Nguy cơ bị thiên tai rình rập thường xuyên là một trong những lý do mà ba xã Châu Đình, Châu Lộc và Liên Hợp của huyện Quỳ Hợp, Nghệ An được chọn làm nơi triển khai dự án "Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó thiên tai cho cộng đồng vùng cao Việt Nam" do Tổ chức Viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO) tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Pháp (ACTED) và Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế Ca-na-đa (CECI). Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã đạt được những thành công ban đầu.Học sinh Trường tiểu học Châu Lộc chơi ghép tranh với chủ đề phòng, chống thiên tai. ( Ảnh: Copyright 2009 ) Cùng các cán bộ dự án của CECI, chúng tôi tới Trường tiểu học xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp khi trời đã về chiều. Ngay phía cổng trường, rất nhiều phụ huynh, chủ yếu là đi bộ đang chờ đón con tan học. Và không phải về nhà như bình thường, họ chờ để cõng con, đúng hơn là đội con lên vai để vượt qua những...
Nguy cơ bị thiên tai rình rập thường xuyên là một trong những lý do mà ba xã Châu Đình, Châu Lộc và Liên Hợp của huyện Quỳ Hợp, Nghệ An được chọn làm nơi triển khai dự án “Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó thiên tai cho cộng đồng vùng cao Việt Nam” do Tổ chức Viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO) tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Pháp (ACTED) và Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế Ca-na-đa (CECI). Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã đạt được những thành công ban đầu.
Học sinh Trường tiểu học Châu Lộc chơi ghép tranh với chủ đề phòng, chống thiên tai. ( Ảnh: Copyright 2009 )
Cùng các cán bộ dự án của CECI, chúng tôi tới Trường tiểu học xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp khi trời đã về chiều. Ngay phía cổng trường, rất nhiều phụ huynh, chủ yếu là đi bộ đang chờ đón con tan học. Và không phải về nhà như bình thường, họ chờ để cõng con, đúng hơn là đội con lên vai để vượt qua những con suối sâu chảy xiết. Đó là cách duy nhất để một số bà con người Thái tại bản Thịnh nằm bên con suối Nậm Choỏng đưa những đứa trẻ hiếu học đến trường hằng ngày. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ ở xã Châu Đình cũng như nhiều nơi khác ở Quỳ Hợp, đã phải làm quen với địa hình chia cắt và thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Là huyện miền núi với những dãy núi đá xen kẽ đồi đất khá dốc và nhiều khe suối, khi lũ về, địa hình các xã ở Quỳ Hợp thường bị chia cắt. Cũng vì thế, con đường đến với “cái chữ” của con em người Thái thật gian nan. Chị Trương Thị Thoa, người bản Thịnh cho biết, ngày nào cũng vậy, bà con trong bản đều phải lội qua con suối, ít cũng vài ba lần để đưa con đến trường. Vì nhà trường chưa có đủ điều kiện cho các con học bán trú, nên cứ thế, ngày hai buổi, bố mẹ phải cõng con qua suối. Hôm chúng tôi ở đó, nước lên đến ngang ngực người lớn, các chị phải đội con lên vai. Đưa con qua xong, họ phải lội lại để vác xe đạp. Mùa hè đã vậy, nhưng khi mùa đông, trời rét cắt da cắt thịt, không hiểu bà con làm thế nào, chúng tôi băn khoăn hỏi. “Còn biết làm thế nào! Cha mẹ phải làm “cầu” thôi”, một người trả lời. Ước mong của dân bản Thịnh là có một cây cầu để con em họ đỡ khổ. Không riêng gì xã Châu Đình, điều kiện giao thông của các xã Châu Lộc và Liên Hợp của huyện đều rất khó khăn. Nằm trong vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khi có mưa lớn kéo dài, việc đi vào thôn, xã vô cùng khó khăn, vất vả. Những trận lụt lớn làm nhiều xã trong huyện bị cô lập. Chúng tôi đến Quỳ Hợp vào đúng đợt mưa bão. Ngay cả chiếc xe địa hình Land Cruiser cũng bị hỏng lốp sau khi phải “vật lộn” với bốn, năm km cực kỳ khó đi của đường đến Châu Lộc. Còn Liên Hợp thì đành phải chịu thua, không thể vào được.
Kể từ tháng 6-2010, khi bắt đầu thực hiện với sự phối hợp của chính quyền địa phương, dự án của CECI đã nhận được sự hưởng ứng và đồng hành của người dân. Với phương pháp tiếp cận “lấy trẻ em làm trung tâm”, dự án của CECI được thực hiện hiệu quả tại các trường học trên địa bàn ba xã với phương pháp lồng ghép nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai cho học sinh. Đến Trường tiểu học Châu Lộc vào một giờ ngoại khóa, chúng tôi thấy những em nhỏ trong trang phục thổ cẩm của người Thái rất đẹp, đang hăng say chơi các trò như: ghép tranh, ong tìm chữ, vùng đất nguy hiểm. Tâm sự với chúng tôi, cô Cao Thị Nhung, giáo viên tổng phụ trách đội của trường cho biết, đây là những trò chơi các em rất thích. Qua đó, các em nhỏ đã tìm hiểu và nâng cao nhận thức về thiên tai, biến đổi khí hậu. Học sinh ở đây rất hiếu học, nắng hay mưa, các em vẫn tới trường dù có những em phải đi quãng đường dài bốn, năm cây số. Qua các trò chơi, các em đã biết tránh những khu vực nguy hiểm, nhất là khi đi qua các con suối. Còn tại Trường tiểu học Châu Đình, các em học sinh cũng say mê với các trò chơi hỏi – đáp kiến thức về phòng, chống thiên tai.
Một điểm khác biệt của CECI là xây dựng kế hoạch từ người dân, để người dân thảo luận và chủ động lên kế hoạch phòng, chống thiên tai. Các buổi tập huấn cho cán bộ xã và người dân giúp họ nâng cao kiến thức, tự xây dựng tình huống. Một đội ngũ tập huấn viên 24 người đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền tới bà con dân bản. Thành công của các cuộc diễn tập phòng, chống cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm là những hiệu quả ban đầu của dự án. Tại cuộc diễn tập ở xóm Na Tỳ, Châu Lộc, chỉ trong 37 phút, người dân đã di dời toàn bộ tài sản vượt sông ra khỏi địa bàn nguy hiểm. Nhận thấy những cái lợi dự án mang lại, bà con trong các xã đều hăng hái tham gia. Ngay cả chị em phụ nữ, những người vốn phải lo toan thu vén gia đình, cũng rất nhiệt tình với các công việc chung như gánh cát xây dựng kênh, mương. Người dân trực tiếp lên kế hoạch, xây dựng và giám sát nên các công trình được dự án tài trợ đều có chất lượng tốt. Dọc con đường vào các xã Châu Lộc, Châu Đình, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều biển báo nguy hiểm, cột đo mực nước được treo tại các khe suối và những khu vực có nguy cơ cao để mọi người nắm bắt thông tin và chủ động phòng, chống. Cái hay là chính người dân nghe dự báo thời tiết và tự mình đưa ra các cảnh báo để từ đó chủ động phòng ngừa thiên tai. Chỉ cho chúng tôi xem bảng kế hoạch phòng, chống thiên tai do chính bà con thực hiện, anh Lữ Thanh Tùng, đội trưởng xóm Cụt, xã Châu Lộc cho biết, sau khi được CECI tập huấn, bà con đã nâng cao nhận thức về thảm họa thiên tai và biết chủ động lên kế hoạch ứng phó.
Nâng cao kiến thức để chủ động đối phó với thiên tai là thành công bước đầu sau hơn một năm thực hiện của dự án CECI ở các xã Châu Đình, Châu Lộc và Liên Hợp. Dự án của CECI đem lại hiệu quả thiết thực và được đánh giá rất cao, ông Nguyễn Quý Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp chia sẻ. Người dân nơi đây mong muốn mô hình hiệu quả của dự án CECI sẽ được nhân rộng tại nhiều nơi khác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()