LSO-Thời gian qua, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh bằng giấy thông hành và Chứng minh nhân dân qua các cửa khẩu sang Trung Quốc, sau đó ở lại trái phép để lao động, làm thuê vẫn diễn ra khá phức tạp. Rất nhiều người trong số đó đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, phạt lao động công ích hoặc phạt số tiền rất lớn, sau đó trao trả về Việt Nam. Từ đầu năm đến nay Công an Lạng Sơn đã tổ chức, xác minh, tiếp nhận 119 người do phía Trung Quốc trao trả, trong đó có 35 công dân tỉnh Lạng Sơn.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép, các phòng chức năng Công an tỉnh và Công an các huyện biên giới đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đồng thời cảnh báo về những rủi ro trong quá trình lao động trái phép ở nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình xuất cảnh trái phép đi lao động làm thuê vẫn diễn ra khá phức tạp, đáng chú ý tại các địa bàn sát biên giới xuất hiện một số đối tượng người Việt Nam câu kết với số công dân Trung Quốc vận động, tài trợ tiền, hướng dẫn người dân làm thủ tục hộ chiếu và thị thực xuất cảnh du lịch, sau đó đi sâu vào nội địa Trung Quốc để lao động làm thuê. Vì hám lợi, nhiều công dân Lạng Sơn đã xuất cảnh nhằm lao động làm thuê kiếm tiền, nhưng sau một thời gian ngắn đã phải bỏ trốn về nước và rất nhiều người trong số đó đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ. Chúng tôi đã có mặt tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc- nơi vừa có 48 công dân xuất cảnh bằng thị thực sang Trung Quốc làm thuê nhưng đã trốn được về nước, hiện vẫn còn 6 công dân bị cơ quan chức năng bắt giữ. Mông Văn Hưng, sinh năm 1992 trú tại thôn Còn Háng- Bảo Lâm, Cao Lộc là một trong số 48 người xuất cảnh đi lao động làm thuê bên Trung Quốc, sau gần một tháng trở về nhà, Hưng vẫn chưa hết bàng hoàng. Nơi Hưng làm thuê là nhà máy bóng điện Hồng Quang thuộc tình Hồ Nam – Trung Quốc. Lao động không hợp đồng cùng lời hứa trả lương từ 1000 đến 1500 NDT một tháng. Với thời gian lao động liên tục từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sinh hoạt kham khổ, làm gần 2 tháng nhưng không được nhận tiền lương. Hưng may mắn hơn những người cùng đi vì đã trốn được về nước. Ông Hoàng Văn Miêu ở thôn Còn Háng, là người tích cực nhất trong việc vận động bà con làm thị thực xuất cảnh đi lao động cũng trốn trở về và không thể giải thích nổi với bà con về lời hứa đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bản thân ông đã đến từng thôn như: Co Luồng; Nà Pán; Cốc Toòng; Kéo Có… vận động được trên 40 người đi lao động. Chỉ vì được trả công 100 ngàn khi vận động được một người xuất cảnh, ông đã làm cho biết bao gia đình trong xã lâm vào cảnh khốn khó, giờ ông cảm thấy rất ân hận. Trong đợt đi lao động trái phép và trốn trở về lần này còn có rất nhiều người dân ở các huyện Văn Lãng và Văn Quan. Chúng tôi cũng đã có mặt tại xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng để tìm hiểu về vấn đề này. Anh Chu Văn Hồ thôn Nà Kéo, xã Hồng Thái- Văn Lãng cho biết: “tiền công họ không trả, lao động vất vả làm hơn chục tiếng mỗi ngày trong môi trường ô nhiễm, không có trang bị bảo hiểm. Không được nghỉ ngơi. Ăn uống khổ cực, thậm chí họ còn cho chúng tôi ăn cơm thiu”. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ ông Chu Văn Bính, người cùng thôn Nà Kéo. Ông cho biết người vận động đưa bà con đi là Lý Thị Dặt, người cùng thôn đi lấy chồng bên Trung Quốc. Với lời hứa trả lương cao, đảm bảo sinh hoạt tốt, thời gian làm việc vừa phải, ông và những người cùng thôn đã hăng hái ra đi với ước mơ kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế lại khác. Trở về tay trắng nhưng cũng còn may mắn vì đã an toàn xum họp với gia đình . Cũng có người đã nhận được lương khi trở về nhưng đã gặp không ít rủi ro. Khi chúng tôi đang thực hiện phóng sự này thì trên địa bàn huyện Văn Lãng đã xảy ra 1 vụ cướp ngay tại đường biên giới. Nạn nhân là vợ chồng anh Nguyễn Văn Quy và chị Nguyễn Thị Nguyệt, thường trú tại thị trấn Hưng Tây- huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Bỏ lại con nhỏ ở quê nhà, hai vợ chồng đi từ đầu năm 2010 với ước muốn mang được nhiều tiền về để sửa lại căn nhà đã dột nát. Chắt chiu mãi được 2500 nhân dân tệ (tương đương 7 triệu đồng), nhưng đang trên đường trở về cách biên giới Việt Nam khoảng 300m, họ đã bị 4 đối tượng bịt mặt, dùng dao khống chế cướp sạch số tiền trên.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Văn Lãng đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc, chỉ trong một thời gian ngắn, thủ phạm gây ra vụ cướp đã bị bắt. Đó là các tên: Nguyễn Doanh Hải sinh năm 1980; Hoàng Đức Tin sinh năm 1990; Hoàng Đức Tiệp sinh năm 1985 đều thường trú tại xã Thanh Long – Văn Lãng và tên Lăng Văn Thắng sinh năm 1978 thường trú tại xã Hoàng Việt- Văn Lãng. Chính tên Hải là người cùng làm thuê với vợ chồng nạn nhân. Khi biết anh Quy, chị Nguyệt nhận lương chuẩn bị về Việt Nam, Hải đã rủ về theo đường mòn, đồng thời điện thoại cho đồng bọn đón đường cướp tài sản. Vụ án được khám phá, đồng thời thu hồi được tài sản trả lại cho người bị hại, nhưng cũng là lời cảnh báo thêm về nhiều rủi ro đối với những người đi lao động bất hợp pháp ở xứ người.
Ý kiến ()