Cần chú ý phòng bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng dịch vị từ dạ dày bao gồm thức ăn, men tiêu hóa và hơi trào ngược lên thực quản. Bệnh xảy ra do dịch dạ dày trào ngược lên, gây tổn thương các cơ quan thực quản, thanh quản và miệng. Hiện nay, rất nhiều người mắc bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống thất thường, áp lực công việc, thường xuyên thức khuya, không uống đủ nước, bỏ bữa sáng, tác dụng phụ của các loại thuốc khác…
Bác sỹ Hoàng Văn Đào, Phòng khám Hà Nội Medic, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: Những dấu hiệu phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày là thường xuyên ợ hơi, cảm giác nóng rát từ vùng thượng vị của dạ dày dưới xương ức lan lên cổ (ợ nóng), ợ chua thường đi kèm với ợ hơi và ợ nóng và để lại cảm giác chua trong miệng. Các dấu hiệu trào ngược dạ dày này thường gặp khi ăn no, đầy bụng khó tiêu, nằm ngủ, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên họng hoặc miệng làm kích ứng và gây buồn nôn. Một số người có thể cảm thấy tức ngực, đau thắt ở ngực, lan ra sau lưng và cánh tay. Dấu hiệu trào ngược dạ dày này xuất hiện do axit dạ dày trào ngược lên thực quản, kích thích các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra tín hiệu như đau ngực. Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến phù nề và sưng tấy, làm thu hẹp đường kính của thực quản, người bệnh sẽ cảm thấy khó nuốt, khàn giọng và vướng ở cổ. Đắng miệng và hôi miệng cũng là dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản do dịch mật trào ngược lên và hòa vào axit dạ dày. Người bệnh cũng có thể bị khó tiêu, đầy bụng, hen suyễn, viêm phổi.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản là: sự suy yếu cơ thắt thực quản dưới (do tác dụng phụ của các loại thuốc như Holecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen và thuốc huyết áp...; thói quen sinh hoạt sử dụng các chất kích thích và gây nghiện như cafein, rượu, thuốc lá... Các bệnh lý như tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, nhiễm trùng ở thực quản gây xơ, yếu cơ vòng thực quản hoặc các bệnh lý di truyền, thoát vị hoành...) và dư thừa axit hoặc quá tải trong dạ dày (do viêm loét dạ dày, trợt niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày và hẹp hang môn vị dạ dày, do ăn quá no, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm khó tiêu như nước có gas, đồ ăn nhanh, trứng, sữa, do thừa cân béo phì, mang thai và do căng thẳng…).
Bác sỹ Vũ Mạnh Hà, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì niêm mạc dạ dày sẽ nhanh chóng bị tổn thương, ăn mòn, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, phù nề, xơ sẹo và dính. Trong trường hợp nghiêm trọng, tổn thương niêm mạc do dịch dạ dày sẽ dẫn đến ung thư. Người bệnh còn có thể bị viêm họng, viêm thanh quản và viêm tai giữa tái phát thường xuyên, bệnh hen suyễn trở nặng hơn, răng bị ăn mòn và axit trào vào phổi có thể dẫn đến xơ phổi.
Để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể áp dụng nhiều biện pháp như điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác. Các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, chia nhỏ khẩu phần ăn, chọn những thực phẩm có tính kiềm và khả năng trung hòa axit như bánh mì, bột yến mạch hoặc đạm dễ tiêu. Hạn chế các thực phẩm kích thích tăng tiết axit hoặc làm kích thích cơ thắt dưới thực quản như trái cây có lượng axit cao (cam, chanh, dứa…). Giảm sử dụng sản phẩm từ sữa, thực phẩm giàu chất béo, chua, cay. Bỏ thuốc, không uống rượu bia, đồ uống có gas, tránh các chất kích thích. Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Không nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn. Thư giãn, tránh thức khuya và giảm căng thẳng, có thể làm giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản một cách hiệu quả. Cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời nếu có các dấu hiệu của bệnh.
Ý kiến ()