Cầu treo – Treo đến bao giờ
LSO-“Cầu Vằng Mần treo đến bao giờ?” là câu hỏi quen thuộc của người dân xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia trong suốt 12 tháng qua mỗi khi đi bè qua sông. Khi nào cây cầu này chưa được hoàn thiện thì niềm mong ước của dân vẫn còn “treo” ở đó.
![]() |
Cầu treo Vằng Mần chưa hoàn thiện, người dân xã Vĩnh Yên vẫn phải qua sông bằng bè mảng |
Để đến được xã Vĩnh Yên, xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, chiếc ô tô hai cầu phải chao đảo, nghiêng ngả liên miên. Chị Nguyễn Thị Nghiêm, cán bộ văn hóa xã bộc bạch: “Lúc đầu mới về đây công tác, em hoảng vì đường đi lắm nhưng giờ cũng quen rồi. Ở xã này, con đường đó còn là dễ đi, chứ có những đoạn rất khó, đi bộ còn không qua được. Xã này có 5 thôn với gần 1.000 nhân khẩu, thì bên kia sông có đến 3 thôn với hơn 100 hộ gia đình và gần 500 nhân khẩu”.
Theo chân cán bộ trẻ, trước mắt chúng tôi là sông Bắc Giang chảy theo hướng Bắc – Nam, chia cắt xã vùng khó thành 2 bờ Đông – Tây. Tuy chưa phải giờ tan tầm nhưng bên dưới bờ sông vẫn có nhiều người qua lại. Như đã thành thói quen, họ chờ đợi, thay phiên nhau đi trên một chiếc bè làm bằng tre, một đầu có buộc dây thừng dài để khi người đi trước đến bờ bên kia rồi thì kéo dây cho bè quay trở lại. Chiếc bè tre trông rất mỏng manh đó hàng ngày vẫn chở hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại đoạn sông này.
Vừa dắt xe máy lên bờ, anh Long Văn Vương, thôn Vằng Mần chỉ tay vào chiếc bè nói: “Đây là phương tiện đi lại hằng ngày của chúng tôi. Cả người, hành lý và phương tiện đều cho lên đó hết. Có nhiều giáo viên, học sinh bị ngã xuống đó rồi. Năm 2013, có 4 người chết vì ngã xuống sông. Biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi không có cách lựa chọn nào khác vì đây là con đường duy nhất để ra trung tâm xã”.
Được biết, phía bên kia bờ Tây của sông còn có một trường mầm non và một phân trường tiểu học. Hằng ngày, các thầy cô giáo vẫn phải chòng chành trên chiếc bè này để “chở chữ” qua sông. Và ngược lại, các em học sinh khi học hết tiểu học rồi thì bắt đầu hành trình kéo cáp, đi bè qua sông để đến trung tâm xã học tiếp trung học cơ sở.
Sông sâu cách trở không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt đời sống hằng ngày, mà còn là một cản trở lớn đối với việc tiêu thụ nông sản phát triển kinh tế. Anh Bàn Trung Hiếu, thôn Khuổi Luông cho biết: “Thạch đen là cây trồng chủ lực của người dân thôn này. Thế nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên chúng tôi thường xuyên bị tư thương ép giá. Nếu bên kia sông bán được 25 nghìn đồng/kg, thì phía bên này sông chỉ bán được 23 nghìn đồng/kg. Chúng tôi rất mong mỏi một cây cầu để việc đi lại và vận chuyển nông sản được dễ dàng, thuận tiện hơn”.
Hiểu được những khó khăn đó, UBND huyện Bình Gia đã phân bổ hơn 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để xây dựng cầu treo qua đoạn sông này với tên gọi là cầu treo Vằng Mần (thuộc địa bàn thôn Vằng Mần). Dự án được khởi công từ tháng 4/2014 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Thế nhưng sau 3 lần gia hạn, đến thời điểm này, cầu vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Theo quan sát của phóng viên, phần nền và thân cầu cơ bản đã làm xong, chỉ còn phần đất phía bên bờ Đông chưa được hoàn thiện, tuy nhiên cầu đã dừng thi công mấy tháng nay mà không rõ lý do. Ông Lương Trương Đạt, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cầu treo Vằng Mần do Ban quản lý dự án xây dựng công trình huyện làm chủ đầu tư. Vì nhiều lý do nên cầu bị chậm tiến độ so với dự kiến. Huyện sẽ quan tâm đốc thúc, phấn đấu hoàn thiện cầu vào cuối năm nay để tạo điều kiện thông thương giữa các thôn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn”.
Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư rất ít ỏi thì việc xây dựng cầu treo là một nỗ lực lớn của các cấp, ngành. Mong rằng các cấp, ngành chức năng sẽ quan tâm hơn nữa để cầu treo Vằng Mần sớm được hoàn thiện và niềm mong mỏi của dân sẽ không còn “treo” trên những nhịp cầu.
MINH NGỌC
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()