Chăm sóc bán trú đầu năm học mới: Lúng túng do thiếu nhân viên cấp dưỡng
Những bếp ăn “dân nuôi”
Đã gần 1 tháng sau khai giảng, nỗi lo của ngành GD&ĐT huyện Bình Gia giờ đây không phải là tỷ lệ huy động học sinh, đảm bảo “3 đủ” cho học sinh tới trường, mà là “sức ép” bán trú theo nguyện vọng của người dân. Do chưa được duyệt số lượng hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nên lãnh đạo phòng giáo dục cũng chưa thể giải quyết được nguyện vọng chính đáng đó. Thôi thì phải “bật đèn xanh” cho các trường tự “vận động”.
Vậy là “mạnh ai nấy làm”, miễn là học sinh có bữa ăn bán trú. Họp phụ huynh với ý kiến chung là góp tiền thuê người nấu. Về chế độ tiền ăn, trước mắt, gia đình học sinh phải “tạm ứng”, sau đó khi các cháu được cấp phát sẽ trả lại. Đến nay, toàn huyện đã có 8 trường mầm non, 11 trường tiểu học thực hiện ăn bán trú. Cô Nguyễn Kim Thoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: theo lẽ thường, khi các trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) vào học tập, thì “bộ máy” của nó đã sẵn sàng hoạt động một cách đồng bộ phục vụ cho nuôi dạy. Tuy nhiên, đối với 15 trường THCS dân tộc bán trú ở Bình Gia, các nhà trường chỉ cố gắng đảm bảo được bữa cơm chiều, còn bữa trưa, tình trạng “mỗi em một nồi” lại tái diễn như mô hình “ bán trú dân nuôi” những năm trước đây.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Quỳnh Sơn (Bắc Sơn)
Không chỉ huyện Bình Gia, mà các trường bán trú tại các huyện cũng trong tình trạng “thân ai nấy lo”. Đồng chí Nguyễn Hồng Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc nói rằng: 4 trường phổ thông dân tộc bán trú của huyện đã bắt đầu thực hiện ăn bán trú, song do không có cấp dưỡng nên thầy và trò phải thay nhau nấu nướng, rất bất tiện.
Cần giải pháp căn cơ
Thống kê của ngành GD&ĐT cho biết, năm học 2014-2015 có 589 bếp ăn tập thể nhà trường, trong đó có 339 bếp ăn bán trú khối mầm non, 150 bếp ăn bán trú cấp tiểu học, 88 bếp ăn bán trú cấp THCS và 12 bếp ăn các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT). Trừ các bếp ăn trường phổ thông DTNT có đội ngũ nhân viên ổn định, còn lại đều phải hợp đồng theo năm học. Trước năm học mới, các nhà trường đã thống kê, đề nghị lên cấp trên về nhu cầu đội ngũ giáo viên và nhân viên. Đầu năm học mới, về cơ bản các huyện đã điều động, luân chuyển cán bộ giáo viên và đề nghị tuyển, hợp đồng mới đảm bảo đội ngũ ổn định. Tuy nhiên về nhân viên thường có sự chậm chễ trong việc giao số lượng hợp đồng. Vì vậy, các nhà trường thường chỉ đảm bảo được “khâu dạy”, còn “khâu nuôi” thì thường lúng túng, không ổn định nền nếp ngay từ đầu năm và học sinh là người chịu thiệt thòi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia nói rằng: cùng với đề nghị bổ sung giáo viên, huyện đã gửi danh sách nhân viên dự ký hợp đồng từ tháng 8/2015, song đến nay vẫn chưa được Sở Nội vụ trả lời. Ông cũng nêu ý kiến rằng, đối với các trường bán trú, nhất là loại hình phổ thông DTBT, nên ổn định lâu dài đội ngũ nhân viên nấu ăn bằng hợp đồng “68” đối với những người đủ trình độ, đáp ứng công việc. Nếu chỉ cho ký hợp đồng 9 tháng, rất dễ gây xáo trộn về nguồn nhân lực có trình độ; mặt khác, các nhà trường thường rơi vào tình trạng “bếp không nổi lửa” từ 2 đến 3 tháng đầu năm học.
Ý kiến ()