"Cây giảm nghèo" của người dân Hà Quảng
Cây ngô lai, cây lạc giúp người dân Hà Quảng tăng thu nhập trên đất canh tác. Với những ai đã một lần đặt chân lên Cao Bằng, khi nghe đến hai chữ Lục Khu huyện Hà Quảng, thì nghĩ đến vùng đất nghèo với những người nông dân lam lũ. Thiên nhiên khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt hằng ngày, nhưng bà con nông dân vẫn quyết tâm bám đất, bám rừng giữ vững dải đất biên cương...Hiệu quả từ trồng lạcChúng tôi đến Lục Khu vào một ngày hè oi ả. Hai bên đường, những nương ngô xanh tươi tốt. Ở trung tâm các xã vùng Lục Khu, người dân tấp nập mua bán, trao đổi hàng hóa. Bà con hỏi thăm nhau về phương pháp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Chuyện trồng lạc bán cho Nhà máy chế biến và bảo quản nông sản Lục Khu. Bởi lạc là cây trồng chịu hạn tốt, cho năng suất và giá trị kinh tế, tạo niềm tin cho bà con bám trên đất đá giữ vững mảnh đất biên cương. Còn gần một tháng...
Cây ngô lai, cây lạc giúp người dân Hà Quảng tăng thu nhập trên đất canh tác. |
Hiệu quả từ trồng lạc
Chúng tôi đến Lục Khu vào một ngày hè oi ả. Hai bên đường, những nương ngô xanh tươi tốt. Ở trung tâm các xã vùng Lục Khu, người dân tấp nập mua bán, trao đổi hàng hóa. Bà con hỏi thăm nhau về phương pháp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Chuyện trồng lạc bán cho Nhà máy chế biến và bảo quản nông sản Lục Khu. Bởi lạc là cây trồng chịu hạn tốt, cho năng suất và giá trị kinh tế, tạo niềm tin cho bà con bám trên đất đá giữ vững mảnh đất biên cương. Còn gần một tháng nữa mới đến vụ thu hoạch ngô, nông dân mới bắt đầu làm đất để trồng lạc, nhưng việc đem cây lạc trở thành câu chuyện ở chợ xã, đủ thấy cây lạc là cây được bà con nông dân ưa trồng đến nhường nào.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thái, người đã dành tâm huyết đối với cây lạc trồng trái vụ, trăn trở với cái nghèo của bà con bao năm chịu gian khổ vì thiếu nước, thiếu đất sản xuất của người dân vùng Lục Khu cho biết: “Lạc trồng vào vụ hè thu cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng vụ xuân hè, là cây trồng có nhiều triển vọng, được trồng ở những vùng đất khô khát Lục Khu, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, yên tâm làm ăn, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”. Tìm hiểu về cây lạc trái vụ, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết tác giả của cây lạc vụ hè thu lại là ông Hoàng Thái. Ông là người đầu tiên của tỉnh đã không quản ngại nắng mưa, đêm ngày cùng với các cộng sự đến những bản làng vùng cao để thuyết phục bà con nông dân đưa cây lạc trồng vào vụ hè thu (điều bà con chưa từng làm), trồng cây ngô lai có năng suất cao bán cho công ty. Khi còn là Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Cao Bằng, ông Thái đã có nhiều chuyến đi tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất nông lâm nghiệp của nhiều tỉnh trong cả nước. Và ông nhận thấy phần lớn các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều trồng lạc vào vụ xuân. Đặc tính của cây lạc là loại cây có dầu, có khả năng nảy mầm rất cao, không thể để giống vụ xuân này đến vụ xuân năm sau. Nếu bảo quản giống bằng phương pháp làm lạnh thì giá cả tăng cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp. Khi ông Thái đặt vấn đề đầu ra của cây lạc với ngành nông nghiệp các tỉnh, họ rất vui lòng hợp tác, sẵn sàng mua để bà con gieo trồng trên diện rộng. Hiểu vùng đất, cảm thông với cái đói nghèo của bà con, ông Thái đã đem tâm huyết của mình về áp dụng trên những vùng đất nghèo. “Năm 2005, tôi đem giống lạc L14 vào trồng thử nghiệm trên vùng đất nương rẫy khô hạn huyện Thạch An, trông mong từng ngày cây lạc sẽ cho thu hoạch. Và thật đáng mừng là cây lạc trồng vào vụ hè thu cho năng suất đạt 20 tạ/ha, cao hơn nhiều so với vụ xuân. Công ty đã đưa 10 tấn lạc đi chào hàng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, được khách hàng đánh giá rất cao, đăng ký mua với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân.
Hiệu quả từ việc trồng thử nghiệm, năm 2006, tỉnh Cao Bằng đã đưa giống lạc L14 về vùng đất đỏ Lục Khu (huyện Hà Quảng), các xã vùng cao của huyện Thông Nông, một số ít ở các huyện miền đông Trùng Khánh, Quảng Uyên, Trà Lĩnh. Nhưng trọng tâm là vùng Lục Khu vì có nhà máy sấy chế biến hạt giống và nông sản Lục Khu được xây dựng tại xã Thượng Thôn – xã trung tâm vùng Lục Khu. Đến nay diện tích sản xuất lạc giống cung cấp cho các tỉnh Bắc Trung Bộ toàn tỉnh Cao Bằng là 300 ha, trong đó diện tích lạc giống ở Lục Khu là 274 ha (chiếm 91,3% diện tích lạc toàn tỉnh), năng suất đạt từ một đến hai tấn/ha. Đối với vùng Lục Khu cuộc sống của bà con nông dân còn nhiều gian khó thì cây lạc, ngô lai là cây “cứu cánh” giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Giữ vững mảnh đất biên cương
Trước đây chỉ có một con đường đi lên vùng Lục Khu, nay đã có ba con đường, đang sắp được “nhựa hóa” toàn bộ. Đường thông, thông tin liên lạc cũng thông suốt. Trên vùng cao núi đá khát khô bây giờ chỗ nào cũng có sóng điện thoại di động. Nhiều hộ gia đình do bán lạc mà sắm được xe máy, có hộ có tới ba đến bốn chiếc.
Trưởng trạm giống cây trồng huyện Hà Quảng Bế Văn Tùng cho biết: Trước khi đưa cây lạc vào trồng thử nghiệm ở 12/12 xã vùng Lục Khu, Công ty cổ phần giống cây trồng Cao Bằng đã cùng với huyện Hà Quảng tiến hành khảo sát thu nhập thực tế một năm trên 3.000 ha diện tích đất canh tác của 12 xã. Kết quả giá trị trên một ha diện tích canh tác toàn vùng mới chỉ đạt chín triệu đồng/ha. Sau khi đưa cây ngô lai vào gieo trồng, nhất là giống lạc L14 trồng vào vụ hè thu đã tăng thu nhập trên một ha diện tích đất canh tác đạt 18-20 triệu đồng/ha. Năm 2011 diện tích lạc ở vùng Lục Khu đạt 274 ha, nhiều hộ trồng từ 0,8 đến 1 ha, như hộ anh Trương Văn Khuầy (xóm Nặm Giạt, xã Thượng Thôn), hộ anh La Văn Thằn (xóm Thin Tẳng, xã Mã Ba)… thu 15 – 18 triệu đồng/vụ. Trước đây vùng Lục Khu chỉ trồng một vụ ngô xuân, vụ hè thu trồng một ít đỗ tương năng suất đạt thấp, phần lớn đất đai để không. Khi đưa cây lạc vào gieo trồng, hiện diện tích canh tác một vụ đã được thu hẹp. Lạc bán được giá 20 nghìn/kg lạc vỏ, nhiều hộ sau khi bán lạc cho nhà máy đã mua được xe máy, ti-vi và tiện nghi sinh hoạt hằng ngày khác.
Cây ngô lai, cây lạc không chỉ giúp bà con tăng thu nhập trên đất canh tác, những hộ dân chung quanh nhà máy còn có thu nhập thêm từ làm việc ở nhà máy. Vào những tháng hoạt động, nhà máy cần 20 – 40 lao động, mỗi lao động được trả công 100.000 đồng/ngày (mỗi năm nhà máy hoạt động bốn tháng, hai tháng ngô, hai tháng lạc).
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Hoàng Văn Quân, vui mừng cho biết: Hiện diện tích lạc của xã đạt 34,3 ha (cao nhất vùng), năng suất đạt 1,6 – 1,8 tấn/ha, tăng thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Có nhà máy chế biến hạt giống và nông sản bà con phấn khởi trồng ngô, lạc theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập. Nhưng điều quan trọng hơn là bà con yên tâm sản xuất, gắn bó với mảnh đất biên cương, không có tư tưởng di cư đến vùng đất mới. Mong muốn của bà con nông dân là Công ty cổ phần giống cây trồng Cao Bằng tạo điều kiện, cung ứng phân bón giúp họ chăm bón kịp thời cho cây lạc đạt năng suất cao hơn…
Theo Nhandan
Ý kiến ()