Chăm sóc dinh dưỡng sớm cho phụ nữ để giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ
LSO - Suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi biểu hiện tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài, trẻ chậm phát triển chiều cao, chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2011, tỷ lệ trẻ SDD cân nặng trên tuổi của nước ta là 16,8%; SDD chiều cao trên tuổi là 27,5%. Tại Lạng Sơn, tỷ lệ này lần lượt là 19,9% và 29,8%. Đo can xi cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm CSSK tỉnh Ảnh: THÚY HƯỜNGHầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra trước khi trẻ được 3 tuổi. Nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi thường rơi vào những trẻ sinh non, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh đủ tháng nhưng có cân nặng sơ sinh dưới 2.500g, trẻ bị dị tật bẩm sinh, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, trẻ bị còi xương, trẻ không được nuôi dưỡng hợp lý, đặc biệt là trong các giai đoạn quan trọng để phát triển chiều cao (giai đoạn bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi và...
LSO – Suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi biểu hiện tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài, trẻ chậm phát triển chiều cao, chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2011, tỷ lệ trẻ SDD cân nặng trên tuổi của nước ta là 16,8%; SDD chiều cao trên tuổi là 27,5%. Tại Lạng Sơn, tỷ lệ này lần lượt là 19,9% và 29,8%.
Đo can xi cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm CSSK tỉnh
Ảnh: THÚY HƯỜNG
Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra trước khi trẻ được 3 tuổi. Nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi thường rơi vào những trẻ sinh non, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh đủ tháng nhưng có cân nặng sơ sinh dưới 2.500g, trẻ bị dị tật bẩm sinh, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, trẻ bị còi xương, trẻ không được nuôi dưỡng hợp lý, đặc biệt là trong các giai đoạn quan trọng để phát triển chiều cao (giai đoạn bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì: 10-13 tuổi ở trẻ gái, 13-17 tuổi ở trẻ trai). Hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống.
Chiều cao của trẻ do nhiều yếu tố quyết định, trong đó có 3 yếu tố chính: di truyền, chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao. Như vậy, có hai yếu tố dễ tác động và can thiệp được, đó là chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao. Chăm sóc dinh dưỡng sớm là đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng tốt cho phụ nữ trước khi mang thai và trong thời kỳ mang thai và tốt nhất là ngay từ tuổi vị thành niên để giúp cho cơ thể người phụ nữ được hoàn thiện và phát triển tốt nhất. Chăm sóc phụ nữ có thai để đạt được một kết quả thai nghén tốt là chiến lược dự phòng sớm trong chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hiện nay. Tuy nhiên, trong những chuyến đi đến các vùng trong tỉnh, chúng tôi thấy vẫn còn cảnh những phụ nữ đến tháng sinh nhưng chỉ tăng được 5 đến 6 kg, bữa ăn của phụ nữ mang thai chỉ có rau và nước mắm, phụ nữ mang thai đi làm nương uống nước lã khi khát… Có những chị thì quan niệm nếu ăn nhiều chất bổ khi mang thai thì thai to gây đẻ khó, do vậy họ ăn uống rất dè dặt. Theo các bác sỹ, sự phát triển cơ thể trẻ em kể từ lúc còn là bào thai liên quan rất chặt chẽ với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ và giai đoạn trước khi bà mẹ có thai. Những bà mẹ có chế độ dinh dưỡng hợp lý, được bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Để người phụ nữ có thai được chăm sóc tốt, gia đình cần tạo điều kiện, quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của họ, đảm bảo cho họ được khám thai, tư vấn sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời kỳ vừa sinh con và cho con bú cũng rất quan trọng. Do đó, mẹ cần chú ý đến sức khỏe của mình cùng với một chế độ dinh dưỡng khoa học để có thể có nguồn sữa tốt dành cho con. Sau khi sinh, nhiều phụ nữ có thể bị thừa chất béo nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng do chế độ ăn uống chưa hợp lý như ăn quá nhiều chất béo (như chân giò lợn hầm…) trong khi lại không ăn thức ăn giàu canxi, sắt, khoáng chất. Thêm vào đó, việc ít vận động khiến cơ thể người mẹ mập ra, nhiều người mẹ nhầm tưởng béo là đủ chất, nên không dám tiếp tục bổ sung dinh dưỡng, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và con. Để tránh tình trạng này, người mẹ nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn chiên, xào, đồ ngọt… thay vào đó chọn thức ăn nhiều protein nhưng ít mỡ, nên dùng dầu thực vật trong chế biến thức ăn. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể, không kiêng khem khắt khe như chỉ ăn cơm trắng với muối, mắm chưng hay chỉ ăn duy nhất thịt nạc kho mặn, kiêng ăn rau… như vậy sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Người mẹ sau sinh cũng cần chú ý tới việc uống nhiều nước hàng ngày (2- 3 lít) vì nước là thành phần chính tạo nên sữa cho con bú. Có thể uống nước lọc, uống sữa, nước ép trái cây. Việc uống thêm sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú có thể đảm bảo đủ chất mà không bị tăng cân, người mẹ nên chọn loại sữa có bổ sung chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và giúp tăng khả năng hấp thụ của mẹ. Trong thời kỳ cho con bú cần tránh các loại chất kích thích có ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh và sức khỏe của bé và hạn chế một vài loại gia vị như: ớt, tỏi, hành có thể qua sữa gây mùi khó chịu làm trẻ dễ bỏ bú. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục bú đến 2 tuổi, nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức theo tháng tuổi. Khi trẻ đã lớn vẫn phải duy trì uống sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ, nhất là trẻ còn nhỏ chưa ăn được nhiều tôm, cua, cá, hơn nữa canxi trong sữa lại dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, cần cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của trẻ bằng cách cho trẻ ăn đủ các bữa bột, cháo, cơm… hàng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn, ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm, giàu can xi, sắt, kẽm như: các loại thịt, cá, tôm , hàu, cua, sò, trứng, sữa, rau xanh lá, đậu, đỗ, khoai…). Ăn nhiều rau xanh, quả chín, cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…
Cùng với việc tiêm chủng, điều trị kịp thời các bệnh khi trẻ mắc phải thì chế độ vui chơi ngoài trời, luyện tập thể dục thể thao cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ do đó các bậc cha mẹ nên chọn cho con mình các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như: bơi lội, đạp xe, chạy, chơi cầu lông… Như vậy, để trẻ lớn lên khỏe mạnh, thông minh, ngoài quan tâm đến cân nặng của trẻ phải quan tâm cả đến chiều cao. Chiều cao chỉ có từng giai đoạn để trẻ phát triển, nếu bỏ qua sẽ không thể lấy lại được.
Minh Anh ( TT truyền thông GDSK)
Ý kiến ()