Cầu treo dân sinh: Công tác quản lý, bảo trì còn bỏ ngỏ
(LSO) – Từ 2015 đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 8 cầu treo dân sinh (Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư) hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo trì các công trình còn bỏ ngỏ.
Các công trình cầu treo được đầu tư đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh gồm: cầu Nà Chát, Thà Tò (huyện Tràng Định); cầu Nà Kéo, Khuổi Hắp (huyện Bình Gia); cầu Hát Loong (huyện Đình Lập); cầu Nà Súng, Nà Áng (huyện Văn Quan); cầu Đồng Lão (huyện Hữu Lũng). Đến nay, có 5 công trình hết thời hạn bảo hành, 1 công trình đến tháng 7/2019 hết thời hạn bảo hành và 2 công trình đến tháng 4/2020 hết thời hạn bảo hành.
Người dân vi phạm tải trọng khi vận tải qua cầu treo Thà Tò, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định
Tất cả các cầu treo dân sinh được đầu tư xây dựng đều nằm trên các tuyến đường trục thôn, quy mô khổ cầu (bề mặt đi lại trên cầu) từ 1,5 m đến 2 m, chiều dài từ 50 m đến 120 m, tải trọng dưới 0,5 tấn. Trong số 8 cầu treo đưa vào khai thác có tới 6/8 cầu nằm ở các thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, giao thông bị chia cắt mạnh bởi sông, suối.
Việc đưa các công trình cầu treo vào sử dụng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân địa phương, đặc biệt là các cháu học sinh đến trường phải đi qua các dòng sông được an toàn, thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, từ khi các công trình được đưa vào sử dụng, công tác quản lý, bảo trì công trình chưa được quan tâm đúng mức. Tại 6/8 cầu tại các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Tràng Định, nhiều vị trí cầu xuất hiện một số biểu hiện xuống cấp như: bu lông, đai ốc bị lỏng; khô dầu mỡ tại gối thép, đầu bu lông, cáp chủ; gỉ chân cột thép, gỉ bu lông đai ốc trên giằng gió, bề mặt các cấu kiện thép; mất ốc gắn kết trên dàn thép đi lại mặt cầu; công tác vệ sinh mố cầu có kết cấu cáp chủ không được thực hiện.
Tại cầu Thà Tò, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định, ngoài các biểu hiện xuống cấp nêu trên, tình trạng người dân vi phạm tải trọng khi điều khiển phương tiện qua lại trên cầu còn phổ biến như: cùng lúc có nhiều xe máy chở 2 người đi qua cầu; sử dụng xe công nông vận tải nặng khi qua cầu.
Các ốc vít tại cầu treo Nà Súng, xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan đã bị hoen gỉ do không được bảo dưỡng thường xuyên
Theo quy định, trong thời gian bảo hành cầu treo, đơn vị thi công phải thực hiện công tác bảo dưỡng công trình như: kiểm tra kết cấu cầu, sửa chữa, thay thế khi thiết bị trên cầu bị mất, khôi phục theo đúng quy chuẩn khi các thiết bị có biết dạng… Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ UBND các huyện và UBND các xã được thụ hưởng các cầu treo thì từ khi các công trình cầu treo được đưa vào sử dụng đến nay, các đơn vị thi công cầu “một đi không trở lại”.
Ông Lý Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan cho biết: Công trình cầu treo Nà Súng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016, nhưng từ đó đến nay, không thấy có đơn vị nào thực hiện bảo dưỡng công trình. Bà con thôn Nà Súng cũng phản ánh vấn đề này với đại biểu HĐND xã thông qua kỳ tiếp xúc cử tri tại thôn. Hiện xã cũng chỉ làm công tác trông coi, bảo vệ công trình còn quản lý, bảo dưỡng xã không làm được.
Trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng công trình của UBND các huyện, xã và người dân được thụ hưởng cũng còn hạn chế. Chẳng hạn như việc vệ sinh, phát dọn cỏ cây mọc tại các mố cầu có liên kết các bó cáp chịu lực, hay khi thấy lỏng các con ốc, đi lại đúng tải trọng, cấp xã và người dân đều có thể làm được.
Từ những bất cập trong quản lý, khai thác các công trình cầu treo dân sinh, Sở Giao thông – Vận tải đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh về giải pháp quản lý cầu treo. Theo đó, sở kiến nghị UBND tỉnh giao cho UBND các huyện trực tiếp quản lý bảo trì và UBND huyện tự đặt hàng các đơn vị có đủ năng lực để thực hiện. Đồng thời, hằng năm, tỉnh phân bổ kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình này. Đối với những cầu treo còn bảo hành, sở sẽ kiến nghị với Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc việc bảo hành công trình theo đúng quy định hiện hành.
TRANG NINH
Ý kiến ()