Chăm lo giáo dục vùng cao ở Phú Yên
Không còn học sinh bỏ học
Xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Ðồng Xuân có 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chăm và Ba Na. Nhiều năm trước, cứ đến ngày khai trường, cả lãnh đạo xã và thầy, cô giáo ai cũng lo ngại vì tình trạng học sinh bỏ học theo bố mẹ lên rẫy. Nhưng ngày khai giảng năm học mới 2014-2015, ai nấy đều phấn khởi, vì tất cả học sinh trong độ tuổi đều đến trường.
Thầy giáo Trình Ngọc Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ cho biết, năm nay trường đón 68/68 học sinh trong độ tuổi vào lớp 1; từ năm học 2011-2012 đến nay không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Thầy hiệu trưởng khẳng định, trình độ dân trí ở nơi xa xôi hẻo lánh này đã nâng lên rõ rệt. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều hiểu rằng, kế hoạch hóa gia đình là để phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện tốt nhất cho con ăn học. Ðiều này được minh chứng qua số lượng học sinh tiểu học hằng năm của trường đến lớp đều đạt 100%, nhưng tổng số học sinh thì giảm. Cụ thể: năm học 2011-2012, số học sinh toàn trường từ lớp 1 đến lớp 5 là 361 em; năm học 2012-2013 giảm còn 333 em; năm học 2013-2014 là 323 em và năm học này số học sinh toàn trường chỉ có 309 em. Trường tiểu học Phú Mỡ có sáu phân trường, điểm xa nhất là thôn Phú Hải, giáp ranh hai tỉnh Bình Ðịnh và Gia Lai. Hiện nay, tất cả các trường đều được xây dựng kiên cố, khang trang.
Thầy giáo Ngô Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, những năm trước, không có, hoặc rất ít học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng (ÐH, CÐ). Bây giờ đã khác trước, năm học 2012-2013 đã có 43,86% số học sinh thi đỗ vào các trường ÐH, CÐ; số còn lại theo học ở các lớp trung cấp, dự bị hoặc cử tuyển. Những học sinh không theo học tiếp lên bậc học cao hơn ở nhà sản xuất chiếm tỷ lệ rất thấp. Từ năm 2009 đến năm 2014, số lượng học sinh khối 12 của trường sau khi tốt nghiệp THPT được tiếp tục cử đi học theo diện cử tuyển là: 63 trong số 322 học sinh tốt nghiệp ra trường. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường. Khu nội trú giải quyết đủ chỗ ở cho khoảng 200 em. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt khá cao: bình quân trong năm năm là 97,03%, riêng năm học 2012-2013 tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp là 100%, năm học 2013-2014 đạt 98,57%. Nguồn cán bộ trong đồng bào các dân tộc thiểu số từng là học sinh của trường đến nay đã tham gia nhiều ngành nghề, như giáo viên, y sĩ, bác sĩ, kỹ sư, lực lượng công an, quân đội, cán bộ địa phương cơ sở, nhiều người trở thành đảng viên,… số còn lại đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho các xã, huyện…
Lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư cho giáo dục
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Lê Thanh Lai cho biết, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá lớn, khoảng 37%. Tuy vậy, huyện đã thực hiện đúng, đủ và kịp thời chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. Trong năm học 2013-2014, thực hiện chế độ bán trú cho học sinh Trường La Văn Cầu với 142 học sinh được thụ hưởng kinh phí 587 triệu đồng và chế độ hỗ trợ gạo của Chính phủ cho 142 em, với hơn 19 tấn gạo, trị giá 170 triệu đồng. Ngoài ra, có 1.992 học sinh dân tộc thiểu số (tiểu học: 1.354, THCS: 638) của năm xã đặc biệt khó khăn được cấp phát sách, vở học tập với kinh phí hơn 469 triệu đồng (nguồn kinh phí thuộc Chương trình 135)…
Công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao ở Phú Yên trong những năm qua có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã được chú trọng phát triển từ tỉnh tới huyện. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển đầy đủ các loại hình, mạng lưới trường lớp phủ kín trong toàn tỉnh, không còn điểm trắng về giáo dục; tất cả các trường học có chi bộ đảng.
Tại Phú Yên, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 đã giải quyết cơ bản những khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất của các trường học và nơi ở cho giáo viên vùng khó khăn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Phú Yên phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất, sự chuyển biến trong giáo dục và đào tạo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh thời gian qua là đáng khích lệ. Nhưng thực tế cho thấy, công tác phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào còn khá cao. Sắp tới, tỉnh tiếp tục đầu tư mở thêm trường, lớp đào tạo giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số tại chỗ (hiện tại, tỷ lệ giáo viên người dân tộc thiểu số ở bậc THCS mới chiếm 6%, bậc THPT chiếm 2,6% trong tổng số giáo viên cùng cấp). Tỉnh sẽ lồng ghép nhiều nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, đóng góp của nhân dân để tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các trường học vùng dân tộc, miền núi. Nhanh chóng đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng và với riêng từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, tiếp tục xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm cho họ yên tâm gắn bó với nghề nghiệp, với sự nghiệp “trồng người” ở chính quê hương mình. Có cơ chế, chính sách khuyến khích con em các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, học nghề trở về địa phương công tác tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển vùng dân tộc trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ý kiến ()