Cây cao-su về với bản ta
Hẹn với anh em đã từ lâu, nhưng phải đến cuối tháng 3 năm nay, tôi mới có dịp trở lại thăm Nông trường cao-su Quế Phong thuộc Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao-su Nghệ An. Chưa đầy ba năm "bén duyên" với Quế Phong, cây cao-su đã đem đến cho mảnh đất này một hướng đi mới đầy triển vọng về phát triển kinh tế-xã hội, đem lại công việc và thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi rẻo cao của Tổ quốc.
Mầu xanh cao-su trên đỉnh Pù Mai
Chúng tôi được Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (CP ĐT và PT) cao-su Nghệ An Lê Hữu Huy làm “hướng dẫn viên” tham quan các đồi cao-su. Là người gắn bó với mảnh đất Quế Phong đã từ lâu, nên anh Huy thuộc lòng từng tên bản, tên khe suối. Xe ô-tô leo lên đỉnh Pù Mai, ngọn núi tiếp giáp ba xã: Hạnh Dịch, Tiền Phong và Mường Nọc, có độ cao cách mặt nước biển gần 500 m, chúng tôi lần theo con đường mới mở lưng chừng núi, phóng tầm mắt nhìn về phía xa chi chít những đường đồng mức, tất cả như một bức tranh hữu tình. Anh Huy nhớ lại: “Sau khi có chủ trương của tỉnh về việc phát triển cao-su trên đất Quế Phong, với phương châm “mần cho chộ” (làm cho thấy), chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc. Lúc ấy chưa có đường, anh em leo xuyên từ chân núi lên đến đỉnh mất cả buổi. Cán bộ, công nhân ngày đêm bám trụ trên từng quả đồi, không kể mưa nắng, giá rét. Những buổi giao ban, bàn bạc được tổ chức trên đồi hay qua điện thoại. Khi cây cao-su vươn lên xanh tốt, mọi người nhìn nhau rơm rớm nước mắt vì sung sướng”.
Cái khó khăn, nhọc nhằn của thuở ban đầu lắm nỗi gian truân, nhất là việc phải làm sao để đồng bào tintưởng, ủng hộ. “Khi công bố quy hoạch dự án trồng cây cao-su, người dân không mấy tin tưởng, bởi đã có quá nhiều dự án được công bố, nhưng đều chỉ nằm trên giấy”, Giám đốc Nông trường cao-su Quế Phong Hồ Văn Mười nói. Để “làm cho thấy”, vào cuối năm 2011, công ty đã bắt đầu trồng tại Bản Chiếng 5,8 ha. Đến nay, cây cao-su đã cao hơn ba mét, tán lá xanh mướt, phía dưới gốc, công nhân trồng xen cây sả, gừng cho thu nhập thêm. Hộ anh Lưu Đức Vạn trồng xen sả cho thu nhập mỗi năm 100 triệu đồng. Mô hình trồng xen cây củ quả dưới tán cao-su được nhân rộng. “Đây là cách làm hay, vừa chống xói mòn đất, thay thế lớp thực bì, vừa đem lại thu nhập thêm cho công nhân nhận khoán vườn cây, bảo đảm trong vòng năm đến bảy năm có thu nhập ổn định”, anh Lê Hữu Huy cho biết.
Từ 5,8 ha trồng vào cuối năm 2011, đến nay, Nông trường cao-su Quế Phong trồng mới được 450 ha trên địa bàn hai xã Tiền Phong và Hạnh Dịch. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4018 ngày 13-9-2013 quy hoạch cho Công ty CP ĐT và PT cao-su Nghệ An 3.089 ha trên địa bàn huyện Quế Phong. Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, chất đất ba-dan cũng như khí hậu tại đây rất thích hợp với cây cao-su. Chỉ vào những hàng cây cao-su trên đỉnh Pù Mai, anh Lê Hữu Huy phấn khởi: “Tuy mới trồng từ tháng 7- 2013 nhưng cây phát triển rất khả quan bởi khí hậu, thổ nhưỡng đất đai ở đây rất thích hợp với giống cây cao-su này. Năm sau nếu có dịp các anh trở lại nơi đây, chắc chắn nơi này sẽ thành những cánh rừng cao-su rồi”.
Cây cao-su xóa nghèo
“Dân bản chúng tôi rất tin tưởng, ủng hộ dự án trồng cây cao-su. Bởi kể từ khi cây caosu “về” đây, cuộc sống người dân đã thay da đổi thịt”, Bí thư chi bộ thôn Bản Tạng, xã Tiền Phong Vi Đình Diệp, cho biết. Từ khi có dự án cao-su, công ty đã mở đường rộng lớn, bản này liên kết với bản kia. Con em đồng bào Bản Tạng được nhận vào làm công nhân, mỗi tháng lương thu nhập ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng, một con số mà đồng bào các dân tộc thiểu số trước đây không bao giờ nghĩ tới, lại được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Xã Tiền Phong có 25 bản, 11 nghìn dân, trong đó có tới 31% số hộ đói nghèo. Đất đai thì nhiều nhưng làm ăn không hiệu quả, thanh niên trong xã lớn lên đi tha phương làm thuê kiếm sống, cuộc sống người dân cứ quẩn quanh trong vòng đói nghèo, mùa giáp hạt, nhiều hộ phải sống bằng trợ cấp. Nhưng kể từ khi Nông trường cao-su Quế Phong triển khai trồng cao-su, bước đầu nông trường đã tiếp nhận được hơn 100 con em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các thôn: Bản Tạng, Na Nhắng, Na Bón, Na Cày, Long Quang, Na Dến… vào làm công nhân, lương thu nhập bình quân hơn bốn triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nông trường còn hợp đồng lao động thời vụ với bà con các xã lân cận 6.500 công (tương đương 250 lao động làm việc thường xuyên). Dự kiến đến năm 2016, công ty sẽ tuyển dụng khoảng 1.000 công nhân lao động vào nhận lô, chăm sóc vườn cây, tạo công ăn việc làm ổn định.
Anh Trần Văn Hoài, nguyên Tổng đội phó Tổng đội TNXP 7, nay là Phó Giám đốc Nông trường cao-su Quế Phong cho biết: “Trước đây, do đặc thù của mô hình Tổng đội TNXP làm ăn kém hiệu quả, cho nên khi có chủ trương sáp nhập vào Công ty CP ĐT và PT cao-su, anh em đội viên chúng tôi rất đồng tình. Thực tế khi chuyển sang làm trong doanh nghiệp, với phong cách làm việc chủ động, sáng tạo, cho thu nhập cao và ổn định, anh em rất yên tâm, tin tưởng và nỗ lực. Không chỉ đời sống vật chất mà đời sống tinh thần của người lao động cũng được công ty quan tâm.
Cây cao-su không chỉ đem lại sự đổi thay trong đời sống người lao động, mà còn đem lại sự thay đổi về mô hình quản lý sản xuất, sử dụng đất đai, thay đổi phong cách, lề lối làm việc của người lao động. “Ở công ty chúng tôi không có chuyện nghe báo cáo suông, mỗi cán bộ đều như một nông dân, gắn bó, bám từng gốc cao-su, hỏi đến đâu là phải biết đến đó. Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, mỗi gốc cao-su đều được quản lý qua hệ thống máy tính”, Tổng Giám đốc Công ty CP ĐT và PT cao-su Nghệ An Trần Ngọc Thắng, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý với chúng tôi.
Hy vọng một ngày không xa nữa, với những thành công và kinh nghiệm sẵn có, dự án phát triển ba nghìn ha cao-su sẽ phủ kín mầu xanh để dòng “vàng trắng” tuôn chảy, đưa lại cuộc sống ấm no, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như cuộc sống người dân nơi miền tây xứ Nghệ.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()