Chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên
Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn |
Tăng cường rà soát, đánh giá và bồi dưỡng
Ngay từ năm 2004, triển khai Chỉ thị số 40 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (Khóa IX) về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã tiến hành rà soát, sàng lọc, đánh giá thực trạng đội ngũ và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Bằng các giải pháp phù hợp với thực tiễn của ngành và của các nhà trường, trong đó giải pháp tự học, tự bồi dưỡng, đẩy mạnh phong trào “giáo viên giúp đỡ giáo viên” về nghiệp vụ và tập huấn chuyên môn có ý nghĩa quan trọng trong cập nhật nâng cao kiến thức và tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại. Vì vậy, chất lượng đội ngũ đã căn bản được nâng lên. Bước vào năm học 2017-2018, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của cấp học mầm non đạt 98,88% (trên chuẩn 57,3%); cấp tiểu học 100% (trên chuẩn 85,14%); cấp THCS 98,63% (trên chuẩn 50,91%); cấp THPT 100% (trên chuẩn 12,61%).
Nâng cao năng lực đội ngũ CBQL là một hoạt động quan trọng được ngành thực hiện trong nhiều năm qua. Đến nay, tỷ lệ chuẩn của đội ngũ CBQL các cấp học là 100%; trong đó, số lượng trên chuẩn đạt cao như cấp mầm non đạt 94,56%, cấp tiểu học đạt 97,18%, cấp THCS đạt 77,48% và cấp THPT đạt 48,31%. Năm 2016, tiến hành kiểm tra kiến thức đối với 296 CBQL cấp THCS và THPT đã cho kết quả có 4,1% loại giỏi, 59,8% loại khá và 35,1% loại trung bình.
Trên cơ sở chuẩn về trình độ đào tạo và chuyên môn của cán bộ giáo viên, ngành có điều kiện thực hiện chuyển xếp ngạch giáo viên sang chức danh nghề nghiệp theo quy định. Cuối năm 2016, tổng số giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là 13.303 người, trong đó hạng II có 2.727 người, hạng III có 7.222 người và hạng IV có 3.296 người.
Duy trì và nâng cao hiệu quả các phong trào
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành và công đoàn ngành mà bao trùm là cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn được giữ, duy trì và nâng cao chất lượng.
Từ năm học 2016-2017, triển khai phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, ngành đã chỉ đạo các nhà trường phát huy sự sáng tạo, năng động của mỗi ván bộ, giáo viên trong công tác đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, bài giảng điện tử trong giảng dạy và quản lý. Phong trào đã xuất hiện nhiều cán bộ giáo viên điển hình như cô Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tiểu học xã Tân Lập (Hữu Lũng) chỉ đạo có hiệu quả công tác đổi mới trong dạy học. Thầy Nguyễn Quốc Tiệp, giáo viên Trường THCS xã Sơn Hà (Hữu Lũng) vận dụng sáng tạo phần mềm Sketpad và Violet vào soạn giảng trên bảng thông minh. Cô Giang Kim Nhung, Tổ trưởng bộ môn Trường THPT Bình Gia, đạt giải nhất trong soạn Giáo án điện tử cấp trường. Cô Nông Thị Thu Thảo, Trường Tiểu học thị trấn Đình Lập, giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning cấp tỉnh… Và rất nhiều tấm gương gắn bó với giáo dục vùng cao, vùng khó khăn như cô giáo: Lộc Thị Phấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT xã Mẫu Sơn (Cao Lộc); thầy Bế Văn Nam, Trường Phổ thông DTBT trung học cơ sở xã Bắc Xa (Đình Lập); cô Hoàng Kim Xuyến, giáo viên Trường Mầm non xã Nhất Tiến (Bắc Sơn)…
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng: Việc duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã tạo nên đội ngũ cán bộ giáo viên sáng tạo, đổi mới; những thầy cô giáo tâm huyết với học trò vùng cao. Những tấm gương tiêu biểu đó không những duy trì tốt công tác giáo dục dân tộc mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tâm thế tốt cho toàn ngành bước vào công cuộc đổi mới giáo dục.
Ý kiến ()