Cây quế Tràng Định: Cần thuốc đặc trị bệnh vàng lá, thối rễ
(LSO) – Hiện nay, trên cây quế một số xã của huyện Tràng Định bị bệnh vàng lá, thối rễ. Đặc biệt, cây bị bệnh chưa có thuốc đặc trị, nên những cây nhiễm bệnh sẽ bị chết, tỉ lệ cây nhiễm ngày càng tăng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình ông La Văn Đường, thôn Pà Dào, xã Kim Đồng phải chặt bỏ trên 100 cây quế bị bệnh. Theo ông Đường, trong số hơn 100 cây quế bị chặt bỏ thì có khoảng 30 cây chết khô, không được thu hoạch vỏ. Còn lại gần 100 cây được ông Đường phát hiện khi cây mới bị bệnh, nên ông chặt bỏ và thu được một phần vỏ cây. Xảy ra sự việc trên là do cây quế bị một loại bệnh gây hại, phần rễ của cây bị thối nhũn, khiến cây không hút được chất dinh dưỡng bị khô và chết.
Người dân xã Kim Đồng kiểm tra mầm bệnh trên cây quế
Ông Đường cho biết: Khi phát hiện cây bị bệnh, tôi đã dùng vôi bột, một số loại thuốc hóa học để phun nhưng không có hiệu quả, cây vẫn bị chết. Cây bị bệnh và chết như trên tôi phát hiện lần đầu vào cuối năm 2018, lúc đó chỉ có từ 3 cây đến 5 cây bị chết nên tôi không chú ý theo dõi, chữa trị. Đến năm 2019, số cây bị bệnh tăng lên trên 150 cây, các cây bị bệnh rải rác thành từng khóm ở từng khu rừng trồng, những cây bị bệnh lây lan sang cây xung quanh. Từ đầu năm 2020 đến nay, cây quế tiếp tục bị bệnh và chết. Tôi đã báo cáo với UBND xã và đã có đoàn làm việc của cơ quan chuyên môn về khảo sát, nhưng đến nay chưa có thông tin về các biện pháp khắc phục.
Tại khu rừng quế của ông La Văn Cường – người dân cùng thôn ông Đường cũng có hiện tượng cây quế bị bệnh như trên. Theo ông Cường, gia đình ông có khoảng 3 ha quế, từ năm 2018 đến 2019 xuất hiện tình trạng cây quế bị thối rễ khiến cây bị khô và chết. Năm 2018 bị lác đác vài ba cây, năm 2019 tăng dần lên gần 100 cây, từ đầu năm 2020 đến nay có khoảng 30 cây bị chết khô.
Ông Cường cho biết: Tôi đã dùng nhiều loại thuốc hóa học để phun nhưng không chữa được, những cây bị bệnh đều sẽ bị khô và chết do bộ rễ của cây bị thối nhũn. Nếu cứ tình trạng này, thì một vài năm nữa bệnh sẽ lây lan, chết cả rừng quế.
Toàn xã Kim Đồng hiện có trên 500 ha cây quế được trồng ở 12/12 thôn. Tình trạng cây quế bị bệnh và chết như trên xảy ra ở các thôn. Theo ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã, số cây nhiễm bệnh và chết ngày càng tăng và chưa có biện pháp khắc phục. Hiện xã chỉ đạo các thôn tuyên truyền người dân kiểm tra rừng thường xuyên để phát hiện và chặt bỏ cây bị bệnh, tránh lây nhiễm sang cây khác.
Tại xã Đoàn Kết, tình trạng trên cũng xảy ra rải rác ở các thôn. Ông Hoàng Thanh Đạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện tượng cây bị thối rễ và chết xảy ra khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy số lượng cây bị bệnh và chết chỉ xảy ra lác đác ở các thôn, xong tỉ lệ nhiễm bệnh có xu hướng tăng dần và cũng chưa có thuốc đặc trị. Hiện toàn xã có trên 700 ha quế, đây là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã.
Theo người dân trồng quế, hiện tượng cây bị bệnh xuất hiện các triệu chứng như: lá cây bị vàng cả phiến lá và gân lá, lúc đầu có thể vàng một vài nhánh sau đó lan sang toàn cây; bộ rễ cây bị thối từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn, rễ bị thối có màu nâu vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái, rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây, từ đó làm cành bị chết khô. Khi bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và chết, cuối cùng là chết toàn cây.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Hiện tượng cây bị bệnh như trên được xác định là bệnh vàng lá, thối rễ, xảy ra ở 3 xã: Kim Đồng, Đoàn Kết, Cao Minh. Nguyên nhân do nấm gây nên, hiện tượng bệnh trên xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện nay, trung tâm ra văn bản gửi các xã khuyến cáo người dân biện pháp phòng trừ như: thường xuyên kiểm tra vườn rừng loại bỏ những cây bệnh nặng, không có khả năng phục hồi đem tiêu hủy hoặc khai thác ngay những cây bị bệnh nặng; tiến hành xử lý đất trước khi trồng cây mới. Khi phát hiện cây mới chớm bệnh tưới phun thuốc có hoạt chất Mancozeb Metalaxyl hoặc Cholorothalonil, hoặc Copper Oxycholoride. (Asmiltatop Super 400SC, Vidoc 30WP, Zimvil 720 WP).
Hiện toàn huyện Tràng Định có trên 3.400 ha quế, được trồng chủ yếu ở các xã phía tây của huyện như: Kim Đồng, Tân Tiến, Đoàn Kết, Cao Minh, Khánh Long, Tân Yên. Tình trạng bệnh như trên xảy ra từ năm 2018, lúc đầu xảy ra nhỏ lẻ ở vài ba cây nên người dân không chú ý nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh đã lây lan với tỉ lệ cây nhiễm ngày càng nhiều, một số hộ có trên 100 cây bị bệnh, chết. Đặc biệt, hiện chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, hơn bao giờ hết, người dân trồng quế mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm nghiên cứu khắc phục tình trạng trên, tránh bệnh phát triển rộng thành dịch, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Ý kiến ()