Chăm lo xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong vững mạnh
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang về công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2021), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang về công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước.
– Đồng chí có thể chia sẻ khái quát về các phong trào, hoạt động nổi bật của Đội trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang:Công tác Đội và phong trào thiếu nhi đã có những chuyển biến tích cực; từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển đất nước; góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Có một điểm đặc biệt, các phong trào của Đội đều có thời gian triển khai kéo dài trong hàng chục năm như: công tác “Trần Quốc Toản” triển khai được 73 năm; phong trào “Kế hoạch nhỏ” được 63 năm; phong trào “Nghìn việc tốt” được 58 năm… Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung, các phong trào vẫn được tổ chức tốt tại cơ sở và đem lại hiệu quả cao.
Trong đó, phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” là phong trào lớn, xuyên suốt, nội dung bao trùm nhiều mặt công tác quan trọng của tổ chức Đội; đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, được cộng đồng xã hội đánh giá cao.
Các nội dung trọng tâm của phong trào được đưa thành giải pháp chỉ đạo trong các chương trình công tác của Đội nhằm tạo môi trường, điều kiện để thiếu nhi phấn đấu học tập, rèn luyện, đạt được danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ.” Đây là danh hiệu cao quý, là mục tiêu phấn đấu của đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong học tập và rèn luyện.
Thông qua phong trào, thiếu nhi có thêm điều kiện thi đua học tập, tìm hiểu, thực hiện tốt 5 điều Bác dạy; nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác để từ đó khơi dậy trong thiếu nhi niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc gắn với cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của lớp măng non đất nước trong thời kỳ mới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tổ chức Đội đã từng bước khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình đối với thiếu nhi Việt Nam. Hoạt động của Đội ngày càng có sức lan tỏa, được xã hội đánh giá cao bởi tính thiết thực, hiệu quả.
– Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khung thời gian học tập của các có sự thay đổi, Hội đồng Đội các cấp đã triển khai các hoạt động cho thiếu nhi trên cả nước như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang:Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc học tập, vui chơi, giải trí của các em học sinh bị xáo trộn, hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi cũng bị ảnh hưởng, phải thay đổi nội dung, phương thức tổ chức cho phù hợp.
Khi trường học tạm dừng hoạt động, học sinh học trực tuyến tại nhà, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng Đội các cấp triển khai thực hiện các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi theo hình thức trực tuyến.
Có thể kể đến việc tổ chức các cuộc thi, sân chơi, hoạt động trải nghiệm khoa học, sáng tạo bổ ích trên không gian mạng; thiết kế, sản xuất các ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền phù hợp với đối tượng thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức, vui chơi, giải trí của các em thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
Hội đồng Đội tăng cường tuyên truyền, giáo dục thiếu nhi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 tại gia đình, cộng đồng; nâng cao ý thức rèn luyện thể dục thể thao bảo vệ sức khỏe cho mình và những xung quanh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thông qua các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề với các chuyên gia; xây dựng các phim ngắn giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi; giới thiệu về Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em (111), đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội (18008079) để mọi người biết và gọi đến khi cần hỗ trợ.
Mặt khác, công tác chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được Hội đồng Đội các cấp chú trọng hơn thông qua các hoạt động hỗ trợ trực tiếp như: Chương trình “Một triệu ly sữa và hành trình của những quyển sách”, trao quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn…. Nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp, hiệu quả cho thiếu nhi sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
– Thiếu nhi cả nước sắp bước vào kỳ nghỉ hè, để các em có một mùa hè vui tươi bổ ích, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các cấp bộ Đoàn, Đội có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức các hoạt động Đội trên địa bàn dân cư và sinh hoạt hè như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang:Hiện nay, một số nơi học sinh đã được nghỉ hè, theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tháng 5/2021, học sinh cả nước sẽ kết thúc năm học 2020-2021. Có thể chắc chắn rằng, các em thiếu nhi sẽ nghỉ hè trong bối cảnh cả nước vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với các em.
Ngay từ đầu năm học, tổ chức Đoàn, Đội cả nước đã chủ động xây dựng dự phòng phương án tổ chức các hoạt động khi dịch COVID-19 tái bùng phát. Các hoạt động trên địa bàn dân cư và sinh hoạt hè đều phải điều chỉnh phù hợp với tình hình mới và mục tiêu đảm bảo an toàn, bổ ích cho thiếu nhi; không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông học sinh.
Tùy theo tình hình diễn biến của dịch COVID-19, Hội đồng Đội Trung ương sẽ có những định hướng, chỉ đạo Hội đồng Đội các cấp thực hiện công tác Đội và phong trào thiếu nhi đảm bảo yếu tố an toàn, lành mạnh, bổ ích. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Hội đồng Đội Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Đội thực hiện tốt những chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, để hoạt động hè của các em được diễn ra an toàn, vui tươi, bổ ích thì các hoạt động của Đội trên địa bàn dân cư phải đảm bảo yếu tố giáo dục, định hướng, tạo môi trường thuận lợi cho các em rèn luyện; chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho các em thông qua các chương trình: Học kỳ quân đội; Học kỳ Công an; Học văn hóa giao thông; Học làm người có ích; Trại hè kỹ năng “Trải nghiệm để trưởng thành”; Học từ thiên nhiên, làng nghề, dân gian; Nhà thám hiểm nhỏ tuổi…để các em được trang bị những kỹ năng cần thiết; khám phá những nền văn hóa độc đáo của vùng miền; rèn luyện ý thức kỷ luật; đánh thức tinh thần trách nhiệm cộng đồng.
Những dịp nghỉ hè, Hội đồng Đội Trung ương chỉ đạo Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp dạy bơi cho đội viên, ứng biến khi đuối nước, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
– Cụ thể, các cấp Đội đã triển khai công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè năm nay như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang:Để tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em dịp hè, Hội đồng Đội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đội tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích thông qua việc vận dụng tối đa các infographic (thông tin đồ họa), clip (đoạn phim ngắn) để tuyên truyền một cách trực quan, sinh động tới trẻ em trên các mạng xã hội, trang thông tin tuyên truyền của địa phương.
Đây là hoạt động thường xuyên, liên tục trong năm và thực hiện cao điểm trong dịp hè; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí. Hội đồng Đội phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình “Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em”; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ nòng cốt tại địa phương về kỹ năng dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước.
Hội đồng Đội các cấp sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng bể bơi di động cho thiếu nhi ở vùng khó khăn, có tỷ lệ đuối nước cao.
– Trong thời gian tới, để xây dựng Đội vững mạnh và chăm lo tốt cho thiếu niên, nhi đồng, các cấp bộ Đoàn, Đội cần tập trung thực hiện những vấn đề gì?
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang:Trong đời sống xã hội hiện đại, nội dung, hình thức hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi nếu không đổi mới sẽ không theo kịp những biến đổi về nhận thức, tâm sinh lý, nhu cầu của thiếu nhi.
Vì vậy, việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi được quan tâm đầu tư, nghiên cứu để tạo ra những phong trào, hoạt động, mô hình mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Việc đổi mới sẽ theo hướng tập trung triển khai cụ thể hóa phong trào xuyên suốt “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 Điều Bác Hồ dạy” với các phong trào nhánh, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả mang tính giáo dục, định hướng cao.
Qua đó, khẳng định rõ vị trí, vai trò của tổ chức Đội trong công tác giáo dục, định hướng giá trị cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay; gắn với việc giải quyết những vấn đề bức xúc của thiếu nhi trong nhà trường, địa bàn dân cư như xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước, an toàn trên môi trường mạng…
Mục tiêu quan trọng là tổ chức Đội phải thực sự là môi trường lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thiếu nhi nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát huy sáng tạo, phát triển toàn diện; tạo cơ hội cho các tài năng trẻ được cống hiến, phục vụ đất nước.
Các cấp bộ Đội cần tổ chức đa dạng các hình thức sinh hoạt; từng bước hiện đại hóa các nội dung, hình thức hoạt động Đội thông qua các trang mạng xã hội, website, diễn đàn trao đổi thông tin…; tăng cường lồng ghép các nội dung hoạt động Đội trong các hoạt động tập thể, văn hóa, thể thao, nghệ thuật; gắn đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Đội với chiến lược phát triển nguồn lực trẻ có chất lượng và công tác chăm sóc giáo dục trẻ em mà Đảng, Nhà nước đã đề ra; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, trọng tâm là việc thực hiện hai chương trình rèn luyện phụ trách, rèn luyện đội viên.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, các hoạt động hướng về cội nguồn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, diễn đàn, tọa đàm, hội thi… cho thiếu nhi; hoạt động nêu gương, nhân rộng điển hình tiên tiến ; giao lưu, đối thoại về những đề tài gần gũi với cuộc sống của các em; đa dạng hóa các hình thức tình nguyện, các hoạt động xã hội để giáo dục các em có tinh thần tình nguyện vì cộng đồng…
Các cán bộ Đội cần lắng nghe, luôn tôn trọng quan điểm, ý kiến của các em; quan tâm chia sẻ, động viên, khích lệ các em trong cuộc sống; phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ, định hướng cho các em khi các em rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc có dấu hiệu sa ngã, chậm tiến.
– Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đồng chí có thông điệp nào gửi đến cán bộ Đội các cấp và thiếu nhi cả nước?
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang:Đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen.
Thiếu niên, nhi đồng và công tác thiếu niên, nhi đồng càng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”; “Ngày nay, các cháu là nhi đồng; mai sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, với vai trò là người phụ trách công tác Đội, tôi luôn đặt niềm tin yêu và kỳ vọng vào thế hệ thiếu niên, nhi đồng ngày nay sẽ tiếp bước cha anh, ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện, thực hiện tốt những lời dạy của Bác để trở thành con ngoan, trò giỏi, chủ nhân tương lai của đất nước; góp sức xây dựng Tổ quốc ngày càng hùng cường, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong muốn.
Nhân dịp này, thay mặt Hội đồng Đội, xin trân trọng gửi lời tri ân tới các đồng chí cán bộ Đội, cán bộ phụ trách thiếu nhi trong cả nước. Tổ chức Đội luôn trân trọng, ghi nhận sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các anh, chị dành cho thế hệ măng non của đất nước./
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()