Chấm dứt tăng trưởng bằng GDP "ảo"
GDP được lựa chọn như một chỉ số phổ biến nhất đo lường quy mô nền kinh tế quốc dân và tốc độ tăng GDP hằng năm phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tương tự như tuyệt đại đa số quốc gia trên thế giới, Việt Nam sử dụng GDP và tốc độ tăng GDP hằng năm theo giá so sánh trong việc đặt mục tiêu và đánh giá mức độ hoàn thành chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn cụ thể, đồng thời GDP và tốc độ tăng GDP còn được dùng để so sánh sự phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước cũng như xác định vị trí của nền kinh tế nước ta trên bản đồ kinh tế thế giới.
Do ý nghĩa quan trọng của GDP, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong thu thập dữ liệu, tính toán và công bố GDP. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế địa phương cho nên chúng ta đã “sáng tạo” ra chỉ tiêu GDP của tỉnh, thành phố mà như nhiều nhận định là “không giống ai”. Tác hại của GDP cấp tỉnh sẽ không quá nặng nề nếu tốc độ tăng của nó không trở thành chỉ tiêu kế hoạch quan trọng nhất, thậm chí duy nhất để đánh giá trình độ phát triển và quản lý kinh tế của mỗi địa phương. Theo đó, không ít địa phương “chạy đua” để đạt tốc độ tăng GDP trên địa bàn cao nhất, ganh đua với nhau để có thành tích báo cáo cấp trên, bất chấp cơ sở khoa học còn mơ hồ và cách tính chỉ số GDP còn tùy tiện, trùng lặp, thậm chí gian dối. Kết quả nhãn tiền là tốc độ tăng GDP của nhiều tỉnh, thành phố nhiều khi đạt 10-15% mỗi năm, có khi còn cao hơn nữa, trong khi tốc độ tăng GDP của cả nước lại chỉ bằng khoảng một nửa.
Rõ ràng, tốc độ tăng GDP của địa phương đã trở thành chỉ tiêu “ảo”, không chỉ về mặt lý thuyết mà còn cả mặt thực tiễn, khiến cho việc đặt mục tiêu, đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở địa phương trở nên méo mó, sai lạc, không thực chất, do đó, khó có thể tìm ra biện pháp đúng để phát triển kinh tế từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. TẠI hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư vừa qua, tình trạng bất cập nêu trên đã được chỉ ra và lần này được Chính phủ kiên quyết tuyên bố chấm dứt, đoạn tuyệt hẳn với chỉ số GDP cấp tỉnh, thành phố, nói không với thành tích GDP “ảo”.
Sau GDP “ảo”, hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục chấm dứt sự tồn tại của một số chỉ tiêu “ảo” khác nữa để xây dựng một hệ thống số liệu thống kê phản ánh trung thực, chính xác, đầy đủ và kịp thời nhất về nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, có căn cứ để xây dựng các chiến lược, kế hoạch, đánh giá mức độ thực hiện và đề xuất biện pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cả ở cấp trung ương cũng như cấp địa phương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()