Cây ca-cao trên đất Lâm Ðồng
Sau gần hai năm trồng thí điểm, tại ba huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu hình thành vùng nguyên liệu ca-cao. Tuy còn nhiều việc phải làm nhưng triển vọng về tiềm năng kinh tế đối với một loại cây trồng mới trên vùng rừng núi nằm cạnh sông Đồng Nai đã rõ dần...Nằm ở vùng đất khá thuận lợi về thổ nhưỡng, diện tích, độ cao đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nhưng hàng chục năm qua, các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai vẫn nghèo về chủng loại cây công nghiệp. Chỉ có huyện Đạ Huoai là địa bàn đã xây dựng được vùng chuyên canh cây điều phổ biến ở nhiều xã, cây ăn quả khá tập trung trong khi định hướng này vẫn còn khá mờ nhạt ở hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đến tháng 2-2009, UBND tỉnh Lâm Đồng mới tiếp nhận dự án 'Phát triển sản xuất ca-cao bền vững tại các nông hộ' ở ba huyện này do Tổ chức hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp của Hoa Kỳ (ACDI/VOCA) tài trợ. Dự án này...
Nằm ở vùng đất khá thuận lợi về thổ nhưỡng, diện tích, độ cao đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nhưng hàng chục năm qua, các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai vẫn nghèo về chủng loại cây công nghiệp. Chỉ có huyện Đạ Huoai là địa bàn đã xây dựng được vùng chuyên canh cây điều phổ biến ở nhiều xã, cây ăn quả khá tập trung trong khi định hướng này vẫn còn khá mờ nhạt ở hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đến tháng 2-2009, UBND tỉnh Lâm Đồng mới tiếp nhận dự án 'Phát triển sản xuất ca-cao bền vững tại các nông hộ' ở ba huyện này do Tổ chức hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp của Hoa Kỳ (ACDI/VOCA) tài trợ. Dự án này được xem như là bước khởi điểm, mở đầu định hướng đưa cây ca-cao – một giống cây công nghiệp nhiều tiềm năng vào vùng phía nam của tỉnh.
Khởi đầu dự án, ba huyện mới chỉ có hơn 119 ha ca-cao trồng xen dưới tán điều và tán cây ăn quả khác, nhưng đến nay tại Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai đã có hơn 1.200 ha ca-cao. Bước đầu, nhiều nông hộ trồng ca-cao ở các huyện này đã làm quen với kỹ thuật canh tác và có thu nhập từ ca-cao. Đáng mừng hơn, cây ca-cao đã tỏ ra thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất đồi núi thuộc phía nam tỉnh Lâm Đồng. Đến cuối năm 2010, tại các huyện này đã thành lập được 21 câu lạc bộ thu hút 826 hộ nông dân tham gia với hoạt động chính là tiếp cận kỹ thuật và trực tiếp thâm canh cây ca-cao, hơn 60% số hộ nông dân này là bà con các dân tộc thiểu số Cơ Ho, Mạ. Tỉnh Lâm Đồng và các ngành hữu quan ở địa phương đang định hướng mạnh mẽ cho nông dân vùng khó khăn Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai tiếp cận chắc chắn kỹ thuật thâm canh cây ca-cao để nhanh chóng hình thành vùng nguyên liệu với quy mô 4.000 ha vào năm 2015 và tiến tới 5.000 ha vào năm 2020. Để giúp người trồng ca-cao nắm vững kỹ thuật trồng giống cây công nghiệp mới này, năm 2010, tỉnh đã phối hợp với các chuyên gia kỹ thuật trồng ca-cao của ACDI/VOCA tổ chức tập huấn cho gần 15 nghìn lượt nông dân. Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp, Trưởng Ban Điều hành dự án ca-cao huyện Đạ Huoai Nguyễn Thị Thu Thắm cho biết: 'Cây ca-cao đã tỏ ra thích hợp với vùng đồi núi dưới tán rừng trên địa bàn huyện. Những hộ nông dân trong dự án cũng rất hứng thú với giống cây này vì trồng không khó khi đã nắm vững kỹ thuật, nhanh chóng cho thu nhập ổn định. Dự án phát triển ca-cao hứa hẹn thành công'.
Cây mới, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu và cho thu nhập khá, thu hút sự quan tâm của nông dân… là những tín hiệu vui, góp phần thành công cho định hướng hình thành vùng nguyên liệu ca-cao tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, để xây dựng được vùng cây ca-cao bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao thì nhiều việc còn phải làm, trước hết là quy mô vùng trồng ca-cao cần phải được tính toán kỹ, phù hợp. Cho đến nay, tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ mới khảo sát thực địa xong tại 22 xã thuộc ba huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai để trồng ca-cao dưới tán điều, tán vườn tạp, cây ăn quả và dưới tán rừng. Định hướng khảo sát cần hướng tới và mở rộng ra những diện tích khác để phát triển hợp lý quy mô vùng nguyên liệu loài cây công nghiệp tiềm năng này. Đặc biệt, về mặt chất lượng giống cây, sản phẩm trái ca-cao sau thu hoạch ở Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung cũng cần phải tập trung chú ý một số vấn đề. Theo Trưởng đại diện ACDI/VOCA tại Việt Nam TS Đinh Hải Lâm, nếu chúng ta không áp dụng tốt quy chuẩn giống cây trồng theo Pháp lệnh của Nhà nước thì hệ lụy về giống kém chất lượng và phát tán dịch bệnh từ các vườn ươm sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng thu hoạch về sau; kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; lên men đạt chất lượng hạt ca-cao cung ứng cho các ngành công nghiệp thực phẩm…, cũng là những nội dung cần được các nhà quy hoạch, quản lý trồng trọt quan tâm.
Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 80 nghìn ha ca-cao và trở thành quốc gia có vị trí xứng đáng trên thị trường xuất khẩu sản phẩm này. Lâm Đồng sẽ là một mắt xích quan trọng trong 'bản đồ ca-cao' của cả nước. Hy vọng, một ngày gần, cây ca-cao sẽ trở thành nông sản có thương hiệu của tỉnh nam Tây Nguyên này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()