Chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên - hiệu quả của sự phối hợp
LSO - Theo số liệu thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, năm 2011, toàn tỉnh có 19.381 trường hợp có thai, trong đó có 847 người trong độ tuổi vị thành niên (chiếm tỷ lệ 4,37%). Tỷ lệ vị thành niên đến phá thai tại các cơ sở y tế công lập là 20 ca trên tổng số 4.103 ca nạo phá thai. Tuy nhiên, do đây là vấn đề “nhạy cảm” nên con số trên chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”…
LSO – Theo số liệu thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, năm 2011, toàn tỉnh có 19.381 trường hợp có thai, trong đó có 847 người trong độ tuổi vị thành niên (chiếm tỷ lệ 4,37%). Tỷ lệ vị thành niên đến phá thai tại các cơ sở y tế công lập là 20 ca trên tổng số 4.103 ca nạo phá thai. Tuy nhiên, do đây là vấn đề “nhạy cảm” nên con số trên chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”…
Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe VTN ở Trường THPT Lộc Bình
Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ lứa tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành. Về mặt sinh lý, đó là giai đoạn con người đang có sức vươn mạnh mẽ về thể chất, bước vào dậy thì và có sự trưởng thành về tính dục. Về tâm lý xã hội, đây là lứa tuổi có những diễn biến phức tạp về nội tâm, chưa thoát hẳn trẻ con, nhưng lại muốn được coi là người lớn, nên họ thường có những hành động tự khẳng định mình, kể cả trong hoạt động tình dục. Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, vị thành niên (VTN) nằm trong độ tuổi từ 10-19 và được phân thành 3 giai đoạn: giai đoạn đầu 10-13 tuổi, giai đoạn 2 từ 14-16 tuổi, giai đoạn 3 từ 17-19 tuổi. Tuổi VTN là tuổi của học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 các trường phổ thông từ cấp tiểu học đến THPT, nên họ đang chịu sự giáo dục và tiếp cận với kiến thức văn hóa, khoa học và trong quá trình tích lũy “năng lượng sống”. Vì vậy, vai trò của các nhà trường, ngoài việc dạy chữ còn quan tâm đến dạy người, tức là quan tâm bồi dưỡng kiến thức xã hội, kỹ năng sống cho học sinh. Trong 5 nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, có một việc rất quan trọng là bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên/thanh niên, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường lồng ghép trong các môn học nhất là môn Sinh học, Địa lý, Giáo dục Công dân… và tổ chức các buổi tọa đàm, ngoại khóa có sự tham gia của đoàn thanh niên. Tuy vậy, do khuôn khổ của chương trình chính khóa và thời gian của học sinh, các nhà trường chưa cung cấp được nhiều kiến thức về vấn đề này cho học sinh; mặt khác, cũng do đặc điểm, mối quan hệ thầy- trò, bè bạn, nên có những vấn đề khá “tế nhị” mà chưa dễ nói ra. Và như vậy, học sinh với ý thức khao khát để tìm kiếm thông tin, rất dễ tìm kiếm “sai địa chỉ” hoặc vào những trang mạng đen, vô hình dung họ bị đầu độc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Công tác chăm sóc SKSS vị thành niên/ thanh niên được Chi cục Dân số tỉnh đưa vào các nhà trường theo sự phối hợp giữa Sở Y tế và Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của các nhà trường. Ngoài công tác bồi dưỡng cho trên 200 cán bộ quản lý và giáo viên các môn như Giáo dục Công dân, Sinh học… về những kiến thức cơ bản trong chăm sóc sức khỏe vị thành niên/thanh niên, việc lồng ghép vấn đề này vào các môn học, trong năm 2013, Chi cục dân số tỉnh đã tiến hành thực hiện 30 buổi ngoại khóa tại tất cả các trường THPT và một số Trung tâm GDTX, thu hút trên 29.000 cán bộ giáo viên và học sinh tham gia. Với đội ngũ cán bộ có năng lực, có trình độ và trách nhiệm cao (gồm bác sĩ- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số và đồng chí Trưởng phòng Truyền thông Chi cục Dân số), chúng tôi đã mang đến cho các em một sự tin tưởng cao. Sự thân thiện trong giao tiếp với học sinh và cách trình bày đơn giản, thiết thực, các buổi ngoại khóa đã thu hút các em một cách thực sự. Và không bó hẹp trong “sự giảng- truyền đạt” mà tính chất của buổi ngoại khóa là một cuộc giao lưu, trao đổi thực sự cởi mở, thẳng thắn giữa những cán bộ chuyên ngành Dân số/KHHGĐ và lứa tuổi vị thành niên/ thanh niên đang khao khát kiến thức sống, kỹ năng sống. Những câu hỏi của các em về tình bạn khác phái, tình yêu, tính dục và tình dục; những vấn đề về thay đổi tâm sinh lý, tuổi dậy thì, tình dục an toàn và không an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục; thế nào là hôn nhân cận huyết thống, tác hại của nó… đều được các cán bộ của Chi cục Dân số trả lời một cách cặn kẽ, thỏa mãn. Tuy nhiên do thời gian có hạn (1 buổi), nhà trường lại xen các hoạt động văn nghệ, nên chúng tôi cũng chỉ gộp các vấn đề để giải đáp cho các em. Sau buổi ngoại khóa, chúng tôi đã cùng nhà trường tọa đàm, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục SKSS vị thành niên/ thanh niên và giành thời gian cho các thầy cô giáo đóng góp ý kiến để chúng tôi rút kinh nghiệm. Nhìn chung, tất cả các trường đều vui mừng vì sự phối hợp này, và trong phạm vi trách nhiệm của mình trong tổ chức hoạt động tập thể, nhà trường và Đoàn thanh niên đã làm rất tốt để các buổi ngoại khóa thành công. Thầy giáo Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri nói rằng, Trường THPT Lương Văn Tri là trường được Sở GD&ĐT đánh giá cao về thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy nhiên là trường khu vực nông thôn, có đông học sinh người dân tộc, vùng cao, vùng xa, nên các em vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của phong tục tập quán, lấy chồng lấy vợ sớm, hoặc yêu sớm. Kiến thức về kỹ năng sống, giá trị sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ của học sinh nữ còn hạn chế. Vì vậy, buổi ngoại khóa đã mang đến một dung lượng thông tin đủ để các em nhận thức và có hành vi đúng; tuy đây là vấn đề “nhạy cảm” song với nghệ thuật truyền đạt của các cán bộ Chi cục, nên vấn đề đặt ra đúng trọng tâm mà không “lố”. Mong rằng ngành GD&ĐT và ngành y tế tiếp tục có sự phối hợp để các nhà trường có nhiều cơ hội hơn trong giáo dục giới tính nói chung và giáo dục SKSS vị thành niên/ thanh niên nói riêng.
Trần Kim Hồng - Chi cục dân số
Ý kiến ()