Cây quýt hồng trên vùng sỏi đá
Ông Trần Thanh Tùng trong vườn quýt hồng trên đỉnh núi Cấm. Ở độ cao 500m (so với mực nước biển) trên ngọn núi Cấm, ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) có một vườn quýt hồng sai trĩu quả. Người liều lĩnh "se duyên" loài cây có múi nổi tiếng "khó tính" trên vùng sỏi đá này là ông Trần Thanh Tùng, một sơn dân cố cựu ở "nóc nhà miền Tây".Lập nghiệp từ... năm cây quýt "cỏ"Ở núi Cấm bây giờ không ai còn lạ gì với vườn quýt hồng "độc nhất, vô nhị" của ông Trần Thanh Tùng. Nhiều người nhìn vào khu vườn quýt rộng gần sáu ha sai trĩu quả trầm trồ, khen chủ nhân không ngớt tiếng. Nhưng ít người biết rằng, để có được quả ngọt hôm nay, bản thân ông Tùng và gia đình đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Nhất là khó ai tin, cả vườn quýt trải rộng khắp các triền núi, ngọn đồi bây giờ chỉ bắt đầu từ... năm cây quýt "cỏ" (quýt tự mọc hoang - PV). Nhưng bây giờ, năm cây quýt "cỏ" ấy đã trở thành...
Ông Trần Thanh Tùng trong vườn quýt hồng trên đỉnh núi Cấm. |
Lập nghiệp từ… năm cây quýt “cỏ”
Ở núi Cấm bây giờ không ai còn lạ gì với vườn quýt hồng “độc nhất, vô nhị” của ông Trần Thanh Tùng. Nhiều người nhìn vào khu vườn quýt rộng gần sáu ha sai trĩu quả trầm trồ, khen chủ nhân không ngớt tiếng. Nhưng ít người biết rằng, để có được quả ngọt hôm nay, bản thân ông Tùng và gia đình đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Nhất là khó ai tin, cả vườn quýt trải rộng khắp các triền núi, ngọn đồi bây giờ chỉ bắt đầu từ… năm cây quýt “cỏ” (quýt tự mọc hoang – PV). Nhưng bây giờ, năm cây quýt “cỏ” ấy đã trở thành quýt “tổ”, được ông Tùng chăm sóc đặc biệt ở ngay phía sau nhà. Hằng năm, mỗi cây quýt “tổ” cho năng suất gấp hai lần những cây bình thường khác.
Bên tách trà giữa bốn bề gió lộng, ông Tùng đưa tôi miên man trở về những ngày đầu sau giải phóng. Khi đó, vùng núi Cấm còn rất thưa thớt dấu chân người. Trong những năm chiến tranh, ngọn núi này là một trong những nơi bị địch càn quét, bắn phá ác liệt. Núi đá bị bom đạn cày xới. Cho nên, người dân trên núi đều phải xuống đồng bằng lánh nạn. Gia đình ông cũng vậy. Sau khi vừa ngơi tiếng súng, ông lại đùm túm vợ con trở lên núi để giữ gìn đất đai và mồ mả ông bà. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống trên núi Cấm vẫn còn hết sức khó khăn. Cả khu đất núi rừng rộng lớn chỉ toàn là cây tạp không có giá trị kinh tế. Bởi khắp nơi toàn sỏi đá, cây trồng lại thiếu nước tưới tiêu. Thậm chí nước sinh hoạt của con người cũng là điều nan giải. Đầu những năm 90, phong trào trồng su hào phát triển mạnh trên núi Cấm. Ông Tùng cũng tham gia cải tạo vườn tạp để trồng su hào. Những năm đầu, lợi nhuận từ su hào đem lại cũng kha khá. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, khi mọi người đổ xô trồng su hào, khắp nơi trên núi Cấm đều là những cánh “rừng su” cho nên gặp cảnh ế hàng, dội chợ. Su hào cũng sớm bị “khai tử” ở vùng núi đá này. Vậy là đêm đêm ông Tùng lại thức trắng để tìm kế sinh nhai. Trong lúc lang thang trong khu vườn phía sau nhà, tình cờ ông phát hiện có năm cây quýt mọc len lỏi giữa những kẽ đá, mà cho quả đỏ rực, sai oằn. Thuận tay, ông hái một quả, bóc vỏ, tách từng múi ăn vào ngọt lịm. Ông hết sức bất ngờ và nhận ra có thể loài cây có múi này thích hợp với vùng sỏi đá. Một ý tưởng táo bạo lóe sáng trong đầu. Ông quẩy quả trở vào nhà với niềm vui khôn tả và kế hoạch “làm ăn” nhen nhóm lên từ… năm cây quýt.
Gian nan mười năm làm “thủy lợi” vùng cao
Thấy chồng cười tươi rói, vợ ông ngạc nhiên hỏi “chắc ông bắt được vàng sao vui vậy?”. Ông Tùng đáp tỉnh queo: “Đúng là bắt được vàng”. Rồi ông dẫn vợ ra phía sau vườn xem năm cây quýt lạ. Lúc này, bà mới chợt nhớ, trong dịp Tết hồi hai năm trước, bà có mua một quả quýt hồng về trưng bàn thờ cúng ông bà. Sau Tết, quả quýt bị thối gần phân nửa nên bà mang ra phía sau vườn vứt bỏ. “Không ngờ, năm cây quýt này lại mọc lên từ quả quýt thối đó”, vợ ông quả quyết. Ông Tùng bàn bạc với vợ con thử chiết cành, nhân giống từ năm cây quýt để trồng thử trên phần đất vườn nhà. Nghĩ là làm, vợ chồng ông cùng với các con tham gia chiết cành, bó nhánh. Năm sau đã có được 50 cây quýt giống. Rồi năm tiếp theo tăng lên 150 cây. Chỉ ba năm sau, những cây quýt trong vườn đã bắt đầu cho quả. “Thiệt, vợ chồng tui hết sức phấn khởi. Năm đầu tiên thu hoạch đã bán được hơn 60 triệu đồng. Có nằm mơ tui cũng không dám nghĩ đến cảnh đó”, ông Tùng thổ lộ.
Thấy hiệu quả kinh tế từ cây quýt rất lớn, ông Tùng quyết định mở rộng diện tích. Thế nhưng, đặc điểm của vùng núi Cấm là “hạn bà chằn” thiếu nước suốt sáu tháng mùa khô, cho nên để có đủ nước tưới tiêu là cả một vấn đề. Dẫu biết là khó khăn, gian khổ lắm nhưng ông vẫn không từ bỏ ý định. Ông Tùng động viên vợ con cùng tham gia lao động. Ngày ngày, ông cùng hai người con trai lực lưỡng đi khắp các ngọn đồi, con suối để “khai thác nước” từ các khe, ghềnh đá. Thế nhưng, những con suối trên núi Cấm chỉ có đủ nước vào mùa mưa và chỉ cung cấp cho những nơi thấp hơn nó. Còn vạt đất trong khu vườn của ông Tùng thì nơi thấp nhất cũng gần 400 m, nơi cao thì ở độ dốc 500 m, cao hơn cả suối Thanh Long trên ngọn núi này. Để thực hiện quyết tâm làm giàu từ cây quýt, gia đình ông Tùng với bảy nhân khẩu đã bỏ gần chục năm dài cải tạo đất và làm “thủy lợi” vùng cao. Nhớ lại hành trình chinh phục sỏi đá vô cùng gian khổ tìm nguồn nước để cây quýt hồng bén duyên trên vùng sỏi đá, ông Tùng bảo: “Gian nan không thể tính hết, cực khổ không thể nào đếm được. Sống trong cái khó buộc phải ló cái khôn. Tui nghĩ đến chuyện khoan giếng để trữ nước tưới tiêu. Nhưng nước ngầm nơi có, nơi không. Mà không có cũng phải thử”. Cha con ông Tùng bắt tay vào việc đào giếng trữ nước mưa. Để hiện thực hóa mô hình trồng quýt hồng trên núi đá, hai người con trai cùng ông Tùng lao vào làm việc cật lực. “Công trình đào giếng trữ nước mất gần chục năm, khó khăn đến nỗi nhiều lần các con tui định bỏ cuộc. Tui lại động viên cố gắng vượt qua. Cứ mỗi nhát leng, nhát cuốc đào xuống là trúng ngay phải đá, phải sỏi. Dẫu bền gan vững chí nhưng sức người mà, cũng có lúc phải mệt và tụi nhỏ tính chuyện… “đầu hàng”. Bao năm dài đào núi, phá đá xây hồ, những bàn tay lao động cần mẫn của cha con tui cũng trở nên chai sạn. Đổi lại, hai công trình hồ treo, mỗi hồ chứa hàng chục mét khối nước của gia đình tui đã hoàn thành. Cả nhà hân hoan bắt tay vào lao động sản xuất”, ông Tùng bộc bạch.
Quả ngọt trên vùng sỏi đá
Có nước tưới tiêu, ông Tùng lại tiếp tục mở rộng diện tích vườn quýt hồng. Đến năm 2005, khi công trình “thủy lợi” vùng cao của ông hoàn thành, thì số lượng quýt trong vườn nhà ông đã lên đến 1.500 cây, trong đó 500 cây đã cho thu hoạch. Tiền lời kiếm được trung bình từ 100 triệu đồng/năm và liên tục tăng cao vào năm tiếp theo. Đến năm 2008, khi 1.500 cây quýt hồng phủ vàng các đồi trọc, dốc đá dựng thì hầu như các nơi đều biết đến vườn quýt độc đáo ở “nóc nhà miền Tây” này. Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng Ban kinh tế (Hội Nông dân tỉnh An Giang) cho biết: Năm 2008-2009, Hội Nông dân huyện Tịnh Biên đánh giá đây là vườn quýt kiểu mẫu đầu tiên và chọn làm mô hình điểm nhân rộng trên núi Cấm và toàn huyện. Từ một nông dân với hai bàn tay trắng, ông Tùng đã vươn lên làm giàu từ cây quýt hồng trên vùng sỏi đá. Hiện nay ông Tùng còn nhân giống, chiết cành bán cho người dân có nhu cầu. Ông còn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật trồng loài cây có múi này. Nếu nhân rộng được mô hình kinh tế hiệu quả này, người dân núi Cấm và cả huyện Tịnh Biên sẽ có thêm cơ hội đổi đời. Ông Trần Thanh Tùng cũng vinh dự đạt được danh hiệu “nông dân sản xuất giỏi” cùng thời gian này.
Đưa chúng tôi tham quan khu vườn quýt rộng sáu ha sai trái, ông Tùng bảo, chỉ cần bền gan vững chí và có nhiệt huyết lao động thì sỏi đá cũng thành cơm. Bằng chứng sống động là “quả ngọt” hôm nay gia đình ông đang hưởng lợi. Ông Tùng nhẩm tính những con số: “60 công quýt này, mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 40 tấn trái, bỏ hết chi phí cũng lời ngót gần 500 triệu đồng”. Len lỏi giữa cánh “rừng quýt hồng” no trái tôi thật sự choáng ngợp và thán phục tinh thần lao động miệt mài của ông và các thành viên trong gia đình. Chọn một tảng đá cao, tôi phóng tầm mắt ra chung quanh, khắp nơi đều phủ một mầu xanh của cây lá và một mầu vàng rợm của quýt đang cho trái. Quả là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp dành tặng cho những người nông dân lao động cần cù, sáng tạo, biến khó khăn, thử thách thành quả ngọt cho đời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()