Đây là sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành và đơn vị liên quan. Dưới sự điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, chúng ta đã khẩn trương tiến hành nhiều biện pháp để đưa người lao động trở về nước an toàn. Những ngày qua, trong điều kiện khó khăn và phải chịu đựng những thiếu thốn, vất vả, nhưng hàng nghìn lao động Việt Nam không đơn độc bởi Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực, quyết tâm giúp tất cả người lao động vượt qua biến cố của nước sở tại và trở về Tổ quốc an toàn.
Tuy vậy, đến ngày 28-2, vẫn còn hàng nghìn lao động Việt Nam đang kẹt tại Li-bi vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Họ đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách không nhỏ. Bên cạnh đó, việc hàng nghìn người lao động bắt buộc phải trở về nước khi công việc bị ngắt quãng, thu nhập không còn đã và sẽ gây ra những khó khăn cho họ và gia đình. Hầu hết những người đi XKLĐ ở Li-bi đều thuộc diện gia đình nghèo, nhiều người đã phải vay vốn ngân hàng, không ít người trong số họ đang là trụ cột của gia đình… Vì vậy, ngay từ bây giờ, cùng với việc tiếp tục khẩn trương, quyết liệt đưa người lao động trở về nước an toàn, các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần có những hoạt động, chương trình cụ thể giúp đỡ, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống.
Để làm tốt công tác này, các cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa trong việc hỗ trợ ban đầu cho người lao động, nhất là làm tốt công tác tư tưởng, giải thích rõ ràng, cụ thể những chính sách, cơ chế đối với người lao động, góp phần ổn định tâm lý, giúp mọi người yên tâm nghỉ ngơi. Huy động nguồn lực, sự hảo tâm của toàn xã hội tham gia hỗ trợ người lao động nghèo. Trong thời điểm này, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, vai trò, trách nhiệm, tấm lòng của các doanh nghiệp XKLĐ là quan trọng. Cùng với việc dành ra các khoản hỗ trợ ban đầu cho người lao động, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc hợp đồng đã ký nhưng phải dựa trên cơ sở, nguyên tắc là giảm bớt thiệt thòi cho người lao động, không được gây sức ép, sách nhiễu, chèn ép. Nếu có điều kiện, khi người lao động có mong muốn, cần tiếp tục đưa người lao động đi XKLĐ tại các quốc gia đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đối với những người muốn ở lại quê hương để lập nghiệp, cần hỗ trợ ngay về thông tin việc làm, thị trường lao động trong nước và nhất là việc đào tạo nghề mà thị trường đang cần. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp đối với những người lao động đang có nợ ngân hàng, tránh hiện tượng nợ chồng nợ đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương nơi có lao động trở về từ Li-bi cần chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của mỗi người để từ đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền có những phương thức hỗ trợ hợp lý, thiết thực, nhất là giới thiệu việc làm, giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Thực hiện tốt nhiệm vụ đưa người lao động từ Li-bi trở về nước và giúp họ yên tâm tiếp tục làm việc thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với người lao động trong hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ý kiến ()