Cây lê Thạch Đạn cần được quan tâm phục tráng
LSO-Trước năm 1979, Thạch Đạn là một trong những xã của huyện Cao Lộc có nhiều cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
LSO-Trước năm 1979, Thạch Đạn là một trong những xã của huyện Cao Lộc có nhiều cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Điển hình trong số đó phải kể đến cây lê. Tuy nhiên, sau năm 1979 đến nay, cây lê của xã đã có dấu hiệu thoái hoá, chất lượng quả không còn ngon, ngọt như trước đây. Vì vậy, mặc dù hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn rất nhiều cây lê, nhưng hiệu quả kinh tế thì không đáng là bao.
Những cây lê già cỗi ở Thạch Đạn |
Qua tìm hiểu được biết: trước năm 1979, nhiều gia đình trên địa bàn xã Thạch Đạn trồng lê, hộ nhiều lên đến 200-300 cây. Mùa quả chín, lê Thạch Đạn thơm, ngon, có vị ngọt đậm rất riêng nên được thị trường ưa chuộng. Thời kỳ đó, một số hộ có cuộc sống khấm khá lên cũng từ cây lê. Cây rất sai, quả to, mọng, chín đều. Thường 1 cây cho năng suất từ 3-4 tạ, thậm chí có cây to cho năng suất đến gần 1 tấn. Mùa quả chín thơm ngát cả một vùng. Từ năm 1979 đến nay, nhiều diện tích lê bị thoái hoá, có những biểu hiện từ sinh trưởng, phát triển của cây, đến quả lê đều khác thường. Thường thì cây lê chỉ ra hoa trong mùa xuân rồi đậu quả. Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều cây lê ra hoa 2 lần trong năm. Quả lê không còn to, mọng, chín đều như trước đây mà thay vào là quả nhỏ, không chín mà chỉ xanh nhạt. Lê ăn sượng, nhạt, không còn vị ngon ngọt nữa. Vì vậy, từ năm 2008 trở lại đây, lê Thạch Đạn hầu như không bán được, nếu có bán được thì giá rất rẻ. Trước đây 1kg lê tương đương với 1 kg thóc. Nhưng vài năm trở lại đây, người dân cất công đem lê ra tận thành phố bán mà 1 kg chỉ được 2.000 đồng. Nhiều hộ không bán được đem đi rồi lại đem về. Một số hộ còn có được vài cây chất lượng quả tương đối ngon bán được giá thì năng suất lại giảm hẳn. Vậy là từ chỗ là một trong những cây trồng thế mạnh, đem lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Giờ đây, cây lê hầu như đã không phát huy được thế mạnh về kinh tế nữa. Bà Lã Thị Hội, thôn Nà Lệnh cho biết: trước đây vườn lê của gia đình luôn cho những quả to, ngọt và rất thơm, ăn ngon lắm nên mùa quả chín lê bán rất đắt hàng. Nhưng hiện nay, không hiểu lý do vì sao quả không chín, ăn cũng không còn ngon ngọt nữa, đem đi bán rất ít người mua, giá thì rẻ lắm. Ông Đồng Khánh Sáu, Chủ tịch UBND xã cho biết: trước đây, nhờ có thu nhập từ cây ăn quả nên cuộc sống của bà con có phần được cải thiện, nhưng hiện nay, cây lê hầu như không mang lại hiệu quả kinh tế nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Hiện xã vẫn còn có đến trên 46% hộ nghèo. Vì vậy, làm thế nào khôi phục được thế mạnh phát triển cây ăn quả luôn là điều xã trăn trở. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện vì cây lê được trồng từ rất lâu, chủ yếu là những vườn lê già nên đã bị thoái hoá. Vì vậy, đối với những cây đã quá già cỗi bà con nên mạnh dạn chặt bỏ để trồng cây khác. Đối với những cây mới thoái hóa, bà con cần đốn tỉa, tạo tán, bổ sung dinh dưỡng, áp dụng tiến bộ khoa học để cây tiếp tục lên chồi mới, sinh trưởng, phát triển tốt. Hoặc sau khi đốn tỉa, bà con có thể sử dụng cách ghép cành để trẻ hóa vườn lê. Tuy nhiên, một trong những yếu tố rất quan trọng là bà con cần tích cực chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, để cải tạo vườn lê.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()