Cây đặc sản cần được cải tạo phát triển
Người dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc phát hiện bệnh chết cành, thán thư trên cây hồng không hạt Bảo Lâm |
Một số diện tích bị nhiễm bệnh, rụng quả
Vụ hồng không hạt Bảo Lâm năm nay được đánh giá là sai quả nhất trong khoảng chục năm trở lại đây với năng suất trung bình đạt khoảng 35 – 46 tạ/ha, tổng sản lượng đạt khoảng trên 900 tấn, tăng 5% – 7% so với vụ hồng năm 2016. Tuy năng suất, sản lượng tăng song tại địa bàn một số xã trồng hồng không hạt Bảo Lâm vẫn xuất hiện tình trạng cây nhiễm bệnh và rụng quả. Thậm chí hiện tượng này xảy ra đối với những hộ tham gia mô hình sản xuất hồng theo quy trình VietGAP.
Chúng tôi có mặt tại vườn hồng gia đình anh Nông Văn Thịnh, thôn Lục Ngoãng, xã Lộc Yên vào giữa vụ. Chúng đã tôi chứng kiến khoảng 300/500 cây hồng của gia đình anh bị rụng quả. “Tôi đã áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không hiểu sao hồng vẫn rụng. Chắc mẩm vụ này sai quả sẽ thu 100 triệu đồng trong tay, ai ngờ chỉ còn ít ngày nữa được thu hoạch thì quả rụng. Đến cuối vụ, bán vét cũng chưa đủ 20 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc thì coi như vụ hồng năm nay công cốc” – anh Thịnh xót xa kể.
Không riêng trường hợp trên, tại 9 xã, thị trấn trồng hồng không hạt Bảo Lâm cũng xuất hiện tình trạng rụng quả, nhiễm các bệnh như: sâu đục thân, thán thư, chết cành, gỉ sắt, thối quả. Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) huyện Cao Lộc, năm nay, sản lượng hồng bị thối và rụng quả lên tới 20 tấn. Hiện tượng này diễn ra phổ biến ở các xã: Lộc Yên, Hải Yến, Thạch Đạn, Hòa Cư và Bảo Lâm.
Nguyên nhân dẫn đến cây nhiễm các bệnh và rụng quả là do một số diện tích cây hồng được trồng từ lâu đời, đã già cỗi dẫn đến sinh trưởng, phát triển kém, sức đề kháng yếu nên dễ nhiễm bệnh, quả nhỏ, không năng suất. Giống cây đem trồng không được chọn lọc và không rõ nguồn gốc… Ông Bế Thanh Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngoài các nguyên nhân trên, thời gian qua, người dân chỉ khai thác chứ chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc dẫn đến cây bị thoái hóa làm cho năng suất và sản lượng giảm. Tại nhiều hộ gia đình, cây bụi, cây leo phủ kín vườn hồng khiến cây hồng không phát triển được. Cùng đó, nhiều hộ trồng hồng còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách và áp dụng kỹ thuật thâm canh lạc hậu nên chất lượng quả giảm dần, năng suất không cao.
Cần cải tạo, phát triển bền vững
Hồng không hạt Bảo Lâm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ cuối năm 2012. Nó không chỉ là sản phẩm đặc sản của huyện Cao Lộc mà còn là của tỉnh Lạng Sơn. Loại quả này được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa dùng bởi vị ngọt, thơm, giòn. Ước tính, giá trị kinh tế từ hồng đem lại khoảng 25 – 30 tỷ đồng/năm cho người trồng. Tuy nhiên, trước nguy cơ cây hồng bị thoái hóa, còn xuất hiện sâu bệnh gây hại và rụng quả, chất lượng quả giảm dần thì việc cải tạo phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Để làm được việc này không chỉ có sự vào cuộc của ngành khoa học, nông nghiệp mà chính quyền cùng nông dân trong huyện cần quyết tâm cải tạo phát triển trong sản xuất. Được biết, huyện Cao Lộc đã có dự án cải tạo phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững giai đoạn 2017 – 2021. Theo đó, huyện phấn đấu mỗi năm trồng mới 35 ha; cải tạo nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên diện tích khoảng 100 ha; cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu quẩn VietGAP cho khoảng 50 ha; nâng giá trị kinh tế từ 110 – 120 triệu đồng/ha/năm lên 130 – 150 triệu đồng/ha/năm như những năm gần đây.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Để đạt các mục tiêu này, tới đây, cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan ở huyện sẽ khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất, tiếp nhận và chuyển giao các quy trình công nghệ, xây dựng các mô hình (sản xuất cây giống; trồng mới; cải tạo, thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm). Gắn với đó là tập huấn kỹ thuật cho nông dân, quảng bá sản phẩm và xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ.
Ý kiến ()