Cấy lúa "một tép" ở Tiểu Cần
Nông dân Trà Vinh cấy lúa theo phương pháp cấy "một tép". Cấy lúa là việc làm chẳng mấy xa lạ đối với nhiều nông dân trước kia. Nhưng từ khi chuyển sang gieo sạ các giống lúa ngắn ngày để tăng vụ, phương pháp cấy lúa truyền thống dần dần còn rất ít người thực hiện.Vụ đông xuân (2010 - 2011), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Trà Vinh thí điểm mô hình cấy lúa "một tép" ở một số nơi trên địa bàn huyện Tiểu Cần, đây cũng là phương pháp cấy như xưa, nhưng về cách làm có phần sáng tạo hơn.Phương pháp cấy lúa theo tập quán canh tác cũ của bà con nông dân thường là cấy những giống lúa mùa và cấy thưa, cho nên năng suất thu hoạch không cao. Các giống lúa được chọn cấy thường có thời gian sinh trưởng từ 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch cho nên thời gian chăm sóc và sâu bệnh tiến công cây lúa cũng nhiều hơn. Những năm gần đây tình hình dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện ngày càng...
|
Vụ đông xuân (2010 – 2011), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Trà Vinh thí điểm mô hình cấy lúa “một tép” ở một số nơi trên địa bàn huyện Tiểu Cần, đây cũng là phương pháp cấy như xưa, nhưng về cách làm có phần sáng tạo hơn.
Phương pháp cấy lúa theo tập quán canh tác cũ của bà con nông dân thường là cấy những giống lúa mùa và cấy thưa, cho nên năng suất thu hoạch không cao. Các giống lúa được chọn cấy thường có thời gian sinh trưởng từ 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch cho nên thời gian chăm sóc và sâu bệnh tiến công cây lúa cũng nhiều hơn. Những năm gần đây tình hình dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá xuất hiện ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương, nên phương pháp cấy lúa mùa không còn được ngành nông nghiệp khuyến cáo thực hiện. Riêng phương pháp cấy mà Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh thực hiện thí điểm ở đây có phần khác hơn: đó là cấy theo hình thức “một tép”; đồng thời sử dụng các giống lúa ngắn ngày và kết hợp áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhằm chọn tạo ra những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương để tiếp tục nhân ra diện rộng.
Mô hình này thời gian qua cũng đã được chi cục thực hiện ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhiều nhất là ở huyện Châu Thành và đã được nhiều bà con nông dân làm theo đạt hiệu quả. Gia đình anh Thạch Song, một trong những hộ nông dân ở ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, có bảy công đất ruộng. Hơn ba năm nay, anh áp dụng mô hình cấy lúa “một tép”, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch 30 giạ/công (hơn 6 tấn/ha). Lần này, anh cùng một số nông dân khác được chi cục thuê công để sang cấy lúa ở mô hình của xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần nhằm hướng dẫn phương pháp cấy cho bà con nông dân ở đây. Mỗi công cấy có giá thành 300.000 đồng. Anh Song so sánh: Phương pháp cấy lúa này tuy có hơi tốn công một chút nhưng năng suất thì cao hơn sạ lan, lúa trổ bông dài, hạt chắc hơn. Lúa bó ít, nhưng hạt lại nhiều hơn. Phân bón nhẹ hơn sạ lan và xịt thuốc cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa cấy lúa thưa, nên xịt thuốc được tới gốc, hiệu quả diệt trừ sâu bệnh sẽ cao hơn.
Nói về mục đích thực hiện mô hình cấy lúa “một tép”, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh, Nguyễn Thị Lùng cho biết: “Vì trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nước mặn có thể xâm nhập sâu vào nội đồng. Do đó chúng tôi muốn có bộ giống tốt để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con trong thời gian tới. Mô hình này vừa nhân giống, vừa thử mức độ chịu mặn của những giống nói trên. Nếu thành công thì chúng tôi sẽ nhân ra diện rộng”.
Mô hình cấy lúa “một tép” ở huyện Tiểu Cần được thực hiện trên tổngdiện tích 25,5 ha với mười bộ giống gồm: OM 5954; OMCS 2009; OM 5629; OM 6976; OM 3995; OM 7347; OM 7364; OM 6916; MNR5 và BN. Để đánh giá tính thích nghi của các bộ giống trên, mô hình được triển khai thực hiện ở ba điểm trình diễn, thuộc ba địa bàn khác nhau gồm: xã Phú Cần 10 ha, xã Tân Hùng 12 ha và thị trấn Tiểu Cần 3,5 ha. Phương pháp thực hiện mô hình là mạ được gieo trên nền bằng phân chuồng và mùn dừa. Sau khi gieo mạ được mười ngày thì đưa ra ruộng để cấy. Nhằm đáp ứng đủ mạ cấy cho 1.000 m2 đất thì cần phải gieo khoảng 7 kg giống. Một trong những nông dân tham gia mô hình ở ấp Bà Ép, xã Phú Cần là ông Cao Văn Trường. Lần đầu thực hiện cấy theo hình thức này, ông cho biết lý do của việc tham gia mô hình cấy lúa “một tép” như sau: Thấy ở một số địa phương khác người ta làm có hiệu quả nên mình học hỏi để làm thử. Ưu điểm của việc cấy là diệt được cỏ dại, tránh được việc ốc bươu vàng cắn phá cây lúa non. Để cấy thì đất phải được làm kỹ, trục, trạc, đánh đường nước, bón lót trước vài ngày, sau đó thì xịt thuốc diệt mầm cỏ dại…
Nếu cách làm này thành công thì cùng với phương pháp sạ hàng đã được nhiều bà con nông dân áp dụng khá phổ biến trong thời gian qua, sẽ mở ra thêm một phương pháp mới trong việc canh tác lúa hiện nay. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình, trước khi cấy lúa, bà con cần thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, đánh rãnh thoát nước và diệt mầm cỏ dại phải thật kỹ, tương tự như chuẩn bị đất để sạ hàng. Đồng chí Nguyễn Thị Lùng cho biết thêm: “Để làm được mô hình này, bà con nông dân phải hợp tác với chúng tôi thì mới làm được. Còn làm đất thì theo quy trình thống nhất làm đất giữa đợt 1 và đợt 2 cách nhau 15 ngày. Và trước khi cấy phải rải phân xong mới tiến hành cấy. Cấy xong, bốn ngày sau rải phân lần nữa”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần Nguyễn Văn Tây nhấn mạnh: Nếu mô hình thành công, đối với địa phương sẽ còn có thêm ý nghĩa nữa đó là một cách nhằm phòng, chống có hiệu quả rầy nâu và hạn chế bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá. Nếu có kết quả sẽ nhân rộng ra toàn xã.
Trong những năm qua, nông dân Trà Vinh đã từng biết đến sự thành công của mô hình áp dụng phương pháp sạ hàng và có sự “liên kết bốn nhà” để sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao được thực hiện ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần. Đây là mô hình điểm của địa phương để nông dân học hỏi rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Nếu như mô hình cấy lúa “một tép” tiếp tục thành công thì từ năm 2011 trở đi, bà con nông dân trên địa bàn còn được học hỏi thêm cách làm mới, nhất là trong việc sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, nhằm tăng thu nhập và lợi nhuận cho bà con nông dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()