Cây dược liệu bảy lá một hoa: Triển vọng nâng cao thu nhập
(LSO) – Bảy lá một hoa là cây dược liệu quý, hiếm có giá trị cao trong công tác phòng và điều trị bệnh. Tại Lạng Sơn, loại cây này có ở vùng núi cao, lạnh giá như Mẫu Sơn.
Bảy lá một hoa còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, là cây thuốc rất quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hiện chỉ có ở một vài khu rừng nguyên sinh, vùng núi cao các tỉnh miền núi như: Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An… Tại Lạng Sơn, cây bảy lá một hoa phân bố ở vùng núi cao Mẫu Sơn. Tuy nhiên do khai thác quá mức nên đến nay loại cây này chỉ còn rất ít.
Trong dân gian, cây bảy lá một hoa được sử dụng làm thuốc thanh nhiệt giải độc khi bị rắn độc cắn, trị sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn, mụn nhọt. Theo y dược hiện đại, dược liệu bảy lá một hoa có hoạt tính dược lý tốt đối với nhiều loại bệnh như: ung thư, Alzheimer, nấm, nhiễm khuẩn, kích thích miễn dịch…
Do có giá trị cao trong việc phòng, trị bệnh, nhu cầu sử dụng cây bảy lá một hoa là thuốc ngày càng tăng cao. Hiện nay, mỗi ki-lô-gam thân rễ bảy lá một hoa có giá khoảng 2,5 triệu đồng, với diện tích 1 ha thì nguồn thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.
Cán bộ Trung tâm Phát triển Khoa học – Công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm kiểm tra giống bảy lá một hoa trồng tại vườn thực nghiệm
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học – Công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm cho biết: Để giải bài toán suy kiệt nguồn dược liệu, cần phát triển theo hướng trồng trọt. Bảy lá một hoa là loài cây sống lâu năm dưới tán rừng, cây ưa bóng, ưa ẩm, sinh trưởng tốt và thích nghi với điều kiện nhiệt độ lạnh ở vùng núi cao, chịu được băng giá nên Lạng Sơn là vùng có tiềm năng phát triển cây dược liệu này. Từ thực tế đó, năm 2017, trung tâm bắt tay vào nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhằm xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cây bảy lá một hoa và tạo vùng sản xuất dược liệu tại Lạng Sơn.
Bước đầu triển khai, trung tâm đã học tập, tiếp nhận quy trình công nghệ nhân giống và chăm sóc cây bảy lá một hoa do Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao. Cùng đó, năm 2017, trung tâm trồng thử nghiệm 1.000 cây giống, 4.000 chồi mầm và gieo 6 kg hạt bảy lá một hoa tại vườn ươm, vườn nhân giống để xây dựng mô hình sản xuất cây giống với quy mô 50.000 cây/năm.
Đặc biệt, trung tâm đã chuyển giao công nghệ và xây dựng được 3 mô hình vườn trồng cây dược liệu bảy lá một hoa dưới tán rừng với quy mô 5 ha tại vùng núi cao Mẫu Sơn thuộc các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình. Đến nay, đã có 5.780 cây 3 năm tuổi, 10.000 cây 1 năm tuổi. Kiểm tra hằng năm cho thấy, các cây đều sinh trưởng và phát triển tốt.
So với các cây trồng khác, cây bảy lá một hoa luôn có đầu ra ổn định; cùng đó, cây trồng càng lâu năm thì càng có giá trị. Chính vì vậy, phát triển cây dược liệu bảy lá một hoa góp phần cung cấp nguyên liệu để sản xuất thảo dược, phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân trong nước, hướng đến xuất khẩu. Đây cũng là giải pháp tích cực giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng núi cao Lạng Sơn.
Ý kiến ()