“Cầu nối” tiêu thụ cây thạch cho nông dân
(LSO) – Đó là ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (Công ty Đức Quý) tại thôn Khuổi Só, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định. Với sự năng động, nhạy bén với thị trường, ông là người tiên phong thực hiện mô hình thu mua cây thạch đen để sản xuất bột thạch xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Quý sinh năm 1964, tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Trước đây, ông từng mở xưởng tái chế phế liệu nhưng sau đó nhận thấy không phù hợp nên ông chuyển sang nghiên cứu về cây thạch đen.
Ông Quý nhớ lại: “Sau nhiều năm mày mò, tìm hiểu, tôi thấy cây thạch đen có rất nhiều công dụng về y học, làm đẹp. Nhận thấy địa bàn xã Kim Đồng, huyện Tràng Định có diện tích trồng thạch đen lớn nhưng giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định, năm 2017, tôi quyết định thành lập Công ty Đức Quý, mở xưởng chế biến và thu mua thạch đen cho bà con với giá ổn định để xuất bán sang Trung Quốc”.
Tuy nhiên, năm 2018, việc xuất bán cây thạch gặp khó khăn do Trung Quốc không cho phép nhập hàng hóa chưa áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, cây thạch đen của nông dân trồng ra không thể tiêu thụ. Từ thực tế đó, ông Quý lặn lội sang các nước: Trung Quốc, Ấn Độ… để tìm đầu ra cho cây thạch. Trong quá trình tìm hiểu, nhận thấy nhu cầu sử dụng bột thạch ở các nước rất cao nên ông đã liên hệ với các doanh nghiệp để tiêu thụ bột thạch và quyết định lắp đặt hệ thống máy móc tại công ty để sản xuất.
Tinh bột thạch đen của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý được đóng bao xuất khẩu sang nước ngoài
Đến cuối năm 2019, công ty hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại với trị giá 23 tỷ, với diện tích nhà xưởng trên 5.000 m2. Từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 2 tấn thạch đen. Đến nay, công ty đã thu mua trên 700 tấn thạch, sản xuất gần 800 tấn bột thạch xuất khẩu sang các nước như: Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc… Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua bột thạch của các nước ngày càng cao, công ty đã trang bị thêm nồi nấu, hoạt động 24/24 giờ, năng suất thu mua cây thạch tăng lên, đạt 4 tấn/ngày.
Nhờ hoạt động hiệu quả, doanh thu của công ty đạt 200 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và 15 lao động thời vụ với thu nhập ổn định từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Quý chia sẻ: “Để có được thành công hôm nay, tôi thường xuyên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay và tham khảo các mô hình ở nước bạn, mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Để giúp người dân yên tâm về đầu ra, công ty ký hợp đồng thu mua thạch tận vườn với giá cao hơn thị trường 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Thời gian tới, công ty dự định mở rộng nhà xưởng hướng đến thu mua toàn bộ cây thạch đen của huyện Tràng Định; đầu tư máy móc để chế biến bã thạch thành phân bón vi sinh”.
Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Đồng cho biết: Diện tích thạch đen hằng năm của xã trên 140 ha, đây là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cho bà con, tuy nhiên, nhiều năm trước, giá cả không ổn định. Từ khi Công ty Đức Quý hoạt động, bài toán về đầu ra của cây thạch đen được giải quyết, người dân yên tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Ý kiến ()