Cầu nối giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Dẫn chúng tôi tham quan khu sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ xanh Kim Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) Lô Hùng Cường, phấn khởi giới thiệu sản phẩm trà Hoa vàng (đặc sản của địa phương) đang được thị trường ưa chuộng, góp phần tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả đạt được là nhờ ÐKNCCCN Nghệ An (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN Nghệ An, thuộc Sở KH và CN Nghệ An) tư vấn công ty thay đổi mẫu mã, xây dựng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc và nhất là tìm giúp công nghệ sấy trong nước phù hợp. Với hệ thống sấy lạnh có buồng sấy với nhiệt độ ổn định giúp nâng cao hình thức, chất lượng sản phẩm, giá công nghệ chỉ bằng một phần ba so với công nghệ nhập khẩu. Nếu không có ÐKNCCCN Nghệ An, thì với địa bàn huyện miền núi như Quế Phong rất khó tìm kiếm, tiếp cận công nghệ trên thị trường, thậm chí tiếp cận được cũng băn khoăn về hiệu quả đầu tư. Có các cán bộ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN Nghệ An đồng hành trong việc ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp đã yên tâm đầu tư, hiện đã tăng công suất vì sản phẩm được thị trường đón nhận hơn trước đây.
Doanh nghiệp nêu trên là một trong bảy doanh nghiệp được ÐKNCCCN Nghệ An hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ trong hơn một năm qua. Ði vào hoạt động từ tháng 6-2017 và là mô hình đầu tiên kết nối cung, cầu cấp địa phương trong cả nước, ÐKNCCCN Nghệ An được Bộ KH và CN đánh giá là điểm hoạt động hiệu quả, hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ. Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN Nghệ An Ngô Hoàng Linh, chỉ cần doanh nghiệp cho biết có nhu cầu công nghệ về lĩnh vực gì hay tư vấn các việc liên quan đến KH và CN là cán bộ của Trung tâm triển khai ngay, tìm bằng được từ nguồn cơ sở dữ liệu, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tham tán KH và CN ở nước ngoài. Thực tế, việc kết nối cho thấy, đây là hướng đi phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu công nghệ để đổi mới sản xuất của doanh nghiệp trong vùng Bắc Trung Bộ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ vì doanh nghiệp được miễn phí dịch vụ, đồng thời, kết nối hiệu quả nhà khoa học với doanh nghiệp, để các kết quả nghiên cứu không bị “cất ngăn kéo”.
Ðến nay, ngoài ÐKNCCCN Nghệ An, cả nước có năm ÐKNCCCN tại các địa bàn doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đồng thời các điểm làm nhiệm vụ kết nối cho các tỉnh lân cận: TP Hồ Chí Minh (vùng Ðông Nam Bộ), TP Hà Nội (vùng đồng bằng sông Hồng); Ðác Lắc (vùng Tây Nguyên), Phú Yên (vùng Nam Trung Bộ), Cần Thơ (vùng đồng bằng sông Cửu Long). Gần hai năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động, các ÐKNCCCN đã cho thấy hiệu quả bước đầu, với 19 biên bản, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hàng trăm lượt tư vấn, tọa đàm kết nối công nghệ. Có những ÐKNCCCN mới đi vào hoạt động một năm như ở Phú Yên đã bước đầu hình thành được thị trường KH và CN, với hơn 3.000 lượt khách đến tham quan sản phẩm, mô hình công nghệ, kết nối các sản phẩm khoa học có uy tín để thương mại hóa, kết nối năm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các sản phẩm ứng dụng công nghệ. Sắp tới, sẽ hình thành thêm ÐKNCCCN tại một số địa phương nhằm “phủ sóng” hoạt động hỗ trợ công nghệ đến nhiều doanh nghiệp, địa phương.
Khi các ÐKNCCCN sát cánh cùng doanh nghiệp, các thông tin về thị trường KH và CN đã được bộc lộ khá chính xác. Ðó là điều tra nhanh chóng nhu cầu công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn thay vì chờ đợi kết quả điều tra trong nhiều năm của những ngành khác và nhu cầu sử dụng công nghệ trong nước thể hiện rõ rệt. Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ (Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH và CN) Nguyễn Vũ Thao, cho biết, xu hướng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm, sử dụng công nghệ trong nước ngày càng tăng, tập trung nhiều vào công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghệ môi trường, bảo quản sản phẩm. Chỉ khi trong nước không có, họ mới tìm mua công nghệ nước ngoài.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN Nghệ An Ngô Hoàng Linh cho biết, thời gian qua, các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu là công nghệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước nghiên cứu. Nguyên nhân do nhiều công nghệ có giá rẻ hơn so với nhập ngoại; công nghệ phù hợp khí hậu, trình độ, thói quen của người Việt Nam, chế độ bảo hành, sửa chữa thuận tiện. Với những công nghệ không quá đặc thù, đơn vị thường khuyên doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong nước, và thực tế chất lượng không thua kém công nghệ nhập khẩu. Bên cạnh đó, xuất hiện xu hướng doanh nghiệp muốn hợp tác đầu tư với nước ngoài bằng công nghệ, nhằm tránh rủi ro khi công nghệ không đem lại hiệu quả. Từ nhu cầu công nghệ nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đó là thông tin cần thiết và là cơ hội lớn cho các nhà khoa học nghiên cứu, giải các bài toán trong sản xuất của doanh nghiệp, là kênh thông tin để cơ quan quản lý xây dựng các chính sách liên quan.
Khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc
Bước đầu, hoạt động của các ÐKNCCCN đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, khoảng cách tìm công nghệ, dần ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoạt động tư vấn đã cho doanh nghiệp thấy được lợi ích khi đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại băn khoăn về vấn đề nguồn lực tài chính và nhân lực để đầu tư cho công nghệ cho nên chưa mạnh dạn đổi mới công nghệ. Vì vậy, để ÐKNCCCN thật sự là cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp thì cần tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên Ðặng Thị Thủy, thực tế trên địa bàn, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất muốn ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản nhưng năng lực tài chính cũng như con người tiếp nhận công nghệ có hạn, không thể tự đầu tư đổi mới công nghệ nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Hiện nay, có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng các bước thực hiện chưa thật sự phù hợp để doanh nghiệp tiếp cận, tham gia và thủ tục thanh quyết toán quá phức tạp. Công tác tuyên truyền lâu nay chưa thật sự rộng rãi trong doanh nghiệp, cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp nắm bắt được các chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ tiếp cận đổi mới công nghệ. Ngoài ra, cần có đầu mối tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ từ các kết quả nghiên cứu trong nước để chuyển giao cho các ÐKNCCCN sử dụng tra cứu, giới thiệu, tư vấn và kết nối.
Từ thực tế triển khai thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết mỗi một địa phương phải có một ÐKNCCCN, nên chọn những đơn vị có đủ năng lực để hỗ trợ đầu tư ÐKNCCCN thành điểm kết nối của vùng. ÐKNCCCN đặt tại địa bàn trung tâm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đến tìm hiểu. Khi một ÐKNCCCN tổ chức tọa đàm, giới thiệu các công nghệ cụ thể thì các điểm khác cùng doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn có thể tham gia qua hệ thống trực tuyến, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa giảm chi phí đi lại cho nhà khoa học, doanh nghiệp trên cả nước. Các ÐKNCCCN uy tín, có thế mạnh về công nghệ, cần được đầu tư thỏa đáng để tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu công nghệ cho doanh nghiệp cả nước.
Ðịnh hướng phát triển KH và CN đã xác định, doanh nghiệp là trung tâm để đổi mới KH và CN, đồng thời, hoạt động khởi nghiệp dựa trên nền tảng KH và CN đang lan tỏa và phát triển. Bộ KH và CN cần sớm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên để ÐKNCCCN phát huy vai trò là cầu nối cung, cầu công nghệ mà doanh nghiệp và nhà khoa học đang rất cần hiện nay.
Ý kiến ()