Chậm nhất 7-10 ngày, người dân sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin tại Họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng Chính quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn ra chiều 7/7.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì họp báo (Ảnh: MD) |
Cố gắng cao nhất để đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trước mong mỏi của người dân về việc đưa các chính sách của Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Từ ngày 1/7 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đặc biệt là Bộ Tư pháp làm ngày làm đêm để nhanh chóng hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP Chính phủ, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho người dân.
Bộ trưởng cho biết, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và chắc chắn chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Đồng thời chia sẻ, mấy hôm nay nhìn những hình ảnh các cháu bé trong các khu cách ly, những người dân đang điều trị F0, cách ly người, người dân xếp hàng dài nhận bữa cơm miễn phí, người dân xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho cuộc chiến mới phòng COVID-19. “Những việc này đã cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm. Thấy ý nghĩa sâu sắc sự cần thiết của việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người dân gặp khó khăn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cảnh báo nguy cơ cao dịch bệnh tấn công vào khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đông công nhân, Bộ trưởng cho biết: TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1,6 triệu công nhân, Bình Dương 1,2 triệu, Đồng Nai 1 triệu. Chỉ riêng 3 địa bàn này đã chiếm khoảng ¼ lực lượng lao động cả nước… “Muốn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch ở các địa bàn này đòi hỏi phải thực hiện đồng các nhóm giải pháp, trong đó có việc hạn chế sự đi lại. Mà muốn hạn chế việc đi lại phải đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người không có tích lũy, không có thu nhập để họ bị đói, đứt bữa”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cơ quan nào, địa phương nào, cá nhận nào chậm thực hiện việc hỗ trợ hoặc để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách là có lỗi với người dân.
“Cuộc cách mạng” trong thời gian giải quyết hỗ trợ
Bộ trưởng cho biết Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có những điểm mới rất quan trọng: 12 nhóm đối tượng chính sách sẽ được cụ thể hóa một cách chi tiết nhất. Cách thức thực hiện, thời gian tiến hành, quy trình giải quyết. Phân cấp, phân quyền rất rõ đề cao trách nhiệm người đứng đầu đó là chủ tịch UBND các chính quyền địa phương.
“Các cơ quan rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu Thủ tướng giao là cắt giảm hóa tối đa thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian, tạo điều kiện thông thoáng để người lao động người sử dụng lao động tiếp cận chính sách dễ dàng trên cơ sở đảm bảo đúng luật. Tinh thần là nội dung gì Luật đã quy định thì phải chấp hành, những quy phạm Chính phủ, Thủ tướng cho phép vận dụng thì vận dụng tối đa.”, Bộ trưởng nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói 62.000 tỷ trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng. Nhưng nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân, thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ và thêm 3 ngày để giải ngân, tức là khoảng 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.
“Thời gian giải quyết như vậy là một cuộc cách mạng. Cho đến nay, chưa có gói hỗ trợ nào táo bạo, đặt lợi ích cao nhất vì người lao động, người sử dụng lao động như vậy”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý, chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp có 4 điểm mới đáng quan tâm.
Trước hết, đó là giảm mức đóng từ 0,5% xuống 0% và tất cả người lao động đều hưởng chính sách bình thường; người sử dụng lao động sử dụng toàn bộ tiền này hỗ trợ người lao động; lực lượng vũ trang, người hưởng lương nhà nước không thụ hưởng chính sách này; người lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam đóng bảo hiểm này cũng được thụ hưởng.
Về chính sách hỗ trợ người điều trị (F0), người cách ly (F1), theo Bộ trưởng, cả người lớn và trẻ em đều được hưởng chính sách tiền ăn 80 nghìn/ngày nhưng tối đa 21 ngày; chi phí điều trị được hỗ trợ thanh toán theo thực tế, tối đa 45 ngày; trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng; phụ nữ mang thai và đang nuôi con dưới 6 tuổi thì mẹ và mỗi cháu được hỗ trợ 1 triệu đồng khi bị ngừng việc và nghỉ việc do dịch hoặc đang bị cách ly.
Đối với người giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng giải thích: “Hạng 4, tức là mức lương khởi điểm 1,86, tổng thu nhập thấp dưới mức 3.710.000. Hiện cả nước có khoảng 2.000 người thuộc đối tượng này” – Bộ trưởng thông tin.
Đây cũng là lần đầu tiên áp dụng chính sách với hướng dẫn viên du lịch, hiện cả nước có 26.000 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, đối tượng này bị ảnh hưởng từ đầu dịch cho đến nay. Song điều kiện kèm theo là người có cấp thẻ nhưng cũng bị dừng hoạt động, chứ không phải tất cả 26.000 người đều được hỗ trợ.
Về chính sách hỗ trợ lao động tự do và đối tượng khác, Bộ trưởng thông tin thêm, khi cho ý kiến dự thảo Nghị quyết 68, Bộ Chính trị rất chú ý vấn đề này. Chính phủ cũng bàn rất kỹ vì đây là đối tượng giảm thu nhập sâu, khó khăn nhất, đặc biệt họ không có tích lũy. “Rút kinh nghiệm gói hỗ trợ trước, có người nói với tôi, để chi cho những đối tượng này, các bác tổ dân phố phải đi tìm 8, 9 lần. Hay thủ tục trước đây là phải về quê lấy xác nhận. Vì vậy, thủ tục lần này là không cần lấy xác nhận ở quê mà ở đâu lấy ở đó, cố gắng liên thông cơ sở dữ liệu để tránh nay hưởng chỗ này, mai chỗ khác, sau đó hậu kiểm”, Bộ trưởng thông tin./.
Ý kiến ()