Cây lúa, hạt gạo ở huyện nghèo Cát Tiên
Nói đến Cát Tiên (Lâm Đồng), trước hết là nhắc đến một vùng sâu, xếp loại nghèo nhất tỉnh, một vùng rốn lũ với bao khó nhọc khi mùa nước thượng nguồn Đồng Nai đổ về. Chạy lũ quen đến mức mà người dân nơi đây năm nào không thấy lũ về thì... nhớ. Gian nan là thế, nhưng Cát Tiên vẫn sống chung với lũ, mưu sinh trong lũ và làm giàu từ lũ. Nhiều năm gần đây cây lúa Cát Tiên đã làm thay đổi cuộc sống nông dân.Lúa, gạo có 'Thương hiệu'Làm gì để cây lúa Cát Tiên 'lên hương', từ lâu đã là đề tài nóng trên các bàn hội nghị của huyện, của tỉnh. Còn nhớ, cách đây bốn năm, khi về Cát Tiên 'đón lũ', đồng chí Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy đã đặt vấn đề một cách tâm huyết: 'Người dân huyện tôi sống giữa vùng lúa, lúa phải vượt mình lớn lên trong nước lũ. Nếu không biết nâng tầm cây lúa, hạt gạo lên thì khó lòng mà làm cho đời sống khá lên. Cây lúa, hạt gạo Cát Tiên phải được xây dựng thương hiệu. Anh hãy...
Lúa, gạo có 'Thương hiệu'
Làm gì để cây lúa Cát Tiên 'lên hương', từ lâu đã là đề tài nóng trên các bàn hội nghị của huyện, của tỉnh. Còn nhớ, cách đây bốn năm, khi về Cát Tiên 'đón lũ', đồng chí Huỳnh Văn Đẩu – Bí thư Huyện ủy đã đặt vấn đề một cách tâm huyết: 'Người dân huyện tôi sống giữa vùng lúa, lúa phải vượt mình lớn lên trong nước lũ. Nếu không biết nâng tầm cây lúa, hạt gạo lên thì khó lòng mà làm cho đời sống khá lên. Cây lúa, hạt gạo Cát Tiên phải được xây dựng thương hiệu. Anh hãy coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân Cát Tiên…'.
Những tưởng câu chuyện mà Bí thư Huyện ủy Cát Tiên nói cách đây mấy năm cũng chỉ là 'định hướng lâu dài'. Hóa ra, trong mấy năm qua, được sự trợ giúp của tỉnh, của Trung ương, Cát Tiên đã bền bỉ trong việc xây dựng thương hiệu lúa, gạo và giờ đây 'việc lớn' trở thành hiện thực. Đồng chí Ngô Xuân Hiển – Chủ tịch UBND huyện, nói: 'Ngày 4-3 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể 'Lúa – Gạo Cát Tiên'. Nhãn hiệu này được đăng ký với cả hai chủng loại sản phẩm là lúa và gạo chất lượng cao. Khi thương hiệu được công bố, là dịp để sản phẩm lúa, gạo Cát Tiên tham gia vào thị trường và định vị được sản phẩm. Đây tạm coi là một bước đi đầu tiên để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, tiếp tục bền bỉ hành trình cùng cây lúa…'.
Thực ra, để có được 'thương hiệu' cho cây lúa, hạt gạo như ngày hôm nay, huyện Cát Tiên với định hướng của tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực, bền bỉ trong nhiều năm qua. Với 11.565 ha đất nông nghiệp mà lúa là cây trồng chính và có ưu thế cạnh tranh cao, để phát huy ưu thế này, Cát Tiên đã được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như trạm bơm Phước Cát, trạm bơm Phù Mỹ, hồ Đắk Lô, hồ Phước Trung và các chương trình chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển đổi mùa vụ, phòng trừ dịch hại…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Đào Duy Mai cho biết, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao của Cát Tiên đã và đang được thực hiện theo hướng đưa sản xuất lúa vụ đông xuân thành vụ sản xuất chính, chuyển đổi cơ cấu giống và từng bước tiến tới sản xuất lúa giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, thâm nhập thị trường lương thực và chủ động nguồn lúa giống tại chỗ. Từ định hướng này, nếu vụ đông xuân năm 2006, Cát Tiên mới có 2.299,8 ha lúa, chiếm 32,31% tổng diện tích lúa và 28,6% tổng sản lượng lúa cả năm của huyện, thì đến năm 2010, đã lên tới 3.829 ha, chiếm 45,06% về diện tích và 51,96% về tổng sản lượng cả năm. Việc chuyển vụ lúa đông xuân thành vụ sản xuất chính còn giúp Cát Tiên hạn chế được tối đa thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp hằng năm do mưa lũ. Gắn với chuyển đổi mùa vụ, ngành NN và PTNT huyện đã cùng chính quyền các cấp vận động và tổ chức cho nông dân áp dụng thành công các biện pháp thâm canh tăng năng suất lúa như chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với điều kiện canh tác của từng khu vực, triển khai kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (Chương trình IPM). Nhờ áp dụng các biện pháp này, so năm 2006, hiện nay diện tích lúa chất lượng cao ở Cát Tiên đã tăng từ 2.700 ha lên 5.509 ha, năng suất lúa tăng từ 42,8 tạ/ha lên 55,3 tạ/ha; sản lượng lúa chất lượng cao hiện đã chiếm tỷ trọng 65,31% trong tổng sản lượng 46.646 tấn lương thực của địa phương…
Sản xuất lúa giống chất lượng cao để thỏa mãn nhu cầu giống lúa tại chỗ và tham gia thị trường giống lúa trong và ngoài tỉnh đang là bước đi tiếp theo của ngành nông nghiệp Cát Tiên. Năm 2006, được sự giúp đỡ của Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lâm Đồng, Phòng NN và PTNT Cát Tiên bắt đầu triển khai sản xuất lúa giống chất lượng cao, với diện tích 35 ha, theo tiêu chuẩn lúa giống của Bộ NN và PTNT. Nhờ nhu cầu nguồn giống để phát triển sản xuất của nông dân địa phương và các huyện lân cận khá cao, và lúa giống có chất lượng, nên diện tích sản xuất lúa giống của Cát Tiên hiện đã lên tới 300 ha với sản lượng 1.800 tấn. Để có lúa giống hàng hóa và xâm nhập thị trường giống cây trồng, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng nhiều mô hình nhóm hộ chuyên sản xuất lúa giống. Năm nay, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xã Phù Mỹ gồm 10 hộ nông dân có ruộng liền kề, có khả năng tiếp thu tiến bộ KHKT nông nghiệp… đã sản xuất được khoảng 30 tấn lúa giống; với quy trình khép kín từ khâu giống – canh tác – thu hoạch – bao bì – tiêu thụ. Ông Đào Duy Mai cung cấp: 'Huyện đã có chủ trương thành lập thêm nhiều mô hình nhóm hộ sản xuất lúa giống ở các xã trọng điểm lúa, cùng với Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lâm Đồng đẩy nhanh hơn việc đưa lúa giống hàng hóa của Cát Tiên xâm nhập thị trường các tỉnh miền trung và Nam Bộ. Do năng suất và chất lượng lúa thương phẩm cũng như lúa giống đã được thị trường thừa nhận, hiện tại giá lúa chất lượng cao thương phẩm tiêu thụ tại địa bàn đã cao hơn lúa thường 30%; và nếu lúa giống bán thô được 6.000 đồng/kg, thì lúa giống đóng bao bì bán được hơn 8.000 đồng/kg. Mỗi năm Cát Tiên cần phải có khoảng 1.000 tấn lúa giống có thương hiệu được đóng bao bì sau khi kiểm định chất lượng, vì vậy hướng đi của Chương trình sản xuất lúa giống chất lượng cao mà huyện đang triển khai là rất lạc quan…'. Cát Tiên cũng đang tổ chức canh tác thí điểm một số vùng lúa đặc sản. Trong đó, sẽ chọn giống lúa Huyết Rồng nhập từ Nhật Bản mang giá trị dược liệu rất cao, với giá thị trường hiện nay là 50.000 đồng/kg và nếp Guýt của đồng bào Tày mang vào từ Tây Bắc có giá 11.000 đồng/kg làm hai loại chủ lực. Hướng tới, tất cả các chủng loại lúa, gạo đều sản xuất theo quy trình VietGAP, như thế mới giữ vững và phát huy được thương hiệu…
Khát vọng của nông dân
Được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi tìm đến những gia đình có bề dày canh tác lúa tại Cát Tiên. Một trong những số đó là hộ ông Phạm Trung Thành ở xã Gia Viễn, 62 tuổi (quê Ninh Bình, vào lập nghiệp năm 1986), một hộ nông dân chuyên trồng lúa giống. Ông Thành cho biết: 'Gia đình tôi canh tác hơn ba ha lúa, riêng vụ đông xuân vừa qua tôi thu hoạch được 18 tấn lúa giống và hơn bốn tấn gạo ăn'. Lúa giống có giá 9.000 đồng/kg, gạo khoảng 15.000 đến 16.000 đồng/kg. Về trồng lúa giống, ông Thành kể: 'Tôi cùng một số anh em có ruộng liền kề nhau tự lập tổ hợp tác, ban đầu có 25 người, với diện tích khoảng 20 ha. Tôi hỗ trợ anh em, bà con thóc giống, máy móc, vốn và phương pháp canh tác, nhưng phải cam kết đồng lòng với nhau làm thóc giống đúng chuẩn để cung cấp cho bà con theo kế hoạch của huyện'. Vào năm 2007, được Phòng NN và PTNT hỗ trợ 150 triệu đồng, anh em trong tổ đóng góp 100 triệu đồng, ông Thành tổ chức huy động công sức bà con cùng đắp đập, làm cống dẫn nước tưới cho cánh đồng rộng 30 ha, con đập ấy bây giờ có tên là đập ông Thành. Nhìn những bao thóc giống mang 'thương hiệu Cát Tiên' tại nhà ông Thành và câu chuyện đầy phấn khích của ông về cánh đồng 'hợp tác tự nguyện' cùng với tổ hợp tác được hình thành từ chính quyền lợi thiết thực của bà con nông dân, tôi nghĩ chắc chắn mô hình này sẽ được nhân rộng trong nay mai trên địa bàn toàn huyện…
Và chắc chắn, hình ảnh cây lúa và hạt gạo Cát Tiên còn vươn xa hơn nữa. Tôi đã cảm nhận điều đó trong lời nói, việc làm và ánh mắt của lão nông Phạm Trung Thành và những người nông dân trong tổ hợp tác của ông, từ những cánh đồng bát ngát, những sân phơi sau mùa thu hoạch, những chuyến xe chở lúa và cả những đại lý bán lúa gạo bên đường. Người Cát Tiên, người huyện lúa trên vùng núi rừng Tây Nguyên ít lúa đang có chung niềm tự hào và hơn nữa là ý thức bảo vệ và phát triển 'thương hiệu lúa, gạo'. Từ những trải nghiệm trên đường mà hiểu ra rằng, chuyện cây lúa, hạt gạo Cát Tiên là chuyện tìm cách làm hay ngay trên vùng đất khó. Dân nghèo, huyện mới, năm nào cũng ngập lũ tràn về. Nếu không chọn cây lúa và nâng tầm giá trị hạt gạo, thì Cát Tiên thật khó tìm sức bật cho chính mình. Sự nỗ lực bền bỉ đã bước đầu thành công, dù phía trước còn nhiều gian khó. Trên những cánh đồng mênh mông lúa của những xã mang tên quê cũ của người dân rời xứ đến lập cư nơi đây như Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Phước Cát, Gia Viễn, Tiên Hoàng…, tôi bắt gặp những nụ cười rất tươi. Những nụ cười trên ruộng đồng dù vẫn lấm lem bùn đất, nhưng trong đó ẩn chứa những hứa hẹn về vụ mùa bội thu. Cũng như người nông dân Việt Nam ở mọi miền của Tổ quốc, người nông dân Cát Tiên đổ mồ hôi, sôi nước mắt giữa ruộng đồng, nhưng từ ngay chính trên mảnh đất lam lũ, khó nhọc, họ đã thu về những giá trị ngày một cao hơn. Rời Cát Tiên, tôi mang theo ước vọng của những nông dân. Họ đến đây từ mọi miền quê, họ đã khẳng định và trụ vững giữa đất mới một thời từng được mệnh danh là 'thành phố tắc kè'. Nhưng hơn thế, khao khát của họ là cuộc sống mỗi ngày phải khá lên, mà ở đất này, ít có sự lựa chọn, vì vậy, cây lúa và hạt gạo vẫn là cứu cánh…
Theo Nhandan
Ý kiến ()