Cầu Thăng Long chính thức thông xe sau gần năm tháng sửa chữa
Thứ 5, 07/01/2021 | 14:11:00 [(GMT +7)] A A
Cầu Thăng Long chính thức được thông xe vào sáng nay (7-1) sau gần năm tháng sửa chữa, nâng cấp, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 và cầu Nhật Tân.
Sau gần năm tháng nâng cấp và sửa chữa, cầu Thăng Long đã chính thức được thông xe vào sáng nay, 7-1.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan triển lãm ảnh về quá trình tu sửa, nâng cấp cầu Thăng Long.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long lần này có tổng kinh phí 270 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sửa chữa được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, dự án sửa chữa cầu Thăng Long là dự án đặc biệt quan trọng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần giảm ùn tắc cho tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thủ đô Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía bắc cũng như toàn tuyến Vành đai 3 của thành phố. Phó Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các chuyên gia, cố vấn, các đơn vị thi công, cán bộ, kỹ sư và các công nhân lao động trên công trường đã nỗ lực triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và an toàn theo yêu cầu đề ra.
Để phát huy hiệu quả, bảo đảm an toàn khi đưa công trình vào khai thác trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận công trình theo quy định.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời tổ chức khai thác, quản lý công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý triển khai phương án kiểm soát tải trọng xe qua cầu để bảo đảm an toàn và tuổi thọ công trình.
Cũng phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cho biết, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nằm trên đường Vành đai 3 là một trong các tuyến đường huyết mạch với lưu lượng giao thông lớn. Việc sửa chữa cầu sẽ bảo đảm giao thông đồng bộ trên Vành đai 3, giảm tải cho cầu Nhật Tân trên tuyến đường cửa ngõ của thành phố, tạo sự liên kết giữa các vùng. Nhằm đưa công trình khai thác hiệu quả, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông, các quận huyện tiếp tục phối hợp Tổng cục Đường bộ bảo Việt Nam trong tổ chức khai thác dự án, trong đó có công tác kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo nâng cao tuổi thọ công trình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan cắt băng thông xe cầu Thăng Long.
Các đại biểu tham quan mặt trên được sửa chữa, nâng cấp của cầu Thăng Long.
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5-1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long bắt đầu triển khai từ 16-8-2020, sau gần năm tháng thi công, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ như: hàn hơn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn cốt thép; rải 2.000 m3 bê-tông siêu tính năng; quét keo Epoxy dính bám và thảm 27.200m2 bê-tông nhựa Polymer.
Các phương tiện được lưu thông với tốc độ tối đa trên cầu là 80km/giờ.
Ngay trong ngày thông xe, tổ kiểm tra tải trọng xe sẽ ra quân tuần tra trên các đoạn tuyến khu vực hai đầu cầu Thăng Long, phát hiện các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.
Việc hoàn thành việc sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm TP đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()