Chăm lo đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước
(Bài phát biểu của đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ) Kính thưa: các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang. Thưa đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Ðảng. Thưa các quý vị đại biểu,
(Bài phát biểu của đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ) Kính thưa: các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang. Thưa đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Ðảng. Thưa các quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất phấn khởi đến dự Hội nghị biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu của cả nước trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển, đảo.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc, lời thăm hỏi thân thiết nhất đến gần 250 đại biểu là Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh đã có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta cùng nhớ tới anh linh của hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta cũng nhớ tới hơn 800.000 thương binh đang chịu những vết thương của chiến tranh, vẫn sống xứng đáng với tinh thần vì nước quên thân – vì dân phục vụ.
Bác Hồ đã căn dặn chúng ta: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, Ðảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm được nhiều việc tốt để tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước.
Tôi hoan nghênh Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị khẩn trương và tổ chức chu đáo Hội nghị biểu dương hôm nay. Hội nghị này cũng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ Việt Nam, biểu dương tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tinh thần vượt khó của những người có công, sự gương mẫu của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ðây cũng là dịp để chúng ta làm rõ kết quả thực hiện chính sách người có công của Ðảng, Chính phủ và những khó khăn, hạn chế mà toàn xã hội phải chung tay khắc phục.
Thưa đồng bào và các đồng chí,
Hầu hết các đồng chí thương binh, cựu chiến binh, cựu TNXP, thân nhân liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp bảo vệ biên giới và biển, đảo nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung là những công dân mẫu mực ở địa bàn nơi cư trú, là chỗ dựa vững chắc trong gia đình và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Tại Hội nghị này, cũng như trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta rất vui mừng đã được gặp, được nghe về những tấm gương tiêu biểu, những câu chuyện rất xúc động về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của các đồng chí thương binh, cựu chiến binh, cựu TNXP và thân nhân liệt sĩ đã vươn lên thành công trên nhiều lĩnh vực; nuôi dạy con em tiếp bước cha anh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Nhiều gia đình chính sách, gia đình cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ và bản thân các đồng chí thương binh đã đi đầu trên trận tuyến chống lại đói nghèo, lạc hậu. Ðến nay, theo báo cáo của các địa phương, 98% số gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên. Nhiều doanh nghiệp thương binh tiêu biểu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động là con em của đồng đội, của các gia đình chính sách, không chỉ bảo đảm đời sống người lao động mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Thành công của các đồng chí là nguồn động viên, khích lệ đồng đội, góp phần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực vượt khó và những đóng góp có ý nghĩa to lớn của các đồng chí thương binh, cựu chiến binh, cựu TNXP và các thân nhân liệt sĩ.
Thưa các đại biểu, các đồng chí,
Chăm lo đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước. Chính sách đối với người có công của Ðảng, Nhà nước không ngừng được hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho các thương binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các ưu đãi, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so người dân tại địa phương.
Năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành chính sách ưu đãi đối với những người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Sau đó được thay thế bằng Pháp lệnh số 26 ngày 29-6-2005 về ưu đãi người có công với cách mạng và năm 2012 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 04 ngày 16-7-2012.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”; thực hiện Pháp lệnh 04 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ðiều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước trong công tác chăm lo đời sống người có công. Hiện nay cả nước có khoảng 8,8 triệu người có công, trong đó hơn một triệu liệt sĩ, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, hơn 100.000 người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 300.000 người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 200.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Hơn 1,38 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước.
Phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa” với những hoạt động thiết thực trên phạm vi cả nước đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam, là kết quả của sức mạnh tổng hợp: sự quan tâm lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, sự đóng góp của toàn xã hội chăm lo và ổn định đời sống của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng và Nhà nước ta, phát huy truyền thống yêu nước trong thời kỳ mới. Tôi hoan nghênh các tổ chức và cá nhân đã có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua. Qua Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cố gắng khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác đền ơn đáp nghĩa; đặc biệt là cần phải có những giải pháp, biện pháp thiết thực và quyết liệt hơn nữa để đưa tất cả chính sách đối với người có công vào cuộc sống.
Năm 2014, cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và năm 2015 kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Có thể nói năm 2014 và 2015 là thời cơ để chúng ta tổng rà soát trên cả nước việc thực hiện chính sách đối với người có công. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi đề nghị:
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cùng chính quyền các cấp phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội triển khai Chương trình đặc biệt tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công trong hai năm 2013-2015, thiết thực kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Các cơ quan của Chính phủ mà nòng cốt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt là Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, với sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông để phổ biến các chính sách mới nhất của Ðảng và Nhà nước đến bảy đối tượng người có công, đó là: Gia đình liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, các cựu chiến binh, cựu TNXP, người có công và gia đình các chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là các đồng chí đang làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo.
2. UBND các xã, phường với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam lên danh sách đầy đủ của bảy đối tượng người có công đang sống tại xã, phường mình. Trên cơ sở đó lập danh sách người có công, gia đình người có công chưa được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ của Chính phủ hiện nay.
3. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các quận, huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp nhận danh sách người có công cần được hỗ trợ đầy đủ theo chính sách người có công của Chính phủ và đề xuất kế hoạch giải quyết người có công cho từng hộ gia đình người có công ngay trong năm 2014, 2015 và các năm sau. Công bố và báo cáo HÐND và UBND các tỉnh, thành phố và thông báo cho MTTQ Việt Nam các địa phương biết kế hoạch này trước ngày 7-5-2014.
4. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện đúng chính sách về người có công cho các đối tượng đã được công bố trong dịp 7-5-2014 và công bố kết quả thực hiện đợt đầu vào ngày 2-9-2014, đợt 2 vào dịp 22-12-2014 và đợt 3 vào ngày
30-4-2015. Thông qua thực hiện trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương, với sự tham gia hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, chúng ta cùng đẩy mạnh phong trào: “Ðền ơn đáp nghĩa” để thực hiện các chính sách về người có công, đặc biệt là bảy chính sách sau đây:
1. Ghi nhận người có công.
2. Chính sách hỗ trợ tài chính cho người có công.
3. Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế đối với gia đình người có công.
4. Chính sách chăm lo học tập, sức khỏe của con người có công.
5. Chính sách nhà cho người có công.
6. Chính sách chăm sóc sức khỏe cho thương binh, nạn nhân chất độc da cam, người bị tù đày.
7. Chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính những liệt sĩ chưa rõ tên.
Hiện nay, theo báo cáo của các địa phương, 98% số gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên. Chúng ta hãy phấn đấu để bằng các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ của phong trào: “Ðền ơn đáp nghĩa” và sự nỗ lực vươn lên của gia đình người có công, đến năm 2015 sẽ thực hiện được mục tiêu: “Tất cả gia đình người có công không nghèo, tất cả gia đình người có công không còn nhà tạm bợ”.
Trải qua các cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay, hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên mọi miền đất nước và các chiến trường quốc tế. Nếu các liệt sĩ về với chúng ta hôm nay và xếp thành hàng dọc trên biên giới trên bộ và bờ biển của Tổ quốc Việt Nam thì sẽ hình thành một bức tường liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc thân yêu này, mà cứ bảy mét là có một liệt sĩ.
Trước vong linh của các liệt sĩ, mà trong đó 300.000 liệt sĩ vẫn chưa được quy tập, 200.000 liệt sĩ chưa xác định được tên, với trách nhiệm to lớn trước 800.000 thương binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nạn nhân chất độc da cam, chúng ta hãy phấn đấu triển khai quyết liệt Chương trình đặc biệt hai năm tổng rà soát bảy chính sách đối với người có công cho bảy đối tượng và báo cáo kết quả cho HÐND các cấp, Quốc hội và Chính phủ vào tháng 9-2015.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn đóng góp của người có công trên cả nước mà tiêu biểu là gần 250 đại biểu dự Hội nghị biểu dương thân nhân liệt sĩ hôm nay. Xin kính chúc sức khỏe các Mẹ Việt Nam Anh hùng, chúc các đại biểu, các đồng chí sức khỏe, thành công và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn.
——————————–
(*) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()