Chăm lo cho học sinh vùng khó Bắc Ái
(LSO) – Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Bắc Ái II, xã Bắc Ái, huyện Tràng Định nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Tràng Định, thời gian qua, cùng với các chế độ chính sách của nhà nước hỗ trợ học sinh, các thầy, cô nhà trường luôn quan tâm chăm lo mọi mặt học tập và đời sống cho học sinh.
Những năm gần đây, số lượng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tại các huyện tăng nhanh, tạo cơ hội đến trường, học tập chuyên cần, nâng cao chất lượng học tập cho con em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Bắc Ái II là một điển hình. Có đến thực tế nơi đây mới thấy hết những khó khăn, vất cả của thầy, trò và cả cuộc sống người dân. Tuy trường chỉ cách thị trấn 30 km, nhưng phải đi gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được điểm trường này. Bởi từ đường chính vào trường là gần 10 km đường đất đi lại rất khó khăn, mặt đường từng vũng sình lầy chằng chịt, hết dốc cao lại qua suối vô cùng vất vả.
Giờ học của học sinh khối Tiểu học, Trường PTDTBT tiểu học – THCS Bắc Ái II
Thầy giáo Lương Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Bắc Ái II cho biết: Trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, hầu hết gia đình học sinh đều xa trường. Hiện trường có 3 cấp: mầm non, tiểu học, THCS với tổng số 133 học sinh, có trên 95% học sinh là người dân tộc Dao, trên 70% học sinh thuộc hộ nghèo nên việc được hưởng các chế độ của nhà nước về ăn, ở, học tập, thể thao đã giảm bớt phần nào khó khăn khi các em đến trường. Tuy nhiên, là một trường bán trú, học sinh tập trung ăn, ở, sinh hoạt, học tập nên trách nhiệm của giáo viên rất nặng nề, ngoài công tác chuyên môn trên bục giảng, thầy cô giáo phải chia nhau đảm nhận thêm rất nhiều việc để chăm lo cho học trò về mọi mặt.
Hiện nay, trường có 31 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, 70 học sinh ở bán trú và 100% học sinh được tổ chức ăn bán trú tại trường. Thế nên, hằng ngày, ngoài việc giảng dạy chính khóa, giáo viên còn dạy bổ sung kiến thức và phụ đạo cho học sinh yếu. Cùng với đó, các em còn được dạy kỹ năng sống, giao tiếp, tự lập, thay đổi nếp sống, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp cận văn hóa, văn minh, hiện đại. Sau mỗi buổi học, các em sẽ được thầy, cô tổ chức cho chơi thể thao, cùng thầy cô tham gia làm vườn, trồng rau để vừa cung cấp thêm thực phẩm sạch vào khẩu phần ăn hằng ngày, vừa giáo dục các em yêu lao động.
Cô Nông Thị Tấm, giáo viên khối tiểu học cho biết: Đối với học sinh bán trú, giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn phải chăm sóc, dạy các em sinh hoạt hằng ngày. Để phụ huynh học sinh yên tâm gửi con ở trường, các thầy, cô giáo thay nhau hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Thời gian các thầy, cô dành cho học sinh còn nhiều hơn thời gian dành cho gia đình.
Em Triệu Thị Hằng, học sinh lớp 9, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Bắc Ái II chia sẻ: Sau mỗi buổi học, chúng em không phải lội suối, trèo đèo về nhà mà được ở lại trong những căn phòng ấm cúng có đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt hằng ngày; được học các kỹ năng sống cũng như kiến thức về trồng trọt… nên em và các bạn càng thêm yêu trường hơn. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng chúng em rất thích ở lại trường vì có nhiều thời gian học, có nhiều bạn bè và được thầy cô chăm sóc rất chu đáo.
Là trường bán trú nhưng hiện nay, trường còn thiếu nhà hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên, thiếu phòng ăn, bếp ăn cho học sinh và thiếu các phòng chức năng, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Cùng đó, vẫn còn các phòng học tạm, phòng học bán kiên cố… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, học tập của học sinh.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy, cô nhà trường vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh, thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa – văn nghệ – thể thao để thu hút học sinh có môi trường sống lành mạnh, yêu trường mến lớp, đỡ nhớ nhà, giúp các em yên tâm học tập. Nhờ đó, nhiều năm qua, tỷ lệ huy động học sinh cấp tiểu học, THCS ra lớp luôn đạt 100%; cùng đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn đạt 100%.
Ý kiến ()