Chăm lo đời sống người có công vui tươi, đầm ấm trong dịp Tết Nguyên đán 2024
Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long phát biểu tại buổi tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Ngân Anh) |
Ngày 8/12, tại trụ sở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ, Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Sóc Trăng nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 53.304 người có công. Số người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh là hơn 9.100 người.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, Trưởng đoàn công tác, Mã Chí Thanh cho biết, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn xem công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng với phương châm “Người có công phải được chăm lo về vật chất lẫn tinh thần”.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 53.304 người có công. Trong số này, có 6.504 thương binh, 88 bệnh binh, 15.325 liệt sĩ, 150 cán bộ Lão thành cách mạng, 346 cán bộ Tiền khởi nghĩa: 346 người; 2.336 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 56 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 2.469 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 629 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 10.127 người thờ cúng liệt sĩ; 6.296 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; 8.986 người có công giúp đỡ cách mạng.
Số người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh là hơn 9.100 người. Toàn tỉnh có 13 nghĩa trang liệt sĩ và có 18 công trình ghi công liệt sĩ. Hằng năm, bên cạnh ngân sách trung ương hỗ trợ, tỉnh cũng bố trí một phần ngân sách địa phương để tôn tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ được các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện. Qua đó, đã quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ các huyện, thị xã. Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ được 10 trường hợp.
Tuy nhiên, trong thực tế, công tác chăm lo cho người có công tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Cụ thể như, việc thực hiện Đề án số 06 (triển khai chi trả không dùng tiền mặt; liên thông giải quyết mai táng phí…) còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ, đối tượng người có công cao tuổi, không sử dụng điện thoại thông minh, vùng sâu, vùng xa…
Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách cho đối tượng là người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách người có công đúng quy định pháp luật.
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Sóc Trăng kiến nghị, tỉnh là một trong những tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, đời sống người dân có thu nhập thấp. Đặc biệt, người có công với cách mạng đa phần cao tuổi, sống neo đơn, số hộ người có công được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa qua nhiều năm đã xuống cấp, hư hỏng…
Các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ hằng năm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phân bổ kinh phí thực hiện tu sửa, nâng cấp nhưng kinh phí dàn trải, trong khi hiện nay còn một số nghĩa trang hiện trạng đang bị xuống cấp…
Do đó, địa phương rất mong các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí về nhà ở cho người có công; kinh phí sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ… với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhằm giúp cho địa phương làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Xuân Long nhấn mạnh, Sóc Trăng là tỉnh luôn chú trọng đến công tác chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong toàn tỉnh luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt với nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa.
Tỉnh Sóc Trăng rất mong các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí về nhà ở cho người có công; kinh phí sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ… với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhằm giúp cho địa phương làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa.
Đồng chí Mã Chí Thanh
Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Long nêu rõ, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 76 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đại diện Cục Người có công mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phối hợp cơ quan này, các sở, ban, ngành, địa phương triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó ưu tiên một số nội dung.
Trước hết là thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt và văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Công tác triển khai theo nguyên tắc tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt đối với người có công.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, đón xuân vui tươi, đầm ấm trong dịp Tết Nguyên đán 2024 Giáp Thìn sắp tới.
Nguồn:https://nhandan.vn/cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong-vui-tuoi-dam-am-trong-dip-tet-nguyen-dan-2024-post786537.html
Ý kiến ()