Cầu thủ nhập tịch: Thoái trào ở VN, "mốt" ở Đông Nam Á
Sau AFF Cup 2010 với sự thành công đáng kể của Indonesia, Philippines và lâu nay là Singapore, đặc biệt là với trận thua “tâm phục khẩu phục” của ĐTVN trước Philippines (hầu hết đội hình là cầu thủ nhập tịch), vấn đề cầu thủ nhập tịch trở nên nóng hổi trên các mặt báo trong nước. Để độc giả có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, chúng tôi đăng tải loạt bài với nội dung: Cầu thủ nhập tịch có quyết định thành công của bóng đá Việt Nam?
Từ Phan Văn Santos đến con số 14
Không phải chỉ ở cấp độ đội tuyển mà từ vài ba năm trước, xu hướng sử dụng cầu thủ ngoại nhập quốc tịch đã diễn ra ở khá nhiều CLB V.League. Đi đầu phong trào này phải kể đến ĐTLA với trường hợp thủ môn Phan Văn Santos.
Ngày 14/12/2001, Fabio Dos Santos từ Brazil bay sang Việt Nam chính thức gia nhập câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm Long An, dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Bồ Đào Nha Henrique Calisto.
Trong 6 năm khoác áo câu lạc bộ 1 lần vô địch hạng nhất, 3 lần vô địch hạng nhì và 2 lần vô địch V.League, Santos đã khẳng định mình là thủ môn số 1 Việt Nam khi đó. Tầm vóc cao lớn 1,98m cùng tài nghệ bắt bóng điêu luyện, phản xạ tuyệt vời, đặc biệt thêm khả năng sút phạt lợi hại từng ghi nhiều bàn thắng cho đội, Santos “tiếng tăm nổi như cồn”.
Phan Văn Santos từng được gọi vào ĐTVN. (Ảnh: Internet) |
Sau nhiều ngày tháng kiên trì theo đuổi, cuối cùng ngày 25/12/2007 ước nguyện của cầu thủ người Brazil đã thành sự thật. Anh vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký chấp thuận cho nhập quốc tịch Việt Nam. Từ đây, anh chính thức mang tên Phan Văn Santos.
Đây là trường hợp đầu tiên một vận động viên thể thao nước ngoài từ bỏ quốc tịch gốc của mình để đứng dưới ngọn cờ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau Phan Văn Santos, xu hướng nhập tịch cho cầu thủ ngoại bắt đầu lan rộng ở hầu khắp các đội bóng tại V.League. Chính vì thế, có những thời điểm ở mùa giải 2009, VFF từng tính đến phương án giới hạn số lượng cầu thủ nhập tịch mà mỗi đội được phép sử dụng trên sân thi đấu chỉ là 1 người.
Đội tuyển Việt Nam từng có sự phục vụ của các ngoại binh nhập tịch như Đinh Hoàng Max nhưng sau đó thôi sử dụng. (Ảnh: Quang Minh) |
Tại Hội thảo các CLB chuyên nghiệp do VFF tổ chức chiều 13/11/2009, vấn đề giới hạn cầu thủ ngoại cũng như cầu thủ nhập tịch đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận sôi nổi. Nhưng sau đó, ai cũng hiểu, có giới hạn được hay không là vấn đề không hề đơn giản. Thậm chí, chủ trương giới hạn cầu thủ nhập tịch mà VFF dự tính áp dụng thời điểm đó đã vấp phải ý kiến phản ứng từ nhiều chiều, rằng sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của CLB, của cầu thủ, và như thế là “cào bằng” cả một nền bóng đá. Có những ý kiến còn cho rằng, khá nhiều cầu thủ ngoại nhập tịch tính kiện VFF vì đã vi phạm quyền công dân.
Tuy nhiên, sau động thái từ VFF và các bên liên quan, việc nhập tịch cho các cầu thủ ngoại hơn 1 năm trở lại đây cũng đã được hạn chế đi nhiều.
Cho đến thời điểm này, đã có 14 cầu thủ nhập tịch đang thi đấu tại V.League, giải hạng Nhất, đó là Huỳnh Kesley Alves (Xuân Thành Sài Gòn), Nguyễn Hoàng Helio (SLNA), Nguyễn Rogerio (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Sơn (Quảng Nam), Đoàn Văn Sakda (HAGL), Đoàn Văn Nirut (Navibank Sài Gòn), Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La (Ninh Bình), Lê Hoàng Trần Xi (Ninh Bình), Trần Lê Martin (Hòa Phát HN), Trần Lê Issac (Hòa Phát HN), Hoàng Vissai (Ninh Bình), Phan Văn Santos (Navibank Sài Gòn), Lê Tostao (LS Thanh Hóa).
Nguyễn Rogerio – máy quét siêu hạng của SHB Đà Nẵng. (Ảnh: Internet) |
Cầu thủ nhập tịch đá cho ĐTVN: Nên hay không?
Trở lại với vấn đề cầu thủ nhập tịch thi đấu cho ĐTQG Việt Nam. Sau thất bại tại bán kết AFF Cup 2010, chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng đề cập đến việc “nên sử dụng”. Trước đó, thực tế Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max và Đinh Hoàng La là những cầu thủ ngoại nhập tịch đã từng được triệu tập vào ĐTQG Việt Nam.
Ý kiến khơi gợi của người đứng đầu VFF thêm một lần nữa dấy lên làn sóng chú ý và gây tranh cãi trong dư luận. Người nói có, kẻ bảo không. Những người thận trọng và thích chọn giải pháp an toàn thì cho rằng cầu thủ nhập tịch cho ĐTVN cần nhưng vẫn phải giới hạn.
Những cơ sở đối chiếu để dư luận Việt Nam so sánh là: Indonesia đã thắng như chẻ tre ở AFF Suzuki Cup 2010 nhờ công lớn của cặp tiền đạo Cristian Gonzales (gốc Uruguay) và Irfan Bachdim (gốc Hà Lan); Philippines đem đến AFF Cup lần này 10 ngoại binh, với 7-9 cầu thủ thường xuyên đá chính; Singapore thay đổi bộ mặt nhờ những Aleksandar Duric (Bosnia), Casmir Agu và Precious Emuejeraye (Nigeria), Daniel Bennett (Anh), Shi Jiayi (Trung Quốc); Thái Lan từng sử dụng cầu thủ gốc Thụy Sĩ Peter Laeng…
Rõ ràng xu hướng nhập tịch đang trở thành “mốt” của bóng đá khu vực Đông Nam Á, với mong muốn vươn cao thoát ra khỏi mang tiếng là “vùng trũng của thế giới”. Là một phần của bóng đá khu vực, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Vấn đề là chúng ta cần phải nhìn nhận chuyện đó như thế nào, để tìm ra những hướng đi mới trong tương lai.
Ý kiến ()