Ngoài nâng cao ý thức cho doanh nghiệp và NLĐ, thì muốn làm tốt công tác này cần sự vào cuộc từ nhiều phía, nhất là các ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể như Liên đoàn lao động, tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong các đơn vị. Bà Ngô Thị Phay, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: công nhân lao động là đối tượng được ngành đặc biệt quan tâm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, ổn định dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói riêng. Hiện nay, ngành y tế vẫn đang phối hợp với các ngành liên quan để triển khai truyền thông các hoạt động về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, cấp phát bao cao su, tờ rơi cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh thai, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… trong công nhân lao động.
LSO-Chăm sóc sức khỏe cho người lao động (NLĐ) có ý nghĩa rất quan trọng, giúp NLĐ đảm bảo sức khỏe lao động sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế tại tỉnh ta hiện nay, công tác này chưa được thực hiện thường xuyên và hiệu quả, đặc biệt là trong các doanh nghiệp.
Người lao động tìm hiểu kiến thức về ATVSLĐ
(công nhân Công ty TNHH Thành Long tại tuần lễ QG về ATVSLĐ – PCCN lần thứ 14)
Thực trạng hiện nay
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 1.359 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 22.400 lao động. Trong những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ thì các cơ quan chuyên môn cũng đã nỗ lực tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Song hàng năm, số lượng đơn vị sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ vẫn chưa nhiều, thậm chí rất ít so với tổng số lao động trong các doanh nghiệp hiện nay. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, năm 2011, đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 1.141 NLĐ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 1 đơn vị với 200 NLĐ, phát hiện 13 trường hợp nghi mắc bệnh bụi phổi silic. Cùng với đó tiến hành đo kiểm tra môi trường và lập hồ sơ vệ sinh lao động cho 27 đơn vị… Những con số trên cho thấy còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ, chưa thực hiện đúng quy định về khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Xuống thực tế để chứng kiến quy trình sản xuất chì thỏi của Công ty TNHH chế biến khoáng sản và luyện kim Hâm Thiên Lạng Sơn, một trong những đơn vị sản xuất có yếu tố độc hại đến sức khỏe con người. Ông Y Ngạn Lệnh, Tổng công trình sư, Giám đốc nhà máy cho biết: Là đơn vị sản xuất có yếu tố độc hại nên công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn, khoa sức khỏe nghề nghiệp định kỳ hàng năm khám sức khỏe cho toàn bộ công nhân viên nhà máy, lập hồ sơ vệ sinh lao động, lập phương án xử lý cấp cứu tai nạn lao động, đo kiểm tra môi trường lao động. Theo đó tỷ lệ khói bụi được công ty xử lý thu hồi đạt 99%; nước thải sử dụng hệ thống tuần hoàn nên không có nước thải ra môi trường. Công ty cũng trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho công nhân làm việc.
Đó chỉ là một trong số rất ít các đơn vị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Thực tế tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh về vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khai thác đá, khai thác than… trên địa bàn tỉnh hiện nay rất nhiều nguy cơ NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp song lại thiếu quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ… Tìm hiểu nguyên nhân, ngoài ý thức của doanh nghiệp bởi liên quan đến kinh phí thì ý thức của bản thân NLĐ cũng là vấn đề đáng quan ngại. Bởi họ thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, do vậy khi doanh nghiệp không quan tâm thì họ cũng không có ý thức để đòi hỏi, yêu cầu. Mặt khác, nếu khám ra biết bệnh thì có thể NLĐ sẽ mất công việc để điều trị bệnh, vì thế mà thực sự ngay cả NLĐ cũng không có “nhu cầu” khám sức khỏe thì thật khó để doanh nghiệp chủ động tạo điều kiện chăm lo sức khỏe cho họ.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Ngoài nâng cao ý thức cho doanh nghiệp và NLĐ, thì muốn làm tốt công tác này cần sự vào cuộc từ nhiều phía, nhất là các ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể như Liên đoàn lao động, tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong các đơn vị. Bà Ngô Thị Phay, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: công nhân lao động là đối tượng được ngành đặc biệt quan tâm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, ổn định dân số – kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói riêng. Hiện nay, ngành y tế vẫn đang phối hợp với các ngành liên quan để triển khai truyền thông các hoạt động về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, cấp phát bao cao su, tờ rơi cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh thai, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… trong công nhân lao động.
Về phía các tổ chức như Liên đoàn lao động, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Cùng với đó, ngay trong các doanh nghiệp, các tổ chức này cần phát huy vai trò của mình, thường xuyên tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động của đơn vị nhằm nâng cao hiểu biết cũng như nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Không những vậy, đối với tổ chức công đoàn, cần chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Những đơn vị kinh doanh sản xuất có yếu tố độc hại cần thường xuyên tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ phát hiện và điều trị bệnh kịp thời… Có được sự vào cuộc đồng bộ, tích cực như vậy, trong thời gian tới tin rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ trên địa bàn tỉnh ta sẽ có những bước chuyển tích cực, qua đó đảm bảo quyền lợi cho NLĐ yên tâm lao động sản xuất, nâng cao doanh thu cho các doanh nghiệp.
Thái Dương
Ý kiến ()