tle=”Cây xóa nghèo của nông dân vùng Đồng Tháp Mười”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Thu hoạch khóm tại huyện Tân Phước, Tiền Giang. Ảnh: NHỰT THƯỞNG, HẢI ANH
Gần 20 năm trước, vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang vốn nổi tiếng là vùng đất”khỉ ho, cò gáy” thiếu vắng bóng người, nơi hoang tàn dành cho cỏ năn, cỏ lác. Thế nhưng, từ khi cây khóm (dứa) xuất hiện và mở rộng diện tích đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này, giúp đời sống người dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Cây xóa nghèo
Đến Tân Phước hôm nay như lạc vào”vương quốc” của cây khóm. Đâu đâu cũng là khóm. Từ mênh mông, bạt ngàn những cánh đồng khóm ngút tầm mắt, cho đến ven những trục lộ giao thông liên xã, ấp, người nông dân cũng tận dụng trồng khóm. Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Phước Phạm Văn Hoàng từng nói:”Nếu không có cây khóm thì không thể giữ chân những người nông dân đi khai hoang gắn bó lâu dài với vùng đất trũng Đồng Tháp Mười vốn được mệnh danh là”cái rốn” của lũ, của phèn này được. Cây khóm chính là”cứu tinh” cho bà con thoát đói, xóa nghèo và từng bước vươn lên. Thật vậy, nhìn vào số liệu thống kê việc sản xuất và phát triển cây khóm sẽ thấy rất rõ giá trị của cây khóm đối với người nông dân. Năm 1994 – thành lập huyện, toàn huyện chỉ có 3.500 ha khóm, thì sau hơn mười năm (năm 2005) tăng lên 6.500 ha, năm 2010 là 10 nghìn ha và hiện nay đã lên đến gần 15 nghìn ha, rải đều khắp 11/13 xã, thị trấn, cho tổng sản lượng hằng năm hơn 300 nghìn tấn trái. Như vậy, mỗi năm nông dân nơi đây mạnh dạn khai hoang đất đai trồng khóm bình quân hơn 700 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Quý cho biết:”Những năm đầu thành lập huyện, rất đắn đo, loay hoay với việc tìm ra cây gì thích hợp với vùng phèn và mở hướng phát triển để người dân khai hoang bám trụ lâu dài. Thế rồi qua nghiên cứu, khảo sát duy chỉ có cây khóm là phù hợp nhất nên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mía, lúa… sang khuyến cáo bà con trồng chuyên canh cây khóm. Và từ sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng đã biến vùng đất từng nhiễm phèn nặng trở thành miền đất hứa cho những nông dân có ý chí, cần cù, chịu khó và quyết tâm lập thân, lập nghiệp nơi quê mới.
Giá trị của cây khóm đã rõ, nhưng hành trình của bà con nông dân Đồng Tháp Mười đến với cây khóm thì rất gian truân. Đến tham quan trang trại chuyên trồng khóm của anh Ngô Văn Biền, ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2, mỗi năm anh thu nhập hơn một tỷ đồng mới thấu hiểu những cơ cực vất vả của những người tiên phong đi khai phá đồng hoang. Anh Biền tâm sự: Năm 1990, sau khi xuất ngũ, tôi quyết định đưa vợ con tới vùng đất mới này để lập nghiệp. Vốn là vùng đất hoang hóa lâu năm, lại nhiễm phèn nặng nên điều kiện sống lúc bấy giờ hết sức khắc nghiệt. Nước sinh hoạt thì phải lóng tro để khử phèn. Hồi đó có rất nhiều gia đình đi kinh tế mới đến đây nhưng không chịu nổi đã phải lặng lẽ rời đi. Lúc đầu vợ chồng tôi xới đất trồng khoai mì để chống đói, đồng thời lấy ngắn nuôi dài, rồi chuyển sang trồng mía lại thất bại. Năm 1996, tôi quyết định bỏ cây mía để trồng khóm và lần này đã thành công. Nhờ cây khóm mà gia đình tôi khấm khá đến bây giờ, có cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Cũng đồng cảnh ngộ và thành đạt như tỷ phú Biền, triệu phú trồng khóm Trương Văn Phi, sinh năm 1972, ấp Tân Hưng Phước, xã Tân Hòa Tây cho biết: Quê anh ở Mỹ Phước Tây, Cai Lậy, được khuyến khích đến khai hoang lập nghiệp ở Đồng Tháp Mười, với diện tích đất khai hoang sản xuất ban đầu 3,5 ha. Lúc đầu, anh trồng tràm, bạch đàn nhưng hiệu quả không cao. Sau đó, anh chuyển sang cải tạo trồng lúa. Cây lúa trên vùng đất phèn chi phí lớn, năng suất bấp bênh và thu nhập không đáng là bao, nên anh chuyển hẳn sang trồng khóm. Và chỉ trong vài năm đầu tư cho cây khóm, anh Phi đã cất được ngôi nhà mới khang trang. Không dừng lại, hiện nay anh Phi đã tập trung đầu tư chuyên canh hơn 10 ha khóm, thu nhập bình quân hằng năm đạt doanh thu gần 500 triệu đồng, lãi gần 200 triệu đồng.”Thành quả trên cho thấy vùng đất mới Đồng Tháp Mười còn tiềm năng lớn, nếu biết khai thác đúng và hợp lý sẽ giúp nông dân làm giàu nhanh” – anh Phi nói.
Câu chuyện thoát nghèo, giàu lên từ cây khóm sẽ không tròn trịa nếu không thể kể đến vùng quê Tân Thạnh – một trong những xã khó khăn nhất huyện, nay hầu hết người dân đều khá, giàu, nhà cửa đều tường hóa, ngói hóa. Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Toàn xã có hơn 1.700 ha đất nông nghiệp thì cây khóm chiếm đến 1.690 ha. Bình quân một ha khóm cho năng suất gần 20 tấn, giá khóm những năm qua cơ bản ổn định, người dân thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trong xã còn có năm trang trại của năm hộ ở ấp 1, 3, 5 chuyên canh khóm hơn 10 ha, mỗi năm thu nhập hơn 700 triệu đồng.
Để cây khóm phát triển bền vững
Phó Chủ tịch huyện Tân Phước Nguyễn Thanh Quý cho biết: Ngoài việc xác định là cây kinh tế chủ lực, hiện nay khóm Tân Phước còn được tỉnh chọn là một trong bảy loại trái ngon tập trung đầu tư mở rộng phát triển sản xuất nên nông dân rất phấn khởi. Do đó, để phát triển cây khóm một cách bền vững, những năm qua tỉnh, huyện không ngừng đầu tư hoàn thiện hệ thống ô đê bao khép kín và mạng lưới điện ba pha phục vụ bơm tát, bảo vệ an toàn cho cây khóm mỗi khi lũ về. Đồng thời, liên kết với các viện, trường tập huấn, áp dụng các tiến bộ của khoa học – kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của trái khóm thương phẩm.
Cụ thể, huyện đã thành lập HTX xã Quyết Thắng chuyên trồng khóm chất lượng cao, trong đó có 60 ha tại xã Tân Lập 2, trồng đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Chủ nhiệm HTX Bùi Công Thành bộc bạch: Mặc dù, vùng chuyên canh cây khóm Tân Phước có lợi thế là thị trường tiêu thụ. Ngoài các thương lái đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, tại tỉnh còn có Công ty cổ phần Rau quả Long Định đã hợp đồng với nông dân trong việc trồng và bao tiêu sản phẩm để chế biến nước khóm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hạn chế của trái khóm thời gian qua vẫn là thị trường tiêu thụ chưa ổn định, mùa rộ giá thấp, thất mùa giá cao. Do vậy, để góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông dân, hướng tới HTX cố gắng nhân diện tích khóm Viet GAP lên 100 ha; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để giải quyết vấn đề tiêu thụ khóm của nông dân, nhất là khâu xuất khẩu.
Có thể nói, từ khi cây khóm bén rễ sâu trên vùng đất Đồng Tháp Mười đã góp phần đáng kể trong việc ổn định và nâng cao đời sống người nông dân; đồng thời tạo điều kiện cho người dân ngày càng gắn bó lâu dài với vùng đất nhiễm phèn nặng. Điều này cũng khẳng định sự thành công của quá trình khai hoang, phục hóa vùng Đồng Tháp Mười của Tiền Giang. Điều trăn trở hiện nay của huyện Tân Phước là thiếu nguồn vốn nâng cấp các tuyến ô đê bao bảo vệ khóm thành những ô đê bao vững chắc kết hợp với giao thông trên mặt đê, một mặt bảo vệ an toàn cho diện tích khóm hiện có và đang tiếp tục phát triển mỗi khi có lũ lớn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng khóm đi lại, chuyên chở vật tư nông nghiệp và vận chuyển khóm. Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, cũng cùng chung một loại khóm nhưng giá khóm lại khác nhau, những nơi giao thông thuận tiện thương lái mua giá cao hơn những chỗ giao thông khó khăn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Quý nói.
Theo Nhandan
Ý kiến ()