Chắc tay súng, vững tay chèo
"Chắc tay súng, vững tay chèo", dân quân biển huyện Núi Thành (Quảng Nam) luôn gắn việc khai thác nguồn lợi thủy sản kết hợp tích cực với việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Huyện Núi Thành có bờ biển dài 37 km, với năm xã ven biển là: Tam Hòa, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải và Tam Tiến, có hơn 70% số dân làm nghề đánh bắt hải sản. Dân quân biển được xây dựng theo tỷ lệ lao động trên biển, vì vậy, hằng năm, chỉ tiêu xây dựng lực lượng dân quân của các xã này rất lớn. Trước đây, một số chủ phương tiện cũng như lao động đánh bắt hải sản trên biển rất ngại tham gia vào lực lượng dân quân, bởi phải huấn luyện, bị điều động làm các nhiệm vụ đột xuất, ảnh hưởng công việc làm ăn. Hơn nữa, lao động trên từng tàu, thuyền thường xuyên biến động theo thời vụ và hiệu quả đánh bắt hải sản.
Để giải quyết khó khăn trên, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Núi Thành đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành, MTTQ, các đoàn thể, nhất là ở các xã, các thôn, tổ đoàn kết, tổ đánh bắt hải sản trên biển làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các chủ phương tiện về Luật Biển Việt Nam và trách nhiệm của công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 2, tích cực tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và trách nhiệm, quyền lợi của người lao động trên biển.
Lựa chọn các chủ phương tiện làm ăn đạt hiệu quả kinh tế, thuyền viên có thu nhập cao và ổn định đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ban CHQS các xã thường xuyên rà soát tàu, thuyền làm ăn theo tổ, đội để nắm chắc số lượng, chất lượng lao động trên các tàu; tuyển chọn những người có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực để bổ nhiệm các chức danh trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và kết nạp dân quân. Nhờ vậy, những năm qua, huyện Núi Thành luôn hoàn thành chỉ tiêu kết nạp dân quân biển, bảo đảm số lượng, chất lượng và độ tin cậy.
Việc xây dựng lực lượng dân quân biển đã khó, việc tổ chức huấn luyện hằng năm lại càng khó hơn, vì các tàu thường xuyên đánh bắt xa bờ dài ngày, khi mùa biển động thì mới về bến neo đậu. Trong khi đó, chương trình huấn luyện quy định cho dân quân biển hằng năm là 12 ngày, thời gian huấn luyện phải kết thúc trước tháng 8 dương lịch (từ tháng 3 đến tháng 8 đúng vào mùa vụ chính của nghề đánh bắt khai thác thủy sản).
Thượng tá Phan Cách, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Núi Thành cho biết: “Để điều động dân quân biển tham gia huấn luyện, Ban CHQS huyện chỉ đạo phân bổ chỉ tiêu cho từng tàu với phương châm “Có người huấn luyện nhưng tàu vẫn ra khơi đánh bắt hải sản”. Trong đó, khi tàu vào bến, UBND các xã chỉ đạo Ban CHQS xã mời chủ phương tiện, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng dân quân biển về họp, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị và yêu cầu có kế hoạch phân công người tham gia huấn luyện. Đồng thời, bảo đảm cho lực lượng đi huấn luyện vẫn được hưởng ngày công như đang đánh bắt hải sản trên biển. Huyện còn kết hợp mời cán bộ của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 2 huấn luyện phương pháp đấu tranh đẩy, đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển đảo, cùng các phương án bảo vệ, ứng cứu, xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình đánh bắt trên biển.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()