Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam: Những hy sinh thầm lặng
(LSO) – Trong nhiều năm qua, vượt lên nỗi đau khi chứng kiến người thân của mình là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) hoặc bị di chứng của CĐDC, nhiều cá nhân, nhất là phụ nữ của tỉnh đã lặng thầm, miệt mài chăm sóc chồng, con, cháu và trở thành điểm tựa cho các nạn nhân.
Bà Trần Thị Hòa (sinh năm 1962), khối 12, đường Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn có chồng tham gia quân đội và bị nhiễm CĐDC từ thời chiến tranh chống Mỹ. Trong 2 người con của ông bà thì người con trai thứ hai bị di chứng của CĐDC nên trí tuệ phát triển không bình thường, chỉ nằm một chỗ. Chồng bà là thương binh, NNCĐDC nên sức khỏe yếu. Hằng ngày, bà Hòa phải tảo tần sớm hôm để chăm lo cho gia đình. Bà Hòa cho biết: Thu nhập hằng ngày của gia đình tôi chủ yếu trông chờ vào một quán nước nhỏ và hàng tạp hóa. Ngoài chăm sóc con trai bị di chứng CĐDC, tôi còn chăm sóc mẹ già đã ngoài 90 tuổi nằm liệt một chỗ. Mặc dù vất vả nhưng tôi luôn cố gắng vượt qua và sẽ không đầu hàng, khuất phục trước bi kịch của cuộc đời.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng các NNCĐDC trên địa bàn tỉnh
Bà Lê Thị Nhã (sinh năm 1953), khối Trần Quang Khải 1, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cũng sớm hôm vất vả, hy sinh thầm lặng để chăm sóc người con bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Trước đây, vợ chồng bà đều tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học. Vợ chồng bà sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái) thì cả 2 đều bị di chứng của CĐDC. Người con gái đầu lòng từ lúc sinh ra đầu óc không minh mẫn và đã bỏ nhà đi biệt tích hơn 15 năm nay. Người con trai (sinh năm 1987) không điều khiển được hành vi của mình nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do bà Nhã chăm sóc. Chồng bà đã qua đời từ nhiều năm nay. Ngót nghét tuổi 70, lẽ ra phải được hưởng sự an nhàn bên con, cháu nhưng gần 40 năm qua, chưa ngày nào bà Nhã được sống vui vẻ, nhàn hạ.
Ngoài bà Hòa, bà Nhã còn rất nhiều trường hợp khác là người lành lặn, NNCĐDC đang ngày ngày trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người thân bị nhiễm CĐDC. Những việc làm tưởng chừng đơn giản như: lo miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh… cho NNCĐDC nhưng nếu không có tình thương, trách nhiệm, không có lòng bao dung, sẵn sàng hy sinh thì không dễ gì làm được.
Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh cho biết: Lạng Sơn hiện có hơn 700 NNCĐDC, trong đó, có trên 100 gia đình có 2 hoặc 3 NNCĐDC cần có người chăm sóc, phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Kinh tế của mỗi gia đình NNCĐDC cũng gặp nhiều khó khăn, nạn nhân và người bị ảnh hưởng của CĐDC thường xuyên ốm đau, bệnh tật… Do đó, những gia đình, cá nhân này rất cần sự quan tâm, sẻ chia của các cấp, ngành, đoàn thể cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh.
Câu chuyện về nỗi đau CĐDC luôn ẩn chứa những phận người bi thương, nỗi đau khốn cùng. Tuy nhiên, ở đó dấy lên những tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người cha, người vợ đã dành hết sức lực, tình thương để chăm sóc chồng con. Với họ, sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng là động lực để giúp họ vững tin hơn trên chặng đường phía trước.
Từ năm 2019 đến hết tháng 10/2020, các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 25 nhà ở cho NNCĐDC với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng; thăm hỏi và tặng trên 2.000 suất quà cho các NNCĐDC vào các dịp lễ, tết… Trong những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh đã quan tâm tôn vinh, vinh danh các tấm guơng tiêu biểu trực chăm sóc, nuôi duỡng NNCĐDC. Đơn cử như năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tôn vinh 21 cá nhân và từ năm 2019 đến nay, Hội NNCĐDC thành phố Lạng Sơn cũng đã tôn vinh 21 nguời thân là mẹ, vợ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng NNCĐDC… |
Ý kiến ()