Chăm sóc sức khỏe phụ nữ là trách nhiệm của cả thế giới
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ là nỗ lực nhằm tăng cường bình đẳng giới mà còn có tác động trực tiếp đến sự tăng giảm của nền kinh tế toàn cầu. Đây là thực tế được nêu rõ trong các báo cáo và nghiên cứu gần đây.
AFP dẫn báo cáo được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2024 cho thấy, sự chênh lệch lớn về chăm sóc sức khỏe giữa nam giới và nữ giới gây thiệt hại tới 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm.
Báo cáo do Ferring Pharmaceuticals và Viện Y tế McKinsey của Thụy Sĩ phối hợp thực hiện chỉ ra một thực tế chung, đó là trong 1/4 cuộc đời mình, người phụ nữ phải sống chung với tình trạng sức khỏe kém hơn nam giới, mà một trong số các nguyên nhân là sự bất bình đẳng trong các nghiên cứu y tế, việc chẩn đoán và điều trị. Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu cũng nêu rõ, mỗi 1 USD đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ sẽ đóng góp 3 USD vào tăng trưởng kinh tế. Do đó, nếu thu hẹp được khoảng cách bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe giữa nam giới và nữ giới thì đến năm 2040, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiết kiệm được 1.000 tỷ USD.
Trưởng bộ phận y tế của WEF Shyam Bishen, nhấn mạnh rằng những phân tích trong báo cáo cho thấy việc đầu tư vào sức khỏe của phụ nữ phải là ưu tiên của mọi quốc gia. Ông nói: “Bên cạnh việc cải thiện cuộc sống của phụ nữ, bảo đảm phụ nữ được tiếp cận với những đổi mới về chăm sóc sức khỏe là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà các nước có thể thực hiện cho xã hội và nền kinh tế của mình”.
Phụ nữ ở Mbale (Uganda) tham gia một sự kiện liên quan tới kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: The Guardian |
Bản cập nhật mới nhất về Chỉ số sức khỏe phụ nữ toàn cầu Hologic do công ty Hologic và hãng khảo sát Gallup vừa công bố cũng cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 có thể đã chấm dứt, song sức khỏe của phụ nữ trên toàn thế giới vẫn chưa tốt hơn so với “thời kỳ đỉnh cao” trước đây. Trong nhiều trường hợp, sức khỏe của phụ nữ ngày nay thậm chí còn tồi tệ hơn. Chẳng hạn, hầu hết phụ nữ được hỏi, nói rằng trong vòng 12 tháng qua, họ không có điều kiện xét nghiệm các căn bệnh như ung thư, tiểu đường, huyết áp cao và đặc biệt là các bệnh lây qua đường tình dục, vốn khiến gần 2 tỷ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu phải đối mặt với nguy cơ vô sinh và tử vong cao khi mang thai hoặc mắc các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Đại dịch Covid-19 cũng được cho là nguyên nhân làm trầm trọng hơn sức khỏe tinh thần của phụ nữ. Nhiều người nói rằng so với cách đây 3 năm, họ cảm thấy buồn, tức giận và lo lắng hơn, 4/10 phụ nữ nói rằng họ luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng.
Một ví dụ khác được nêu ra trong báo cáo của Hologic và Gallup đó là gần 1 tỷ phụ nữ trên toàn cầu hằng ngày vẫn đang phải vật lộn để có “cái ăn, chỗ ở”. Cụ thể, cứ 10 phụ nữ trên toàn thế giới thì có 3 người bộc bạch rằng họ không đủ khả năng chi trả cho đồ ăn hằng ngày và nơi ở cho họ cùng gia đình.
Tạp chí Forbes nhấn mạnh, mặc dù chiếm 50% dân số toàn cầu, nhưng nếu nhìn vào những nghiên cứu liên quan đến sức khỏe thì phụ nữ vẫn đang phải chấp nhận sự bất công bằng.
Theo ông Stephen P. MacMillan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hologic, những phát hiện mới trong Chỉ số sức khỏe phụ nữ toàn cầu Hologic chỉ ra một thực tế rõ ràng là dù các quốc gia đang dần thoát khỏi đại dịch, sức khỏe của phụ nữ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. “Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới phải có lập trường mạnh mẽ hơn vì phụ nữ và trẻ em gái. Việc đầu tư vào sức khỏe phụ nữ không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi người phụ nữ mà còn cho gia đình họ, các cộng đồng và các nền kinh tế”, ông MacMillan nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cham-soc-suc-khoe-phu-nu-la-trach-nhiem-cua-ca-the-gioi-762144
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()