong nhà trường, các buổi ngoại khóa chưa thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu. Tra cứu Internet thì có nhiều câu trả lời, trái chiều nhau. Hỏi bố, mẹ, người thân thì bị lảng tránh… Những điều này khiến các em bị cô lập, thắc mắc không biết hỏi ai dẫn đến tự tìm hiểu, áp dụng, không ít trường hợp phải chịu hậu quả đau lòng. Nhẹ thì mắc các bệnh về tình dục, nặng thì mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý…
Học sinh trên địa bàn xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc được tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản
Theo Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 4 trường hợp vị thành niên nạo phá thai tại các cơ sở y tế công lập. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi đa số đều tìm đến các cơ sở tư nhân. Từ đó, có thể thấy công tác giáo dục sức khỏe sinh sản cần có sự quan tâm từ gia đình và xã hội. Mấu chốt của vấn đề này là các bậc phụ huynh cần phải cởi mở, có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này; chủ động trao đổi, trang bị cho các em những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản. Khi có sự hiểu biết, các em sẽ chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân, tránh hậu quả không đáng có.
Bác sỹ Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tình dục an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn, tránh mắc bệnh lây nhiễm về đường tình dục, chi cục đã triển khai nhiều giải pháp, qua đó nâng cao nhận thức của người dân nói chung, thanh thiếu niên nói riêng.
Hằng năm Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp trung tâm y tế các huyện tuyên truyền đến 100% các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền tập trung thông tin cho các em những thay đổi về cơ thể, tâm lý, sinh lý khi bước vào tuổi dậy thì, cách chăm sóc thân thể, quá trình thụ thai, mang thai, cách phòng tránh thai… phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng.
Với học sinh THPT, chi cục trực tiếp cử cán bộ đến từng trường phối hợp tuyên truyền, nói chuyện, giải đáp thắc mắc của các em. Cùng đó, trang bị tủ sách thân thiện giúp các em tìm hiểu thông tin cần thiết về sức khỏe sinh sản… Đặc biệt, chi cục đang thí điểm phối hợp với một số hộ kinh doanh hàng tạp hóa gần trường học cung cấp dịch vụ phòng tránh thai dành riêng cho vị thành niên. Theo đó, ngoài cung cấp bao cao su, viên uống tránh thai, người bán phải chủ động hướng dẫn cách sử dụng, đặc biệt phải có thái độ tôn trọng, không được kỳ thị khi các em yêu cầu dịch vụ. Cách làm này nhằm giúp các em dễ dàng tiếp cận với dịch vụ phòng tránh thai.
Chị Lưu Thị Tình, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi – Trường học, Tỉnh đoàn cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại công tác đoàn trường học. Hằng năm, chúng tôi đều phối hợp tuyên truyền tại 100% các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã thực hiện tuyên truyền tại 8 trường của các huyện: Bắc Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()