LSO-Nếu tìm hiểu và phân tích một cách cặn kẽ, thì có lẽ Hoàng đàn mới chính là một trong những loại cây đặc trưng của Lạng Sơn. Chi Hoàng đàn gồm khoảng 20 loài phân bố từ Đông Á, Nam Á, Trung Á đến Bắc Mỹ. Nhưng Hoàng đàn ở Lạng Sơn lại thuộc vào diện riêng có, “độc nhất vô nhị” trên thế giới và bởi nó phân bố chủ yếu ở dải rừng Hữu Liên, vì vậy xin được phép gọi tên một cách đơn giản loại Hoàng đàn này là Hoàng đàn Hữu Liên.Có lẽ cái đam mê chung và lớn nhất của hai trong số những chuyên gia lâm nghiệp đầu ngành của Lạng Sơn và của khu vực - Giám đốc Công ty giống cây trồng lâm nghiệp vùng Đông Bắc, Hoàng Lê Minh và Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn Hoàng Mạnh Chức là Hoàng đàn. Đối với Giám đốc Hoàng Lê Minh, trước đây tôi đã có dịp tìm hiểu về công việc bảo tồn cây Hoàng đàn Hữu Liên của ông và cho đến nay được tiếp cận với đề tài bảo tồn cây Hoàng đàn...
LSO-Nếu tìm hiểu và phân tích một cách cặn kẽ, thì có lẽ Hoàng đàn mới chính là một trong những loại cây đặc trưng của Lạng Sơn. Chi Hoàng đàn gồm khoảng 20 loài phân bố từ Đông Á, Nam Á, Trung Á đến Bắc Mỹ. Nhưng Hoàng đàn ở Lạng Sơn lại thuộc vào diện riêng có, “độc nhất vô nhị” trên thế giới và bởi nó phân bố chủ yếu ở dải rừng Hữu Liên, vì vậy xin được phép gọi tên một cách đơn giản loại Hoàng đàn này là Hoàng đàn Hữu Liên.
Có lẽ cái đam mê chung và lớn nhất của hai trong số những chuyên gia lâm nghiệp đầu ngành của Lạng Sơn và của khu vực – Giám đốc Công ty giống cây trồng lâm nghiệp vùng Đông Bắc, Hoàng Lê Minh và Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn Hoàng Mạnh Chức là Hoàng đàn. Đối với Giám đốc Hoàng Lê Minh, trước đây tôi đã có dịp tìm hiểu về công việc bảo tồn cây Hoàng đàn Hữu Liên của ông và cho đến nay được tiếp cận với đề tài bảo tồn cây Hoàng đàn của Hoàng Mạnh Chức, cái cảm giác đầu tiên là mừng. Mừng bởi lâm nghiệp vốn là một trong những thế mạnh để phát triển của Lạng Sơn giờ đây đã và đang bắt đầu có những nghiên cứu dài hơi hướng tới những loài cây đặc trưng của tỉnh, mang giá trị cao. Nhưng lấn át toàn bộ cái cảm giác mừng ấy lại là sự hoang mang, không biết loài cây quý hiếm thuộc nhóm 1A mà cả thế giới chỉ Lạng Sơn có cái may mắn được sở hữu còn có thể tồn tại và hiện diện ở nơi đây được thêm bao nhiêu năm nữa?
|
Hoàng đàn được trồng thành công ở trong dân |
Ngược dòng thời gian trở về những năm 50 của thế kỷ trước, gỗ Hoàng đàn rất có giá, hàng trăm nghìn khối đã bị khai thác và buôn bán. Ở tỉnh ta, Hoàng đàn Hữu liên phân bố ở các dải núi đá chạy từ Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan đến Bắc Sơn. Những năm 70-80 việc khai thác càng trở nên sôi nổi hơn khi mà nhu cầu về loại gỗ này ngày càng cao. Mặc dù chưa nghiên cứu hết, nhưng người ta biết, Hoàng đàn là gỗ quý hiếm thuộc nhóm 1A, ngoài ra còn có thể làm thuốc, làm hương liệu, mùi thơm giống như trầm hương…Với những tính năng quý như vậy nên đến những năm 90 số lượng Hoàng đàn Hữu Liên ở tỉnh ta chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bất chấp nguy hiểm, người ta treo lên cả những vách đá cheo leo để đào rễ bán. Cho đến nay theo điều tra thì ở Lạng Sơn chỉ còn 82 cây Hoàng đàn của 44 hộ gia đình và Ban Quản lý Khu bảo tồn tự nhiên Hữu Liên trồng từ 1990, tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh, Vạn Linh, với chiều cao từ 2- 5 mét và đường kính gốc từ 3 tới 16 cm. Tình hình sinh sản (ra nón hạt) không đều, cây cho quả chiếm tỷ lệ thấp: 25%. Đối với cây mọc tự nhiên, xác định được 27 cây (trong đó có 2 cây bị chết). Tất cả các cây mọc tự nhiên có chiều cao vút ngọn và đường kính gốc nhỏ, trong đó chỉ có 6 cây có nón hạt. Theo quy định quốc tế và quốc gia, loài Hoàng đàn Hữu Liên được xếp ở mức rất nguy cấp và tuyệt chủng có lẽ ở tương lai không xa.
Ông Hoàng Mạnh Chức cho biết, trong quá trình điều tra, làm đề tài, ông đã được chứng kiến cây Hoàng đàn trồng được vài năm của người dân được thương lái hỏi mua với giá 40 triệu đồng/cây, còn cây con mới nảy mầm từ hạt được một thời gian có giá 1,5 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, do năng lực tài chính, nên đề tài chỉ dừng lại ở một mục tiêu khiêm tốn là điều tra, khảo sát, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về cây Hoàng đàn, làm cơ sở cho các nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát triển bền vững loài cây này tại địa phương. Tuyển chọn được một số cây trội trong khu vực bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên để bảo tồn làm nguồn giống. Như vậy chúng ta cũng mới chỉ xác lập những cơ sở để bảo tồn chứ chưa thực sự có sự bảo tồn và phát triển loại cây quý hiếm này. Trong khi chờ có một sự quan tâm xác đáng hơn, thì Hoàng đàn Hữu Liên vẫn đang khắc khoải từng ngày.
Lê Minh
Ý kiến ()