Giờ học bằng giáo án điện tử ở Trường THPT Tràng Định
Bước vào năm học 2011-2012, toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 17000 cán bộ giáo viên, về cơ bản đã đáp ứng đủ so với quy mô phát triển của toàn ngành. Theo quy định của Luật GD, đội ngũ cán bộ giáo viên các cấp học trên địa bàn hầu hết đạt chuẩn trình độ đào tạo, số giáo viên trên chuẩn đạt tỷ lệ khá. Tuy nhiên chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với trình độ đào tạo; nhiều giáo viên cấp học mầm non và tiểu học được tuyển dụng trong những năm trước đây ở các xã ĐBKK, các xã vùng cao có trình độ đào tạo thấp, chưa đạt chuẩn; quá trình đào tạo còn chắp vá, do vậy chất lượng GD tại các nhà trường còn nhiều hạn chế, yếu kém. Giáo viên bộ môn tiếng Anh cấp THPT trước đây chủ yếu được đào tạo theo hệ không chính quy. Vì vậy chất lượng giáo dục bộ môn này còn nhiều hạn chế, dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp cấp THPT ở bộ môn tiếng Anh còn ở mức thấp.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Bắc trong giờ học tiếng Anh
Ngay từ năm học 2004-2005, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD”, ngành đã chỉ đạo các nhà trường, các phòng GD tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ này. Song song với việc kiểm tra, rà soát và thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kế hoạch tổ chức và thực hiện triển khai áp dụng đánh giá CBQL cơ sở GD và giáo viên theo chuẩn, ngành đã thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, bổ nhiệm điều động, luân chuyển giữa các đơn vị, nhà trường và cơ sở GD cho phù hợp. Để tạo động lực cho giáo viên trong việc tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc,nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng GD, ngành đã tổ chức kiểm tra kiến thức đối với lực lượng GV. Qua 2 kỳ kiểm tra trong năm học 2010-2011 cho thấy số CBQL có điểm loại giỏi chưa cao, thậm chí tỷ lệ giáo viên có điểm loại yếu còn chiếm 4,61%, loại kém 0,15% tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Trên cơ sở rà soát đánh giá, năm học 2010-2011, tiếp tục thực hiện các đề án của tỉnh, ngành đã phối hợp với các trường đại học, học viện và trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức 67 lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông với tổng số trên 560 người. Đây là minh chứng cụ thể nhất trong việc chăm lo phát triển đội ngũ về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao chất lượng GD. Song song với bồi dưỡng chuyên môn, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, ý thức và bản lĩnh nghề nghiệp cho CBGV, phát triển đảng viên trong nhà trường được quan tâm. Năm học 2010-2011 với việc kết nạp 603 đảng viên mới, ngành GD đã chấm dứt tình trạng trường “trắng” đảng viên, giảm chi bộ ghép. Việc đảm bảo đời sống cho đội ngũ CBGV, nhất là giáo viên công tác tại vùng cao, vùng ĐBKK, giáo viên hợp đồng được từng bước quan tâm. Bằng chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ giáo viên giai đoạn 1 và 2, hàng ngàn phòng công vụ cho giáo viên được xây dựng khang trang sạch đẹp, đảm bảo cho giáo viên không phải ở nhờ nhà dân, nhà tre lá. Các chế độ lương, phụ cấp và các khoản khác được thực hiện kịp thời.
Đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện cuộc vận động “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”được đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục thực hiện nghiêm túc và ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Tất cả để đội ngũ nhà giáo Lạng Sơn nâng cao nhận thức chính trị, phấn đấu giỏi về chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, có lòng yêu nghề, yêu người thiết tha, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Ý kiến ()