Cây cọ dầu với vấn đề an ninh lương thực ở châu Phi
Thu hoạch quả cọ dầu ở Ca-mơ-run. Trong những năm tới, dự báo, dầu cọ sẽ là loại dầu thương mại quốc tế và được sản xuất nhiều nhất thế giới. Ngoài sử dụng trong chế biến thực phẩm, loại dầu này còn dùng để làm nhiên liệu sinh học. Việc các nhà đầu tư nước ngoài "đổ bộ" vào châu Phi để phát triển việc trồng cây cọ lấy dầu trên diện rộng, có nguy cơ làm biến mất nhiều ha rừng nhiệt đới, ảnh hưởng môi trường và đe dọa an ninh lương thực của người dân địa phương.Khác với việc trồng trên diện rộng được bắt đầu từ thời kỳ các nước châu Phi còn là thuộc địa, cây cọ dầu ở miền trung và tây châu Phi trước đó hầu hết mọc hoang dại thành những thảm cọ bát ngát hoặc được trồng bởi các nông trang viên nhỏ theo phương pháp thân thiện môi trường. Ngành công nghiệp dầu cọ đã phát triển mạnh mẽ bắt nguồn từ người dân ở khu vực này. Cây cọ lấy dầu được người nông dân châu Phi trao đổi mua bán. Nó là nguồn cung cấp thực phẩm...
Thu hoạch quả cọ dầu ở Ca-mơ-run. |
Khác với việc trồng trên diện rộng được bắt đầu từ thời kỳ các nước châu Phi còn là thuộc địa, cây cọ dầu ở miền trung và tây châu Phi trước đó hầu hết mọc hoang dại thành những thảm cọ bát ngát hoặc được trồng bởi các nông trang viên nhỏ theo phương pháp thân thiện môi trường. Ngành công nghiệp dầu cọ đã phát triển mạnh mẽ bắt nguồn từ người dân ở khu vực này. Cây cọ lấy dầu được người nông dân châu Phi trao đổi mua bán. Nó là nguồn cung cấp thực phẩm của người dân bản xứ từ rất lâu. Thậm chí, người ta đã tìm thấy loại cây này trong các hầm mộ Ai Cập từ 3.000 năm trước công nguyên. Đối với người dân bản xứ ở châu Phi, cây cọ là vô giá. Dầu cọ đỏ được chiết xuất từ quả cọ là nguyên liệu chủ yếu cho người ăn kiêng, quan trọng thứ hai sau gạo hoặc các loại ngũ cốc. Nó được sử dụng trong nấu các món canh, súp và món xào. Tuy nhiên, kể từ khi người châu Âu khám phá ra “kho báu châu Phi”, mọi thứ đã thay đổi. Trong suốt thời mua bán nô lệ, dầu cọ đỏ thường được sử dụng để cung cấp lương thực cho các thuyền chở nô lệ. Sau đó, trong cuộc cách mạng công nghiệp Anh, dầu cọ đã được sử dụng để bôi trơn máy móc và trong sản xuất nến.
Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a hiện chiếm khoảng 83% sản lượng và 89% dầu cọ xuất khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà môi trường cảnh báo, các khu rừng nhiệt đới sẽ biến mất ở khu vực Đông – Nam Á vì việc trồng nhiều cây cọ dầu phục vụ sản xuất công nghiệp. Để phát triển ngành công nghiệp này, các nhà đầu tư xuất khẩu dầu cọ công nghiệp đang coi châu Phi là điểm đến tiềm năng bởi đất đai bạt ngàn nơi đây. Việc trồng trên diện rộng loại cây này đang là mối đe dọa làm gia tăng nạn chặt phá rừng, và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây mất đa dạng sinh học.
Một trong những dự án dầu cọ lớn nhất ở châu Phi hiện đang được phát triển bởi Herakles Farms, một công ty nông nghiệp có trụ sở tại Niu Oóc (Mỹ) với kế hoạch trồng 60 nghìn ha ở Ca-mơ-run. Chính phủ Ca-mơ-run đồng ý cho công ty này thuê đất trong 99 năm ở vị trí ngay gần một số khu bảo tồn quan trọng, trong đó có Công viên quốc gia Korup. Tại nước này, các nhà đầu tư từ châu Á, Mỹ và châu Âu đang dành những khu đất lớn, thường là ở các khu rừng để trồng và sản xuất dầu cọ. Các nhóm môi trường cảnh báo, việc trồng cọ như vậy có thể phá hủy rừng nhiệt đới và ảnh hưởng cuộc sống người dân địa phương bởi diện tích trồng trọt này nằm ở trung tâm một trong những vùng đa dạng sinh học nhất của châu Phi. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bê-nanh, Ni-giê-ri-a, Ga-bông, CH Công-gô và CHDC Công-gô, những nước mà các công ty của Trung Quốc hiện đang trồng khoảng 2,8 triệu ha cây cọ dầu cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Tại Li-bê-ri-a, ước tính 5,6% diện tích đất được cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê để sản xuất dầu cọ. Sime Darby thuê trong 63 năm 220 nghìn ha đất trồng cây cọ dầu. Tập đoàn Golden Agri Resources của Xin-ga-po có 220 nghìn ha khác trồng cọ dầu, trong khi Equatorial Palm Oil, một nhà phát triển dầu cọ của Anh, có 170 nghìn ha. Đất nông nghiệp bị mất trong khi Li-bê-ri-a vẫn phải nhập khẩu 60% nhu cầu về gạo. Tại nước láng giềng Xi-ê-ra Lê-ôn, quốc gia đang phải cố gắng bảo đảm an ninh lương thực và phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài, các công ty châu Á và châu Âu đang thuê đất dài hạn trên ít nhất nửa triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 10% đất trồng trọt của nước này. Gần 300 nghìn ha được các nhà đầu tư thuê để trồng cây cọ dầu. Khu vườn ươm cây cọ lấy dầu chiếm nhiều ha rừng nhiệt đới và đất đai ở Xi-ê-ra Lê-ôn. Một nhà quản lý ở nước này cho biết, đến năm 2012 họ sẽ có 540 nghìn cây cọ dầu giống, đủ để trồng trên hơn 3.000 ha đất. Vào năm 2017, cây cọ dầu sẽ được trồng tại hơn 40 nghìn ha đất được thuê bởi nhà đầu tư nước ngoài trong 45 năm.
Việc lấy đất canh tác để phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học hay các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn… ở các nước đang đe dọa an ninh lương thực thế giới. Điều này cũng đã được Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền lương thực Ô.Đờ Sút-tơ đưa ra cảnh báo trước thềm hội nghị của Ủy ban LHQ về an ninh lương thực thế giới (CFS), diễn ra từ ngày 17 đến 21-10-2011 tại Rô-ma (I-ta-li-a). Quan chức LHQ này cho biết, tình trạng chiếm đất đang đe dọa an ninh lương thực của 500 triệu hộ gia đình trên thế giới. Ông khẳng định, nếu quốc tế không nhất trí về phương thức quản lý đất, người sử dụng đất sẽ tiếp tục bị tước đoạt các lợi ích. Ông đồng thời kêu gọi các nước cảnh giác trước những mối nguy hiểm của tình trạng đầu cơ đất và tập trung quyền sở hữu khi trao quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()