Cây Sơn được trồng ở một số địa phương của tỉnh Phú Thọ từ nhiều năm nay và đang là cây xóa đói, giảm nghèo của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch và chưa được chú trọng phát triển nên nhiều năm nay việc trồng loại cây này vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có chỗ đứng vững chắc.
Cây xóa đói, giảm nghèo
Theo số liệu thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 ha cây sơn, trong đó tập trung chủ yếu một số địa phương như Tam Nông (hơn 500 ha), Thanh Sơn (270 ha), Tân Sơn (gần 100 ha), Thanh Thủy (gần 70 ha)… Huyện Tam Nông là địa phương đầu tiên của tỉnh Phú Thọ phát triển trồng cây sơn lấy nhựa.
Sơn là cây công nghiệp dài ngày rất thích hợp với vùng đồi trung du và là cây đem lại giá trị kinh tế cao và cho nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân trong tỉnh. Chính vì vậy mà hiện nay cây sơn không chỉ được trồng tại huyện Tam Nông mà đã được trồng tại nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Gia đình ông Hà Văn Kính và bà Nguyễn Thị Minh ở khu 5 xã Thọ Văn, huyện Tam Nông có khoảng 1.400 cây sơn (gần 1 ha), trong đó có khoảng 1.000 cây đã cho thu hoạch nhựa. Mỗi năm, thu được hơn 300 kg nhựa sơn, bán được hơn 100 triệu đồng.
Ông Kính cho biết, gia đình ông trồng cây sơn được khoảng 10 năm nay. Trước đây nhựa sơn có giá trị thấp nên gia đình cũng không trồng nhiều. Khoảng ba năm trở lại đây, giá nhựa sơn tăng cao, gia đình đã chặt bỏ những loại cây trồng khác kém hiệu quả và chuyển sang trồng cây sơn.
Trồng sơn không vất vả, lại sớm cho thu hoạch (khoảng 2,5 năm bắt đầu khai thác). Từ khi trồng sơn, kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn, nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ cuộc sống sinh hoạt trong gia đình được mua sắm đầy đủ.
Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Văn (Tam Nông) Nguyễn Cao Cường cho biết, đến nay, toàn xã có có hơn 170 ha sơn, trong đó có 150 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 30 tấn; hơn 90% số hộ trong xã trồng sơn, nhà nào nhiều có từ 2 đến 3 ha, nhà ít cũng có năm bảy sào. Từ khi cây sơn phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ hơn 15% xuống còn 9,7%, số hộ khá, giàu tăng nhanh. Từ nay đến năm 2015, toàn xã phấn đấu trồng mới khoảng 100 ha.
Toàn xã Hương Cần có gần 100 hộ trồng cây sơn với diện tích hơn 40 ha, trong đó có khoảng 15 ha sơn đã cho thu hoạch. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, giá trị thu được từ cây sơn đạt hơn 13 tỷ đồng. Hiện nay, xã đang xây dựng Nghị quyết về phát triển cây sơn để có định hướng phát triển rõ ràng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt rồi lại chặt bỏ như một số loại cây khác.
Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Triệu Quang Kết khẳng định, hiện nay, cây sơn đang là cây chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao trên những thửa đồi của huyện và là cây có giá trị kinh tế cao nhất trong các cây lâm nghiệp được trồng từ trước đến nay. Toàn huyện có 11/20 xã trồng sơn với hơn 500 ha, trong đó, có hơn 350 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt từ 130 đến 140 tấn, giá trị đạt hơn 50 tỷ đồng. Hiện nay, nhựa sơn được sử dụng trong nước khoảng 30%, còn 70% xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (chủ yếu theo đường tiểu ngạch). Nhờ trồng cây sơn mà nhiều hộ đã thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương. Phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có từ 600 đến 800 ha sơn và đưa cây sơn là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Phát triển nhưng chưa bền vững
Theo ông Nguyễn Chí Thắng, một cán bộ có nhiều năm nghiên cứu về cây sơn của huyện Tam Nông và là tiến sĩ duy nhất ở Phú Thọ nghiên cứu về sự phát triển của cây sơn cho biết, cây sơn là cây có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng trung du. Vì vậy, từ năm 1980, tính riêng trên địa bàn huyện Tam Nông có khoảng 1.400 ha sơn. Tuy nhiên, do thiếu định hướng phát triển bền vững, chất lượng nhựa không cao, giá thành thấp, đầu ra không có nên chỉ một thời gian ngắn người dân ồ ạt chặt bỏ để trồng các cây lâm nghiệp khác, khiến đất đai ngày càng bạc màu. Cây sơn bắt đầu có giá trị kinh tế từ cuối năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, việc đầu tư trồng sơn chủ yếu vẫn do người dân tự trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ khiến giá sơn rất bấp bênh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp hay một đơn vị nào đứng ra bảo hộ và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy việc các đầu nậu thu mua ép giá là điều khó tránh khỏi, khiến người trồng sơn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người dân trồng sơn cho biết, do tự trồng và tiêu thụ sản phẩm nên khi các thương lái về thu mua nhựa sơn, người dân chỉ biết bán theo giá cả của các thương lái đưa ra.
Thông thường các “đầu nậu” thu mua với giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại thị trường vùng biên giới phía bắc. Như vậy chỉ một hành trình chưa đầy 300 km nhưng giá mua và giá bán đã chênh lệch từ hai đến ba lần.
Ông Triệu Quang Kết cho biết thêm, hiện nay, huyện Tam Nông là địa phương duy nhất trong tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và một số nhà khoa học triển khai đăng ký thương hiệu sản phẩm đặc thù địa lý của nhựa sơn Tam Nông; nghiên cứu giống sơn đầu dòng ưu tú cho năng suất cao, chất lượng cao, giá thành hợp lý; xuất bản các tài liệu hướng dẫn để bà con nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng, chăm sóc và thu hoạch nhựa sơn. Ngoài ra, huyện còn xây dựng hiệp hội những người trồng sơn để đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người nông dân; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài nước thu mua, sơ chế nhựa sơn nâng cao giá trị kinh tế của cây sơn.
Mặc dù cây sơn có giá trị kinh tế cao và gắn bó với người dân nhiều năm nay, nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ thì hiện nay, tỉnh chưa có quy hoạch cụ thể về phát triển cây sơn và cây sơn không phải là cây lâm nghiệp trọng điểm của tỉnh. Vì vậy, việc phát triển cây sơn ở địa phương nào thì do các địa phương đó quy hoạch, nếu thấy hợp lý thì các địa phương xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Như vậy, việc phát triển, xây dựng thương hiệu và tìm hướng đi cho cây sơn ở Phú Thọ còn thiếu bền vững, phụ thuộc rất nhiều vào các “đầu nậu” và thương lái nước ngoài.
Để người dân phát triển cây sơn lâu dài, đặc biệt là tìm được đầu ra ổn định, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Qua đó quảng bá sản phẩm nhựa sơn trên thị trường trong và ngoài nước, tạo cơ hội để cây sơn phát triển bền vững.
Ý kiến ()