Cầu truyền hình chủ đề “50 năm, huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” do Báo QĐND, Báo SGGP và HTV phối hợp thực hiện sẽ bắt đầu từ 17 giờ 30 ngày 11-10 trên sóng HTV9 với 3 điểm cầu: Nhà hát truyền hình (Đài Truyền hình TPHCM), Vũng Rô (Phú Yên) và Vàm Lũng (Cà Mau). Con đường huyền thoại của dân tộc - đường Hồ Chí Minh trên biển, cùng những người anh hùng đã một thời gắn liền với sự kiện lịch sử này sẽ lần đầu tiên xuất hiện đầy cảm xúc và bất ngờ trước khán giả truyền hình trong cầu truyền hình “50 năm, huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”.Trang lịch sử anh hùng Ông Lâm Thành Quý, biên kịch HTV, cho biết quá trình hình xây dựng kịch bản của chương trình: “Khi ý tưởng hình thành, chúng tôi (gồm lãnh đạo, phóng viên, biên tập, đạo diễn của HTV) đã đi thực tế, đến các địa phương từng là bến đón các con tàu không số. Gặp gỡ nhiều nhân chứng từng là thuyền trưởng, thuyền phó, chỉ huy, thuyền viên trên các con tàu không số; những...
Cầu truyền hình chủ đề “50 năm, huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” do Báo QĐND, Báo SGGP và HTV phối hợp thực hiện sẽ bắt đầu từ 17 giờ 30 ngày 11-10 trên sóng HTV9 với 3 điểm cầu: Nhà hát truyền hình (Đài Truyền hình TPHCM), Vũng Rô (Phú Yên) và Vàm Lũng (Cà Mau). Con đường huyền thoại của dân tộc – đường Hồ Chí Minh trên biển, cùng những người anh hùng đã một thời gắn liền với sự kiện lịch sử này sẽ lần đầu tiên xuất hiện đầy cảm xúc và bất ngờ trước khán giả truyền hình trong cầu truyền hình “50 năm, huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Trang lịch sử anh hùng
Ông Lâm Thành Quý, biên kịch HTV, cho biết quá trình hình xây dựng kịch bản của chương trình: “Khi ý tưởng hình thành, chúng tôi (gồm lãnh đạo, phóng viên, biên tập, đạo diễn của HTV) đã đi thực tế, đến các địa phương từng là bến đón các con tàu không số. Gặp gỡ nhiều nhân chứng từng là thuyền trưởng, thuyền phó, chỉ huy, thuyền viên trên các con tàu không số; những dân quân du kích, bà con nơi các địa phương này… Từ những cuộc trò chuyện ấy, chúng tôi thống nhất chọn 2 địa điểm để thành lập điểm cầu là ở Vũng Rô (Phú Yên) và Vàm Lũng (Cà Mau).
Chọn Vàm Lũng vì đây là nơi đầu tiên được Trung ương chỉ đạo mở tuyến đường biển ra Bắc. Vàm Lũng là bến chính của Nam bộ và cũng là bến nhận trên 60% vũ khí từ Bắc vào Nam. Vũng Rô được chọn vì đây là địa danh đã diễn ra một sự kiện bi hùng, một cuộc chiến anh dũng của các chiến sĩ tàu không số mang bí số 143, chiến đấu với nhiều tàu chiến hiện đại, máy bay của kẻ thù và cuộc đụng độ không cân sức ấy kết thúc khi con tàu được cho nổ tung. Vũng Rô là nơi đầu tiên địch phát hiện ra con đường trên biển và cũng sau cuộc chiến đấu anh dũng ấy, con đường được lệnh đóng lại, đến 3 năm sau mới khôi phục lại tuyến đường vận chuyển này.
Chúng tôi xây dựng, kết cấu chương trình thành một câu chuyện kể liền mạch để khán giả có thể hình dung hết về đường Hồ Chí Minh trên biển, về vai trò lịch sử của con đường, về những khó khăn, cùng những sự sáng tạo tuyệt vời của ông cha ta thời kháng chiến và cả những hy sinh anh dũng, sự che chở, đùm bọc của quân dân các địa phương nơi tàu không số đi qua… Chúng ta đã có một trang lịch sử anh hùng, độc đáo và rất đỗi tự hào. Qua chương trình này, những người thực hiện chương trình hy vọng lớp trẻ học được nhiều bài học thật sự bổ ích và sẽ thấy mình phải sống như thế nào cho xứng với tầm vóc mà thế hệ đi trước đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng xả thân để tranh đấu, để bảo vệ, gìn giữ đất nước”.
Cuộc trùng phùng sau 50 năm
Tổng đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ: “Vì tính chất đặc biệt của con đường độc đáo này, mọi thứ đều phải được giữ bí mật tuyệt đối, nên việc tìm kiếm tư liệu, hình ảnh về con đường này là hết sức khó khăn. Ê kíp thực hiện phải phục dựng lại hình ảnh là chính. Quả thật, đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích và những người thực hiện chương trình mong muốn các thế hệ phải biết về kỳ tích này.
Đây là một chương trình giao lưu đúng nghĩa, bởi sẽ có những cuộc trùng phùng sau 50 năm ở các điểm cầu. Khán giả sẽ gặp gỡ ông Ngô Văn Tân – người còn lại cuối cùng của con tàu Phương Đông 1, đã mở luồng ra Bắc và đưa chuyến tàu vũ khí vào Nam tại Vàm Lũng; được biết đến cuộc chiến đấu quyết liệt giữa tàu mang bí số 143 với tàu chiến và máy bay địch, qua lời kể của những người còn may mắn sống sót như thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, thuyền viên Huỳnh Văn Tiến. Thuyền trưởng tàu mang bí số 43 Nguyễn Đức Thắng, thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm nói về trận chiến đấu đến viên đạn cuối cùng tại bến Mỹ Á (Quảng Ngãi) – tàu nổ tung, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương được đưa về nhà dân cứu chữa, sau đó được đưa về trạm xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm chữa trị.
Khán giả còn gặp bà Mai Thị Phượng – y sĩ bệnh xá Đặng Thùy Trâm, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng – nguyên cán bộ xã Mỹ Á kể về những ngày tìm và cứu các chiến sĩ trên tàu không số 43. Ý nghĩa và cảm động hơn khi được nghe chính thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh hát cùng đồng đội ca khúc Lướt sóng ra khơi (sáng tác: Ánh Dương).
Ngoài những phút giây lắng đọng trong không khí giao lưu là những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh, được ê kíp thực hiện chương trình chọn lọc, dàn dựng bám sát chủ đề: hoạt cảnh mở đầu “Kỳ tích những con tàu không số”, hoạt cảnh kết thúc “Tổ quốc gọi tên mình” (Đinh Trung Cẩn) và các ca khúc được sáng tác riêng cho chương trình: Con đường Hồ Chí Minh (Nguyễn Vinh), Bến cảng giữa rừng, Đường Hồ Chí Minh trên biển (Nguyễn Cường), Đoàn cảm tử quân trên biển (Huỳnh Hữu Thưởng); ca cổ Huyền thoại một con đường… với sự thể hiện của các ca sĩ, nghệ sĩ: NSƯT Tạ Minh Tâm, Anh Bằng, Võ Hạ Trâm, Triệu Lộc, Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi”.
Thông qua chương trình này, thế hệ trẻ có dịp hiểu, chia sẻ và tự hào về những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển, về sự dũng cảm của ông cha mình, để thấy vai trò, trách nhiệm của thế hệ kế thừa trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Theo SGGP
Ý kiến ()